'Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ biết dành phần ai'
Đơn vị nơi anh công tác đứng chân ở một xóm núi khuất nẻo của xã Thanh Sơn (Kim Bảng). Và ở nơi thâm sơn cùng cốc ấy, trong câu chuyện trải lòng về nghề nghiệp, về cuộc đời với phóng viên Báo Hà Nam trên chuyên mục 'Gặp gỡ cuối tháng', anh tâm sự theo cách hóm hỉnh bằng việc nhắc lại một đoạn ca từ trong bài hát 'Một đời người một rừng cây' của nhạc sĩ Trần Long Ẩn: 'Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ biết dành phần ai...'. Đó là Thiếu tá Nguyễn Văn Thắng (Đội trưởng Đội Quản giáo, Trại Tạm giam Công an tỉnh Hà Nam).
Nghề đặc biệt của những người dũng cảm
Có người nói: nghề quản lý, giáo dục can, phạm nhân là một nghề đặc biệt và những cán bộ, chiến sĩ công an gắn bó với nghề này là những người dũng cảm, dám chấp nhận khó khăn vất vả…- Anh nghĩ sao ?
Thiếu tá Nguyễn Văn Thắng: Kể ra ai đó nói như thế cũng không ngoa. Bởi quản lý, giáo dục can, phạm nhân đúng là một nghề đặc biệt, mang những đặc thù rất riêng: thầm lặng, ít người biết đến và cũng ít người yêu thích; một nghề luôn phải đối diện với vô vàn khó khăn, vất vả mà chỉ những người dám chấp nhận vất vả, khó khăn mới theo đuổi, gắn bó với nghề…
Vậy những đặc biệt cụ thể của nghề là gì?
Thiếu tá Nguyễn Văn Thắng: Là nghề gần như làm việc liên tục, thường xuyên, thường trực mà theo cách nói vui của anh em chúng tôi là “hai mươi bốn giờ trên ngày; bảy ngày trên tuần; ba mươi ngày trên tháng”. Là nghề làm việc trong giờ cũng như ngoài giờ. Là nghề mà can, phạm nhân ăn cơm rồi, nghỉ ngơi rồi nhưng cán bộ quản giáo mới được ăn cơm và sau đó là thay nhau trực, theo dõi, kiểm tra, kiểm soát.
Còn sự dũng cảm của người làm nghề ?
Thiếu tá Nguyễn Văn Thắng: Khi đi làm, hầu như ai cũng mong được làm việc gần nhà, tiện đường, ở nơi môi trường an toàn, thân thiện, lành mạnh, tích cực. Còn với những cán bộ, chiến sĩ công an đã gắn bó với nghề quản giáo nơi thâm sơn cùng cốc này luôn phải chấp nhận áp lực từ nhiều góc độ, ở mọi cấp độ: nắng, mưa ở đây cũng dường như nắng hơn, mưa hơn nơi khác; nóng nực, rét mướt ở đây cũng dường như dữ dội, khắc nghiệt hơn nơi khác. Chưa hết, không những đi làm xa nhà, ít thời gian nghỉ, ít được về nhà, hiếm khi được đoàn tụ với người thân… mà hằng sáng mỗi ngày “mở mắt ra đã thấy núi rừng”, “mở mắt ra đã gặp những con người lầm lỗi”...
Nói dũng cảm là phải. Không dũng cảm mà hằng ngày phải tiếp xúc, “sống chung” cùng những “công dân đặc biệt”, đã, đang bị hạn chế hoặc tước quyền công dân, những người đã từng phạm tội, luôn mang nặng tâm lý mặc cảm, tiêu cực, thậm chí luôn muốn tìm cách giải thoát, quyên sinh... Không phải chỉ quản lý mà phải thực sự gần gũi, hòa đồng, thấu hiểu đời sống, gia cảnh cùng những góc khuất tâm lý của từng can, phạm nhân, để qua đó, tạo dựng, bồi đắp lòng tin nơi can, phạm nhân, giúp họ nhận biết đúng, sai, thiện, ác, nhận thức rõ lỗi lầm của bản thân cũng như chính sách nhân đạo, khoan hồng của Đảng, Nhà nước và sự trông mong, kỳ vọng của người thân, cộng đồng… để từ đó có thêm nghị lực sửa chữa lỗi lầm, cải biến, hoàn lương...
