AI đe dọa việc làm của con người?
Trí tuệ nhân tạo (AI) sẽ ảnh hưởng đến gần 40% việc làm trên toàn thế giới. Các quốc gia cần cân bằng chính sách một cách cẩn thận để khai thác tiềm năng của nó.
Gần 40% việc làm toàn cầu tiếp xúc với AI
Trước thềm Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) ở Davos (Thụy Sĩ), Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva lưu ý rằng, chúng ta đang trên bờ vực của một cuộc cách mạng công nghệ có thể thúc đẩy năng suất, thúc đẩy tăng trưởng toàn cầu và tăng thu nhập trên toàn thế giới. Tuy nhiên, nó cũng có thể thay thế việc làm và làm sâu sắc thêm tình trạng bất bình đẳng.
Trong một phân tích mới, IMF kiểm tra tác động tiềm tàng của AI đối với thị trường lao động toàn cầu. Nhiều nghiên cứu đã dự đoán khả năng công việc sẽ bị thay thế bởi AI. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, AI có khả năng bổ sung cho công việc của con người. Phân tích của IMF nắm bắt được cả hai lực lượng này.
Những phát hiện rất đáng chú ý: gần 40% việc làm toàn cầu được tiếp xúc với AI. Trong lịch sử, tự động hóa và công nghệ thông tin có xu hướng ảnh hưởng đến các công việc thường ngày, nhưng một trong những điều khiến AI trở nên khác biệt là khả năng tác động đến các công việc đòi hỏi kỹ năng cao. Kết quả là, các nền kinh tế tiên tiến phải đối mặt với rủi ro lớn hơn từ AI nhưng cũng có nhiều cơ hội hơn để tận dụng lợi ích của nó.
Ở các nền kinh tế tiên tiến, khoảng 60% việc làm có thể bị ảnh hưởng bởi AI. Khoảng một nửa số việc làm có thể được hưởng lợi từ việc tích hợp AI, nâng cao năng suất. Nửa còn lại, các ứng dụng AI có thể thực hiện các nhiệm vụ chính hiện do con người thực hiện, điều này có thể làm giảm nhu cầu lao động, dẫn đến lương thấp hơn và giảm tuyển dụng. Trong những trường hợp cực đoan nhất, một số công việc này có thể biến mất.
Ngược lại, ở các thị trường mới nổi và các nước thu nhập thấp, tỷ lệ tiếp xúc với AI dự kiến sẽ lần lượt là 40% và 26%. Nhiều quốc gia trong số này không có cơ sở hạ tầng hoặc lực lượng lao động lành nghề để khai thác lợi ích của AI, làm tăng nguy cơ công nghệ này có thể làm trầm trọng thêm sự bất bình đẳng giữa các quốc gia theo thời gian.
Theo bà Georgieva, trong hầu hết kịch bản, AI có thể làm trầm trọng thêm tình trạng bất bình đẳng tổng thể, một xu hướng đáng lo ngại mà các nhà hoạch định chính sách phải chủ động giải quyết để ngăn chặn công nghệ gây thêm căng thẳng xã hội.
Theo đó, trong cùng một nền kinh tế, AI có thể gây ra sự bất bình đẳng và phân cực về thu nhập, với những người có khả năng tận dụng trí tuệ nhân tạo sẽ tăng cường năng suất và thu nhập của họ, trong khi những người không thể sẽ tụt lại. Đơn cử, AI giúp người lao động ít kinh nghiệm có thể nâng cao năng suất nhanh chóng hơn. Người lao động trẻ sẽ dễ dàng tận dụng cơ hội, còn lao động lớn tuổi có thể gặp khó khăn để thích ứng...
Thay đổi để tồn tại
Theo một cuộc khảo sát mới của công ty tư vấn lớn nhất thế giới, PwC, đối với các giám đốc điều hành (CEO) của nhiều tổ chức, ngày càng có nhiều CEO cảm thấy lạc quan hơn về nền kinh tế toàn cầu, nhưng song song với đó, họ lại cảm thấy mất niềm tin về việc công ty của họ có thể tồn tại trong thập kỷ tới nếu không có một cuộc đại tu lớn do áp lực từ biến đổi khí hậu và công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI).
Cuộc khảo sát với 4.702 CEO trên 105 quốc gia và vùng lãnh thổ, được công bố hôm 15/1 cho thấy, 45% số người được hỏi lo lắng rằng, doanh nghiệp của họ sẽ không thể tồn tại trong một thập kỷ tới nếu không có sự đổi mới. Các CEO cho biết, họ đang cố gắng tạo ra những thay đổi nhưng lại đang đi ngược lại các quy định, sự thiếu kỹ năng của người lao động và hơn thế nữa.
Ông Bob Moritz - Chủ tịch toàn cầu của PwC - cho biết: “Cho dù là đẩy nhanh việc triển khai AI thế hệ mới hay xây dựng hoạt động kinh doanh để giải quyết những thách thức và cơ hội của quá trình biến đổi khí hậu, thì 2024 là một năm của sự chuyển đổi”.
Trí tuệ nhân tạo vừa được coi là một cách để hợp lý hóa hoạt động kinh doanh, vừa là một điểm yếu. PwC cho biết, gần 3/4 CEO cho rằng, “điều này sẽ thay đổi đáng kể cách các công ty tạo ra giá trị, phân phối và thu giữ nó trong 3 năm tới”.
Hơn một nửa số CEO cho rằng, AI sẽ làm cho sản phẩm hoặc dịch vụ của họ tốt hơn, nhưng 69% lưu ý, công nhân của họ cần được đào tạo để có được kỹ năng sử dụng công nghệ đang phát triển. Họ cũng lo ngại về việc AI sẽ làm tăng rủi ro an ninh mạng và thông tin sai lệch.
AI đã từng trở thành chủ đề nóng tại WEF ở Davos năm ngoái khi ChatGPT gây bão trên toàn thế giới. Một số công ty như Chegg, IBM và Dropbox đã trực tiếp chỉ ra AI là lý do để xem xét lại trình độ nhân sự. Trong 2 tuần đầu năm 2024, hơn 5.500 nhân viên công nghệ bị sa thải tại Mỹ. Dù không phải tất cả đều liên quan trực tiếp đến AI, hầu hết diễn ra sau khi các công ty công bố những khoản đầu tư lớn vào AI. Tuy nhiên, về lợi ích, theo Goldman Sachs, việc áp dụng AI rộng rãi có thể giúp tăng năng suất lao động và thúc đẩy GDP toàn cầu tăng 7% mỗi năm trong 10 năm. Bà Georgieva cũng xác nhận, AI tạo ra cơ hội tăng sản lượng và thu nhập trên toàn cầu. "AI sẽ biến đổi nền kinh tế toàn cầu. Hãy đảm bảo rằng nó mang lại lợi ích cho nhân loại" - bà Georgieva nói.
“
Bà Georgieva cho rằng, các nền kinh tế tiên tiến nên ưu tiên đổi mới và tích hợp AI đồng thời phát triển các khung pháp lý mạnh mẽ. Cách tiếp cận này sẽ xây dựng một môi trường AI an toàn và có trách nhiệm, giúp duy trì niềm tin của công chúng. Kỷ nguyên AI đang đến gần chúng ta và chúng ta vẫn có khả năng đảm bảo nó mang lại sự thịnh vượng cho tất cả mọi người.
Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/ai-de-doa-viec-lam-cua-con-nguoi-10271629.html