Ai đứng sau tham vọng của Smartthings tại Thái Nguyên?

Đông Á và bóng dáng của một tập đoàn tài chính đang 'lấp ló' sau tham vọng tiến sân bất động sản tại Thái Nguyên của Smartthings Việt Nam.

Cổ đông chi phối Smartthings: lỗ tăng, nợ cao

Như Báo Giao thông đã đề cập, Công ty Cổ phần Smartthings Việt Nam là nhà đầu tư duy nhất đăng ký tham gia thực hiện dự án khu dân cư Thanh Lương và hiện được UBND tỉnh Thái Nguyên sơ bộ phê duyệt điều kiện.

Tuy nhiên, cần nhấn mạnh rằng cách hợp thức của Smartthings và nhóm chủ này đang là dấu hỏi lớn.

Thành phố Thái Nguyên. Ảnh minh họa.

Thành phố Thái Nguyên. Ảnh minh họa.

Theo dữ liệu của Báo Giao thông, cổ đông chi phối Smartthings Việt Nam là Công ty Cổ phần Vật tư và Hóa chất xây dựng Đông Á (51%) và doanh nhân Nguyễn Tất Long (48%).

Về Công ty Vật tư và Hóa chất xây dựng Đông Á, doanh nghiệp được lập ra từ tháng 10/2016, do ông Trần Quang Tuấn làm Tổng giám đốc. Cơ cấu cổ đông sáng lập của Đông Á gồm: ông Trần Quang Tuấn, ông Đỗ Văn Khánh - Giám đốc Smartthings Việt Nam và ông Nguyễn Đăng Dũng.

Tính đến tháng 12/2018, Đông Á đã tăng vốn lên 5 tỷ đồng. Hơn 5 năm sau, tháng 1/2024, Đông Á bất ngờ tăng vốn gấp 10 lần lên 50 tỷ đồng.

Tuy nhiên, trước khi được bơm vốn "thần tốc" giống Smarthings, Đông Á có vốn mỏng, kinh doanh đi lùi khiến lỗ và nợ cùng tăng.

Cụ thể, trong giai đoạn từ 2019 – 2023, doanh thu của Đông Á luôn ở mức thấp. Năm 2019, doanh nghiệp thu về 7,6 tỷ đồng và giảm xuống còn 6,1 tỷ đồng vào năm 2020.

Doanh thu của Đông Á năm 2021 phục hồi lên mức 8,8 tỷ đồng, song sau đó cũng "rơi tự do" về 1,9 tỷ đồng và 1,4 tỷ đồng lần lượt trong các năm 2022 - 2023.

Tất yếu, Đông Á báo lãi khiêm tốn từ 9,3 triệu đồng, 15,1 triệu đồng tới 250 triệu đồng trong 3 năm 2019 - 2021.

Doanh thu bốc hơi khiến công ty phải nhận về khoản lỗ 2,8 tỷ đồng và 1,2 tỷ đồng trong 2 năm 2022 - 2023.

Điều này khiến vốn chủ sở hữu Đông Á cuối năm 2023 giảm còn 1,1 tỷ đồng với lỗ lũy kế gần 4 tỷ đồng. Trong khi đó, doanh nghiệp gánh khối nợ hơn 12,5 tỷ đồng.

Sau khi được bơm vốn lên 50 tỷ đồng, đến nay Đông Á chưa cập nhật thông tin về kinh doanh, lợi nhuận.

Cổ đông lớn còn lại và bóng dáng của một tập đoàn tài chính

Bức tranh nợ nần và thua lỗ của Đông Á đã đẩy mọi sự chú ý sang cổ đông cá nhân còn lại của Smartthings Việt Nam là doanh nhân ông Nguyễn Tất Long.

Liệu đây có phải là nhân tố chủ chốt khiến nhóm này tự tin đăng ký tham gia dự án 642 tỷ đồng tại Thái Nguyên?

Được biết, ông Nguyễn Tất Long cũng đã xuất hiện trên thương trường lâu năm với xuất phát điểm là chủ, cổ đông của một số doanh nghiệp kinh doanh thương mại, xuất nhập khẩu.