Vất vả, khó khăn là thế, vậy sao anh vẫn chọn và gắn bó với công việc làm cán bộ quản giáo?
Thiếu tá Nguyễn Văn Thắng: (Cười) Là đảng viên, cán bộ, chiến sĩ trong lực lượng vũ trang, tổ chức đảng, chỉ huy cấp trên đã tin tưởng phân công thì nhất định phải sẵn sàng đảm nhận và phải nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ. Hơn nữa, trong muôn vàn công việc mà xã hội phân công, nếu “ai cũng chọn việc nhẹ nhàng” thì “gian khổ biết dành phần ai”???...
Tình thương yêu và phương pháp sư phạm
Hằng ngày trực tiếp quản lý, giáo dục những con người đã một thời lầm lỗi, chắc hẳn cán bộ, chiến sĩ công an đảm nhận nhiệm vụ quản giáo ở đây phải thực sự là những nhà sư phạm?
Thiếu tá Nguyễn Văn Thắng: Đúng vậy! Can, phạm nhân trong trại có, đủ mọi lứa tuổi, ngành, giới, hoàn cảnh, tội trạng... Có can, phạm nhân trình độ học vấn cao; có can, phạm nhân là “cậu ấm, cô chiêu”, con nhà quyền thế, kinh tế khá giả; có can, phạm nhân gia cảnh đặc biệt éo le... Điểm chung nhất ở họ là đều một thời lầm lỗi và luôn mặc cảm với lầm lỗi, mặc cảm với thế giới xung quanh. Do vậy, để thuyết phục, cảm hóa họ, phải có một phương pháp sư phạm phù hợp, hơn thế, phải có tình thương yêu cùng sự cảm thông, chia sẻ thân tình, sâu sắc.
Anh có thể nói rõ hơn về những đòi hỏi rất đặc biệt, riêng có trong công việc của cán bộ quản giáo?
Thiếu tá Nguyễn Văn Thắng: Trong trại tạm giam, can, phạm nhân là những người phạm tội, không còn được pháp luật bảo đảm quyền công dân. Tuy vậy, sâu khuất trong tâm hồn mỗi con người lầm lỗi đó không phải đã hết những khoảng sáng le lói của niềm tin, hy vọng, không phải đã hết mầm mống của sự hướng thiện. Và cái khó, đồng thời cũng là yêu cầu đòi hỏi rất quan trọng đối với cán bộ quản giáo chính là hằng ngày, hằng giờ phải biết kiên trì giữ lại những khoảng sáng hiếm hoi đó để từng bước nhân lên, dần tỏa rạng và làm lấn át những góc tối của lỗi lầm, mặc cảm. Có thể nói phương pháp sư phạm trong công tác quản lý, giáo dục can, phạm nhân phải nâng lên thành nghệ thuật cảm hóa con người. Cán bộ quản giáo phải hơn hẳn phạm nhân một cái đầu về cả tư cách đạo đức, kiến thức, trình độ, kỹ năng, kinh nghiệm nghiệp vụ sư phạm, đủ tâm, đủ tầm, đủ sức chế ngự, thu phục đối với cả những can, phạm nhân “cứng đầu” và lỳ lợm nhất.
Anh và đồng nghiệp chắc hẳn đã tích lũy được nhiều bài học kinh nghiệm trong nghề đặc biệt này?
Thiếu tá Nguyễn Văn Thắng: Đúng vậy. Mọi phương pháp sư phạm ở môi trường giáo dục đặc biệt này đều phải triệt để, đủ mạnh, kiên quyết, nghiêm ngặt, nhưng cũng phải hết sức uyển chuyển, linh hoạt, mềm dẻo. Cán bộ quản giáo không chỉ bằng lời nói mà còn phải bằng tình cảm chân thành cùng những hành động, chăm sóc yêu thương rất cụ thể, đậm tính nhân văn để có thể thu phục và hướng suy nghĩ, hành động của can, phạm nhân về nẻo đường thiện lương. Không chỉ phát huy sức mạnh về tính chuyên nghiệp, lòng yêu nghề, sự mẫn cán, cán bộ quản giáo còn phải biết tranh thủ sự cộng đồng trách nhiệm của gia đình và những can, phạm nhân tích cực, tiến bộ chung quanh để tự quản, hỗ trợ, giúp đỡ, động viên, khơi dậy sự ăn năn, hối cải, tính tự giác, tinh thần nỗ lực, vượt lên mặc cảm lỗi lầm của mỗi can, phạm nhân. Nhờ thế nên mặc dù chỉ có mấy chục cán bộ, chiến sĩ quản giáo, mặc dù điều kiện cơ ngơi buồng, phòng và hệ thống trang thiết bị chuyên dụng còn hết sức eo hẹp, thiếu thốn nhưng nhiều năm qua chúng tôi vẫn hoàn thành tốt nhiệm vụ quản lý, giáo dục gần 600 can, phạm nhân.
