Ðại diện quyền, lợi ích hợp pháp cho người lao động
ĐBP - Cùng với việc triển khai các hoạt động, phong trào thi đua; Liên đoàn Lao động (LÐLÐ) tỉnh tập trung làm tốt công tác đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên công đoàn và người lao động. Qua đó vừa củng cố vị trí của tổ chức đối với người lao động vừa là chỗ dựa vững chắc cho người lao động, đoàn viên công đoàn.
Ðồng chí Lầu Thị Thanh Hương, Phó Chủ tịch LÐLÐ tỉnh trao Nhà ở “Mái ấm công đoàn” cho gia đình đoàn viên Lò Văn An có hoàn cảnh khó khăn xã Mường Luân (huyện Ðiện Biên Ðông).
LÐLÐ tỉnh chú trọng đổi mới và nâng cao chất lượng tham gia xây dựng chính sách, pháp luật liên quan đến người lao động và tổ chức công đoàn; nâng cao nhận thức của các cấp công đoàn trong tỉnh về nhiệm vụ quan trọng này, coi đây là phương thức bảo vệ người lao động từ xa và hiệu quả. Ðồng thời, chủ động phối hợp với cơ quan quản lý Nhà nước tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chế độ chính sách cho đoàn viên lao động, như: Tiền lương, thưởng, BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp... Thông qua kiểm tra, giám sát kịp thời phát hiện kiến nghị các cấp có thẩm quyền tháo gỡ những khó khăn, bức xúc của đoàn viên, người lao động, bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng cho đoàn viên. Chuyển biến tích cực này thể hiện rõ rệt ở con số tiền nợ đóng BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp của người lao động tại các đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh hiện còn hơn 13,4 tỷ đồng (giảm gần 3 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2018).
Ông Lê Thanh Hà, Chủ tịch LÐLÐ tỉnh cho biết: Các cấp công đoàn trong tỉnh đã chủ động phối hợp với chuyên môn triển khai thực hiện Quy chế dân chủ cơ sở trong các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp; trong đó tập trung chỉ đạo các công đoàn cơ sở phối hợp trọng tâm là tổ chức hội nghị cán bộ công chức, hội nghị người lao động, tổ chức đối thoại tại các doanh nghiệp. Từ đầu năm đến nay đã có 975/993 cơ quan, đơn vị tổ chức hội nghị cán bộ công chức; 53/65 doanh nghiệp tổ chức Hội nghị người lao động; 53/65 doanh nghiệp tổ chức đối thoại, thương lượng, ký kết và thực hiện thỏa ước lao động tập thể. Hơn 70% doanh nghiệp đã thành lập Công đoàn cơ sở ký kết thỏa ước lao động tập thể, trong đó có trên 65% thỏa ước lao động tập thể được phân loại chất lượng đạt loại B trở lên. 100% công đoàn cấp trên trực tiếp xây dựng và củng cố đội ngũ cộng tác viên tư vấn về lĩnh vực pháp luật lao động, công đoàn, đáp ứng được yêu cầu của tình hình mới. 100% vụ tai nạn lao động nặng và chết người đều có đại diện công đoàn tham gia điều tra… Qua đó, phát huy được quyền làm chủ của đoàn viên, công nhân, viên chức, lao động. Tổ chức công đoàn trực tiếp tham gia xây dựng, quản lý đơn vị, doanh nghiệp; sửa đổi, bổ sung và ký kết các nội quy, quy chế, thỏa ước lao động tập thể với những nội dung có lợi hơn cho người lao động. Công đoàn cơ sở thể hiện được vai trò đại diện cho người lao động khi tham gia và tổ chức cho công nhân viên chức người lao động tham gia quản lý cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, thương lượng và ký kết thỏa ước lao động tập thể.
Tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động, LÐLÐ tỉnh chú trọng thực hiện có hiệu quả công tác đối thoại, thương lượng tập thể tại các đơn vị; hướng dẫn các công đoàn cơ sở doanh nghiệp có từ 10 lao động trở lên tổ chức hội nghị người lao động để thương lượng và ký kết thỏa ước lao động tập thể; thương lượng và ký thỏa ước lao động tập thể với nhiều điều, khoản có lợi cho đoàn viên và người lao động so với quy định của pháp luật về lao động. Ðẩy mạnh đối thoại, thương lượng tập thể với đại diện người sử dụng lao động thông qua định kỳ hàng năm. Nâng cao số lượng, chất lượng đối thoại và thỏa ước lao động tập thể tại doanh nghiệp. Phấn đấu 80% các thỏa ước lao động tập thể chỉ bao gồm các nội dung có lợi hơn cho người lao động so với quy định của pháp luật. Ðồng thời, LÐLÐ tỉnh tập trung nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động tư vấn pháp luật, đa dạng hóa nội dung, phạm vi hoạt động tư vấn pháp luật. Nâng cao nhận thức của các cấp công đoàn về công tác tham gia thanh tra, kiểm tra, giám sát và phản biện xã hội, phản biện chính sách, pháp luật để bảo vệ quyền và lợi ích của người lao động; phát hiện kịp thời, đề nghị xử lý và định hướng dư luận phê phán những hành vi vi phạm quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động.