Trong đó, một số pháp nhân tiêu biểu là Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại quốc tế Khải Hoàn (tiền thân là Công ty TNHH MTV Tam Đệ Multimedia), Công ty TNHH Xuất nhập khẩu và Thương mại dịch vụ quốc tế Hưng Phát (tiền thân là Công ty TNHH Kinh doanh Vật liệu xây dựng Đức Hằng), Công ty Cổ phần Quan hệ quốc tế - Đầu tư sản xuất, Công ty TNHH TM&DV Tổng hợp HT...

Đại diện của Công ty Cổ phần Giao dịch hàng hóa Amber (AXC) tham gia sự kiện của MXV. Ảnh: AXC.

Đại diện của Công ty Cổ phần Giao dịch hàng hóa Amber (AXC) tham gia sự kiện của MXV. Ảnh: AXC.

Đến năm 2022, ông Nguyễn Tất Long lấn sân sang lĩnh vực tài chính, sau khi được bổ nhiệm làm Phó tổng giám đốc của Công ty Cổ phần Giao dịch hàng hóa Amber (AXC) – công ty trực thuộc Tập đoàn Amber chuyên về môi giới giao dịch hàng hóa tại Việt Nam, thành viên của Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV).

Tháng 6/2022, ông Long trở thành Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Mua bán nợ T.M – doanh nghiệp có liên quan đến Amber Group.

Đối tác quen mặt của Mua bán nợ T.M là một ngân hàng thương mại trong nước, cung cấp hàng loạt các khoản nợ xấu chủ yếu từ cho vay kinh doanh bất động sản (qua tín dụng hoặc trái phiếu).

Trong đó phải kể đến khoản nợ từ Công ty TNHH Đầu tư Bất động sản DLC được chuyển sang cho Mua bán nợ T.M từ cuối năm 2021, hay 1.400 tỷ đồng từ Công ty Cổ phần Đầu tư Vũng Tàu Hospitality, 1.500 tỷ đồng từ Công ty TNHH Đầu tư và Bất động sản Minh Anh, 1.400 tỷ đồng từ Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển và Thương mại TK…

Khó khăn trong việc thanh lý nợ, đến cuối năm 2023, tổng nợ phải trả của công ty Mua bán nợ T.M đã lên 5.834 tỷ đồng, gấp 74,6 lần vốn điều lệ, ẩn chứa những rủi ro lớn về khả năng thanh khoản. Mua bán nợ T.M cũng hiện còn món nợ vay tín dụng 220 tỷ đồng và khoản báo lỗ 6,6 tỷ đồng vào năm 2022 và 15,1 tỷ đồng năm 2023.

Ngoài các pháp nhân trên, ông Nguyễn Tất Long cũng đứng tên và góp 20% vốn tại Công ty Cổ phần Đầu tư tài chính V.A – đơn vị mua bán nợ khác liên quan đến nhà Amber.

Doanh nghiệp được thành lập vào tháng 10/2022 với số vốn điều lệ là gần 100 tỷ đồng, cơ cấu cổ đông gồm ông Nguyễn Tất Long, ông Ngô Hoàng Long (cựu Chủ tịch Công ty Cổ phần Giao dịch hàng hóa Amber) cầm 65% cổ phần, ông Ngô Văn Nam (đại diện cũ của Mua bán nợ T.M) cầm 15% cổ phần.

Dù vốn chỉ gần 100 tỷ đồng, song 2 tháng sau thành lập, Đầu tư tài chính V.A "bị đẩy" cho 5.385 tỷ đồng. Con số này duy trì đến hết năm 2023 với các "con nợ" khó đòi ở là Công ty TNHH Đầu tư Bất động sản BTT-Land (tiền thân là Công ty TNHH Đầu tư Bất động sản Quy Nhơn), Công ty TNHH Bất Động Sản PMT, Công ty TNHH Bất động sản EDK...

Còn tiếp

Thanh Thắng

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/ai-dung-sau-tham-vong-cua-smartthings-tai-thai-nguyen-19224080708470456.htm