AI đã giúp Israel thế nào trước Hamas?

Nhiều nguồn tin cho biết Israel đã sử dụng nhiều công nghệ tích hợp trí tuệ nhân tạo (AI) để giành ưu thế trước Hamas trong cuộc chiến ở Gaza.

Vào cuối năm 2023, Israel đã nhắm đến việc ám sát ông Ibrahim Biari – một chỉ huy cấp cao của Hamas ở phía bắc Dải Gaza. Ông Biari được xem là người đã giúp lập kế hoạch cho vụ tấn công của Hamas vào Israel hôm 7-10-2023.

Tuy nhiên, tình báo Israel không thể tìm thấy ông Biari và họ tin rằng ông này đang ẩn náu trong mạng lưới đường hầm bên dưới Gaza.

Tờ The New York Times dẫn một số nguồn tin quân sự Mỹ và Israel cho biết trước tình thế trên, các sĩ quan Israel đã chuyển sang một công nghệ dò âm thanh quân sự mới được tích hợp trí tuệ nhân tạo (AI). Công nghệ này được phát triển cách đây một thập niên nhưng chưa được sử dụng trên chiến trường.

Ngay sau đó, Israel đã tìm nghe các cuộc gọi của ông Biari và thử nghiệm công cụ dò âm thanh AI. Công cụ này cung cấp vị trí gần đúng nơi ông thực hiện các cuộc gọi. Sử dụng thông tin đó, Israel đã ra lệnh không kích vào khu vực này vào ngày 31-10-2023, giết chết ông Biari. Tuy nhiên, theo công ty theo dõi số liệu xung đột Airwars, hơn 125 thường dân cũng đã thiệt mạng trong cuộc tấn công.

 Các cuộc không kích của Israel vào Dải Gaza vào ngày 31-10-2023. Ông Ibrahim Biari – chỉ huy cấp cao của Hamas – đã thiệt mạng trong các cuộc không kích ngày hôm đó. Ảnh: THE NEW YORK TIMES

Các cuộc không kích của Israel vào Dải Gaza vào ngày 31-10-2023. Ông Ibrahim Biari – chỉ huy cấp cao của Hamas – đã thiệt mạng trong các cuộc không kích ngày hôm đó. Ảnh: THE NEW YORK TIMES

Các nguồn tin của The New York Times cho biết công cụ dò âm thanh này chỉ là một ví dụ về cách Israel sử dụng cuộc chiến ở Gaza để thử nghiệm và triển khai nhanh chóng các công nghệ quân sự được AI hỗ trợ, ở mức độ chưa từng thấy trước đây.

Khởi đầu từ xung đột Gaza

Trước đây, Israel từng sử dụng các cuộc xung đột ở Gaza và Lebanon để thử nghiệm và phát triển các công cụ công nghệ cho quân đội, chẳng hạn máy bay không người lái, công cụ xâm nhập điện thoại và hệ thống phòng thủ Vòm Sắt (Iron Dome) có thể giúp đánh chặn tên lửa đạn đạo tầm ngắn.

Sau cuộc tấn công vào ngày 7-10-2023, tại các trạm kiểm soát tạm thời được thiết lập giữa phía bắc và phía nam Dải Gaza, Israel cũng bắt đầu trang bị camera với khả năng quét và gửi hình ảnh có độ phân giải cao của người đến một chương trình nhận dạng khuôn mặt được AI hỗ trợ. Tuy nhiên, hệ thống này đôi khi cũng gặp khó khăn trong việc xác định những người có khuôn mặt bị che khuất.

Israel cũng sử dụng AI để sàng lọc dữ liệu do các quan chức tình báo thu thập về các thành viên Hamas. Trước xung đột, Israel đã xây dựng một thuật toán học máy có tên mã là "Lavender", có thể nhanh chóng phân loại dữ liệu để săn lùng các thành viên Hamas cấp thấp.

Thuật toán này được đào tạo trên cơ sở dữ liệu về các thành viên Hamas đã được xác nhận và nhằm mục đích dự đoán những người khác có thể là thành viên của nhóm. Mặc dù dự đoán của hệ thống không hoàn hảo, nhưng Israel đã sử dụng nó vào đầu cuộc xung đột ở Gaza để giúp lựa chọn mục tiêu tấn công.

Các chuyên gia Mỹ và châu Âu cũng cho rằng Israel là một trong những quốc gia tích cực thử nghiệm các công cụ AI trong cuộc chiến thực.

