Ai dựng rào - ai gỡ rào?

Người 'phá rào' phải chịu trách nhiệm, thế người 'dựng rào' chả nhẽ vô can?

Mấy nay dư luận ồn ào chuyện bảo vệ người tài, bảo vệ người dám “phá rào”.

Thậm chí là xây cơ chế để cán bộ “dám nói, dám làm”.

Dám nói thì tốt quá rồi, sợ nhất là cán bộ thấy sai không dám nói, không dám bảo vệ quan điểm, không có chính kiến.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Cái này không chỉ cần ở cơ quan Nhà nước, mà bất cứ ở tổ chức hay doanh nghiệp nào, nếu nhân viên, người lao động không dám nói, chỉ cung cúc làm theo phận sự, việc được giao, “mũ ni che tai” với những thứ sai trái, những cách hiểu, cách làm chưa đúng, thì nơi đó đừng hy vọng có sự phát triển.

Đến nói còn không dám thì làm gì dám làm.

Nhưng dám làm và “phá rào” thì lại là chuyện khác.

Dám làm là khó khăn, vất vả không ngại, thậm chí làm mà thất bại, mất chức cũng không sợ. Đó là cán bộ có khát vọng, có năng lực, dám chịu trách nhiệm.

Còn “phá rào” (xét góc độ tích cực) đòi hỏi có bản lĩnh hơn, giỏi hơn vì khả năng phải chịu trách nhiệm, bị kỷ luật khi làm trái quy định là rất cao.

Báo chí và mạng xã hội kể ra nhiều chuyện cán bộ từng “phá rào” sau đó không bị kỷ luật và hy vọng luật pháp sẽ có hành lang bảo vệ những người “phá rào” vì cái chung, không vụ lợi.

Chuyện này Kính cận tôi cũng ủng hộ. Chỉ duy nhất băn khoăn một điều, vì sao lắm “rào” phải phá thế, vì sao muốn làm tốt phận sự của mình mà nhiều thứ cản trở đến vậy?

Người “phá rào” phải chịu trách nhiệm, thế người “dựng rào” chả nhẽ vô can?

Rất cần có những đoàn kiểm tra của Đảng, của Quốc hội hay của thanh tra xem nơi nào đã và đang dựng rào, không kịp thời kiến nghị sửa rào, từ đó xem xét trách nhiệm. Có thế mới bớt đi những đau đáu “phá rào” và hệ lụy của nó.

Kính cận

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/ai-dung-rao-ai-go-rao-d588616.html