Quãng thời gian gắn bó với công tác quản giáo, chắc hẳn anh có nhiều kỷ niệm?
Thiếu tá Nguyễn Văn Thắng: Tất nhiên rồi. Đó là kỷ niệm khi chứng kiến đôi mắt ngấn lệ, đượm buồn, da diết nỗi niềm hy vọng, ngóng trông của những can, phạm nhân trẻ, can, phạm nhân nữ mỗi dịp lễ, Tết; chứng kiến lời nói nghẹn ngào xúc động của không ít can, phạm nhân khi nhận túi quà Tết ấm áp nghĩa tình mà cán bộ, chiến sĩ đơn vị trao đến buồng giam vào đúng thời khắc xuân Tết cận kề.
Đó là bao lần chứng kiến sự “hóa thân” đến bất ngờ của những can, phạm nhân khi tham gia chương trình văn nghệ “Mừng Đảng, mừng Xuân”; tham gia hội thi “Phạm nhân kể chuyện về Bác Hồ”, hội thi gói bánh chưng, thi các trò chơi dân gian... Đó là khi chứng kiến những phạm nhân đã nhận án tử hình, luôn thể hiện sự quẫn bách, tuyệt vọng, bất cần nhưng nhờ sự kiên trì, nhẫn nại, bao dung của cán bộ quản giáo đã bình tâm trở lại, hợp tác, thực hiện đúng các quy định của trại...
Chứng kiến những sự việc đã trở thành kỷ niệm sâu sắc về nghề ấy, tôi và anh chị em đồng đội càng hiểu rằng: trong sâu thẳm tâm hồn của không ít can, phạm nhân không chỉ có nỗi buồn chán, tuyệt vọng, sự ân hận, niềm mặc cảm mà vẫn còn đó (dẫu rất mong manh) niềm tin yêu, sự biết ơn cùng ước vọng hướng thiện. Đây cũng chính là niềm vui, là động lực giúp tôi và đồng nghiệp thanh thản, tự tin hơn với công việc “đặc biệt” mình đã chọn, với những nghĩa cử hướng thiện mình đã làm.
Một chút riêng tư
Anh đã có bao nhiêu năm gắn bó với nghề đặc biệt này?
Thiếu tá Nguyễn Văn Thắng: Vào ngành công an 20 năm thì 13 năm tôi gắn bó với Trại Tạm giam Công an tỉnh Hà Nam, từ khi đơn vị còn đứng chân ở Mễ Nội, Liêm Chính, Phủ Lý đến khi chuyển vào vị trí mới hiện nay (Bút Sơn, Thanh Sơn, Kim Bảng). Để có được cơ ngơi với hệ thống đường đi, lối lại phong quang, những phân khu khang trang, xanh mát, sạch, đẹp như hiện tại là cả một quá trình nỗ lực, phấn đấu không ngừng nghỉ của tập thể cán bộ, chiến sĩ quản giáo và can, phạm nhân do đơn vị quản lý.
Nhà anh có ở gần nơi công tác?
Thiếu tá Nguyễn Văn Thắng: Quê tôi ở Văn Xá, Kim Bảng, cách đây hơn chục cây số. Tôi có một gia đình hạnh phúc và người thân luôn thấu hiểu, cảm thông, chia sẻ với những đặc thù trong công việc của tôi; đồng thời “vui vẻ” chấp nhận những hy sinh, thiệt thòi, động viên tôi vững tâm gắn bó với nghề. Đây là điểm tựa rất quan trọng để tôi tự tin, thanh thản và toàn tâm, toàn ý gắn bó với nghề nghiệp “đặc biệt” mà tôi đã lựa chọn.