“Nhu cầu cấp thiết phải ứng phó với cuộc khủng hoảng đã thúc đẩy sự đổi mới. Phần lớn năng lượng cho sự đổi mới này khởi nguồn từ AI. Nó dẫn đến các công nghệ thay đổi cuộc chơi trên chiến trường và những lợi thế được chứng minh là rất quan trọng trong chiến đấu” – bà Hadas Lorber, người đứng đầu Viện Nghiên cứu Ứng dụng AI có trách nhiệm tại Viện Công nghệ Holon (Israel), cho biết.

Tuy nhiên, theo bà Lorber, các công nghệ này “cũng đặt ra những câu hỏi nghiêm trọng về đạo đức”. Bà cảnh báo rằng AI cần có sự kiểm tra và chính con người phải là bên đưa ra quyết định cuối cùng.

Thậm chí, ông Aviv Shapira – người sáng lập kiêm giám đốc điều hành của XTEND – cho rằng lực lượng Israel đã sớm sử dụng AI để nâng cao khả năng của đội bay không người lái.

“Trước đây, khả năng tự dẫn đường dựa vào việc tập trung vào hình ảnh của mục tiêu. Bây giờ, AI có thể nhận dạng và theo dõi chính vật thể – có thể là một chiếc ô tô đang di chuyển hoặc một người – với độ chính xác chết người” – ông Shapira nói.

 Một người lính Israel di chuyển một quả đạn pháo 155mm vào tháng 10-2023. Ảnh: AFP

Một người lính Israel di chuyển một quả đạn pháo 155mm vào tháng 10-2023. Ảnh: AFP

Sự hợp tác của nhiều bên?

Theo các nguồn tin, trong 18 tháng qua, Israel cũng đã kết hợp AI với phần mềm nhận dạng khuôn mặt để dò tìm danh tính của các khuôn mặt bị che khuất một phần hoặc bị thương. Ngoài ra, Israel cũng tạo ra một mô hình AI bằng tiếng Ả Rập để cung cấp dữ liệu cho một chatbot có thể quét và phân tích tin nhắn văn bản, bài đăng trên mạng xã hội và các dữ liệu tiếng Ả Rập khác.

Theo The New York Times, nhiều nỗ lực trong số này là sự hợp tác giữa những người lính nhập ngũ trong Đơn vị 8200 thuộc Cơ quan Tình báo Quân sự Israel và những người lính dự bị làm việc tại các công ty công nghệ như Google, Microsoft và Meta. Các nguồn tin cũng cho biết Đơn vị 8200 đã thành lập một trung tâm được gọi là "The Studio", đóng vai trò là trung tâm đổi mới và là nơi kết nối các chuyên gia với các dự án AI.

Một phát ngôn viên của Lực lượng Phòng vệ Israel cho biết bà không thể bình luận về các công nghệ cụ thể vì chúng có “bản chất bí mật”. Người phát ngôn này cho biết Israel “cam kết sử dụng hợp pháp và có trách nhiệm các công cụ công nghệ dữ liệu”, đồng thời khẳng định lực lượng Israel đang điều tra vụ tấn công ông Biari và “không thể cung cấp thêm bất kỳ thông tin nào cho đến khi cuộc điều tra hoàn tất”.

Meta và Microsoft từ chối bình luận về vấn đề này. Riêng Google cho biết họ có “những nhân viên thuộc lực lượng quân nhân dự bị ở nhiều quốc gia trên thế giới. Công việc mà những nhân viên đó làm với tư cách là quân quân dự bị không liên quan đến Google”.

 Binh lính Israel bắn đạn cối vào các mục tiêu ở Dải Gaza vào tháng 2-2024. Ảnh: FLASH90

Binh lính Israel bắn đạn cối vào các mục tiêu ở Dải Gaza vào tháng 2-2024. Ảnh: FLASH90

Một số quan chức Israel cho biết sau cuộc tấn công của Hamas vào Israel vào tháng 10-2023, các công nghệ AI đã nhanh chóng được phê duyệt để triển khai. Điều đó dẫn đến sự hợp tác giữa Đơn vị 8200 và những người lính dự bị trong "The Studio" để nhanh chóng phát triển các khả năng AI mới.

Ông Avi Hasson – giám đốc điều hành của Startup Nation Central, tổ chức phi lợi nhuận của Israel kết nối các nhà đầu tư với các công ty – cho biết những người lính dự bị dự bị làm việc Meta, Google và Microsoft đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy đổi mới trong máy bay không người lái và tích hợp dữ liệu.

“Những người lính dự bị đã mang đến bí quyết và khả năng tiếp cận các công nghệ quan trọng mà quân đội không có” – ông Hasson cho biết.

KHOA ĐIỀM

Nguồn PLO: https://plo.vn/ai-da-giup-israel-the-nao-truoc-hamas-post847366.html