Ai cũng tham lợi... sẽ nguy hại đất nước

Xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân và vì dân, nhất thiết pháp luật phải xử lý nghiêm những đối tượng có hành vi tham ô, nhũng nhiễu, lãng phí,... của đất nước, của nhân dân.

Ảnh mình họa

Ảnh mình họa

Lãng phí, tham nhũng có xu hướng "lây lan" ở nhiều lĩnh vực

Cuộc đời Hồ Chí Minh chính là một tấm gương mẫu mực tuyệt vời về rèn luyện đạo đức cách mạng cần, kiệm, liêm, chính để chúng ta noi theo. Đạo đức cần, kiệm, liêm, chính luôn được Người thực hiện một cách mẫu mực, gắn chặt với sự nghiệp phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân.

Từ nghị quyết của Đảng, chỉ thị của Nhà nước ta đến các ngành, các địa phương, các cơ quan, đơn vị đều thực hành tiết kiệm, phải chống lãng phí, tham nhũng. Trong các kỳ họp Quốc hội, nhiều đại biểu đã lên án gay gắt tệ tiêu pha lãng phí, tham nhũng hiện nay. Tuy nhiên, những hiện tượng đó chẳng những không giảm mà ngày càng "lây lan" nhiều hơn. Sự lãng phí đó bây giờ không chỉ trong ăn uống, tiêu xài mà cả trong việc sử dụng tài sản công như đất đai, vật tư, phương tiện đi lại, nhất là các dự án,...

Tại phiên thảo luận tổ chiều ngày 24/7/2021 về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí ở Kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội khóa XV, Chủ tịch Quốc hội - Vương Đình Huệ nhận định: “Đôi khi thất thoát, lãng phí còn lớn hơn cả tham nhũng”, “chỉ tính riêng các dự án treo, nếu các địa phương tiến hành rà soát và tập trung giải quyết dứt điểm sẽ tạo chuyển biến lớn, tạo được nguồn lực hết sức lớn”. Vấn đề thực hành tiết kiệm, chống lãng phí từ trước đến nay chưa được thực sự quan tâm đúng mức. Tình trạng quản lý, sử dụng tài sản công còn nhiều vấn đề cần phải quan tâm, quản lý chặt chẽ theo đúng quy định.

Ngay cả một số cơ quan, đơn vị đã có hiện tượng sử dụng những nguồn vốn hiếm hoi cho việc đầu tư xây dựng trụ sở mới, mua sắm trang thiết bị đắt tiền, đua nhau các hoạt động phô trương, hình thức còn nặng nề. Chủ tịch Quốc hội - Vương Đình Huệ nêu rõ, tình trạng quản lý, sử dụng tài sản công cũng còn nhiều bất cập và so sánh, “nếu như các nước trên thế giới, các cơ quan nhà nước thuê lại trụ sở do tư nhân xây dựng thì Nhà nước không phải đầu tư từ đầu, không phải lo việc bảo trì phục vụ”, do vậy phải quản lý, sử dụng tài sản công tiệm cận như tài sản tư.

Thủ tướng Chính phủ - Phạm Minh Chính cho biết, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí là vấn đề được Chính phủ, Thủ tướng hết sức quan tâm. Chính sách, thể chế đã được hoàn thiện nhiều, nhưng chưa có kỷ luật về tiết kiệm, cần giáo dục nâng cao nhận thức, kỷ luật, kỷ cương, bên cạnh xây dựng thể chế. Theo Thủ tướng, có những dự án kéo dài, được nhận diện là manh mún, gây lãng phí, cần kết hợp xử lý “từ dưới lên và từ trên xuống”, “Vừa qua, các tỉnh lên trao đổi với tôi, có những con đường 400-500 tỉ thôi mà 13 đời bộ trưởng vẫn chưa xong” - đây là nguyên nhân trực tiếp gây lãng phí.

Do vậy, phải xem chống lãng phí là trách nhiệm lớn. Khi các cơ quan, đơn vị trong cả nước được Đảng và Nhà nước ta trang bị nhiều phương tiện hiện đại như ôtô đời mới, thiết bị, máy móc cao cấp đắt tiền,... nếu không có ý thức tiết kiệm thì mức độ lãng phí sẽ rất to lớn.

Vấn đề tiết kiệm đã được Chính phủ đặt ra tại bàn nghị sự trong các kỳ họp Quốc hội, được các đại biểu Quốc hội tranh luận thẳng thắn, đồng tình đề ra những biện pháp cứng rắn để triệt tiêu, song vẫn chưa ngăn chặn triệt để tệ nạn này.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Tất cả mọi người đều phải tiết kiệm”. “Tiết kiệm không phải là bủn xỉn, không phải là xem đồng tiền bằng cái trống, gặp việc đáng làm cũng không làm, đáng tiêu cũng không tiêu; tiết kiệm không phải là gò ép bộ đội, cán bộ và nhân dân nhịn ăn, nhịn mặc. Trái lại, tiết kiệm cốt để giúp vào việc tăng gia sản xuất, mà tăng gia sản xuất là để nâng cao mức sống của bộ đội, cán bộ và nhân dân”. “Chúng ta phải tiết kiệm thời gian (rút thời gian đối với công việc), chúng ta phải tiết kiệm sức lao động (giảm người đối với việc, để làm việc khác). Chúng ta phải tiết kiệm tiền của (giảm tiền chi cho việc)”(1).

Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã nhận định 4 nguy cơ mà Đảng ta chỉ ra vẫn tồn tại, có mặt gay gắt hơn, trong đó tình trạng suy thoái chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống; tình trạng tham nhũng, tiêu cực không chỉ là nguy cơ mà còn là thách thức không thể xem thường, đe dọa sự tồn vong của công cuộc đổi mới và chế độ xã hội. Tham nhũng là tệ nạn nguy hiểm nhất, xem như “quốc nạn”, gây hậu quả nghiêm trọng trong đời sống xã hội, làm giảm lòng tin của nhân dân vào chế độ, dẫn đến “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.

Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng đã chỉ ra những biểu hiện của sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Đó là gây lãng phí, thất thoát tài chính, tài sản, ngân sách nhà nước; tham ô, tham nhũng, lợi dụng chức vụ, quyền hạn cấu kết với doanh nghiệp, đối tượng khác để trục lợi; lợi dụng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn được giao để dung túng, bao che, tiếp tay cho tham nhũng, tiêu cực; chạy chức, chạy quyền, chạy chỗ, chạy luân chuyển, chạy bằng cấp, chạy tội; sử dụng quyền lực được giao để phục vụ lợi ích cá nhân hoặc để người thân, người quen lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình để trục lợi,... Có những cán bộ lãnh đạo bị các doanh nghiệp thao túng, khống chế làm méo mó việc thực thi quyền lực.

Trước đây, tham nhũng chủ yếu ở lĩnh vực kinh tế, đầu tư, song nay nó lan sang cả những lĩnh vực y tế, giáo dục, từ thiện, phòng, chống dịch bệnh,... Vụ sai phạm trong mua sắm, đấu thầu thiết bị y tế; “phong bì” cho bác sĩ, y tá, nhân viên để được khám bệnh nhanh, điều trị tốt; việc các cơ quan chức năng phát hiện gian lận thi cử ở một số địa phương thời gian qua,...

Siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính

Phát biểu tại phiên họp đầu tiên của Chính phủ nhiệm kỳ 2021-2026, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: “Chính phủ siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính, thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong thực thi công vụ; nâng cao đạo đức, văn hóa, tính chuyên nghiệp của cán bộ, công chức, viên chức; kiên trì, kiên quyết đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực gắn với đẩy mạnh xây dựng, hoàn thiện luật pháp, cơ chế, chính sách để “không thể, không dám, không muốn, không cần tham nhũng”. Đồng thời, chấn chỉnh, đấu tranh loại bỏ tư tưởng bàn lùi, vin cớ rằng việc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực sẽ cản trở sự phát triển, làm nhụt chí dẫn đến làm “cầm chừng”, “phòng thủ”, “che chắn”, giữ “an toàn” trong một bộ phận cán bộ, công chức nào đó, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp”.

Trong bối cảnh tình hình trong nước và thế giới có những thuận lợi nhưng đan xen nhiều khó khăn, thách thức, nhất là phải ứng phó với dịch Covid-19, đòi hỏi các cấp, các ngành, địa phương và mỗi cán bộ, đảng viên tiếp tục thực hiện nghiêm Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, gắn với việc thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW, ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh một cách thực chất theo Kết luận số 01-KL/TW, ngày 18/5/2021 của Bộ Chính trị. Cần làm tốt hơn nữa công tác cán bộ, nhất là việc quản lý, nhận xét, đánh giá cán bộ để lựa chọn, bố trí đúng những người thật sự có đức, có tài; thật sự “cần, kiệm, liêm, chính”, “chí công vô tư”; thật sự tâm huyết vì nước, vì dân. Kiên quyết đấu tranh với những cán bộ hư hỏng, suy thoái về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống; chống mọi biểu hiện chạy chức, chạy quyền, chạy luân chuyển. Đặc biệt, đối với các cơ quan có thẩm quyền trong công tác phòng, chống tham nhũng như kiểm tra, thanh tra, điều tra, kiểm sát, tòa án,... cần tăng cường hơn nữa trong công tác phối hợp, nâng cao hiệu quả công tác phát hiện và xử lý nghiêm minh các hành vi tham nhũng, lãng phí, nâng cao ý thức trách nhiệm, nêu gương, tinh thần phục vụ nhân dân của cán bộ, công chức, viên chức.

Trong sự nghiệp đổi mới đất nước hiện nay, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, thực hiện quản lý xã hội bằng pháp luật, hướng đến mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, nhất thiết pháp luật của Nhà nước ta phải mạnh tay trừng trị những đối tượng tham ô, nhũng nhiễu, lãng phí,... của đất nước, của nhân dân, bởi nói như cụ Mạnh Tử: “Ai cũng tham lợi thì nước sẽ nguy”(2)./.

Ths Nguyễn Thanh Hoàng

(1) Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, t. 6, tr. 486

(2) Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, t.5, tr 641.

Nguồn Long An: https://baolongan.vn/ai-cung-tham-loi-se-nguy-hai-dat-nuoc-a132001.html