Ai đứng sau vụ nổ gần 3.000 máy nhắn tin của Hezbollah?

Gần 3.000 máy nhắn tin của thành viên lực lượng Hezbollah đã phát nổ trên khắp Liban, khiến 9 người thiệt mạng và gần 3.000 người bị thương. Thủ tướng Liban và lực lượng Hezbollah đã đổ lỗi cho Israel về vụ việc trên. Hezbollah thề sẽ trả thù. Iran, quốc gia hậu thuẫn Hezbollah cũng lên án vụ tấn công. Mỹ hiện kêu gọi Iran và lực lượng ủy nhiệm kiềm chế đáp trả.

Loạt vụ nổ máy nhắn tin xảy ra như thế nào?

Những vụ nổ đầu tiên xảy ra vào đêm qua, sau đó kéo dài khoảng một giờ ở Liban, Syria. Hãng thông tấn Mehr của Iran cho biết, đại sứ Iran tại Liban Mojtaba Amani bị thương nhẹ. Một số nhà lãnh đạo cấp cao của Hezbollah và cố vấn của họ cũng bị thương.

Xe cứu thương kéo dài đã làm tắc nghẽn các đường phố của Beirut, thành phố Tyre ở phía nam và các ngôi làng trên khắp thung lũng Beqaa và miền nam Liban, đưa những người bị thương đến bệnh viện. Hình ảnh những người bị thương với phần hông bị bỏng và bàn tay bị thương đã được lan truyền chóng mặt trên các phương tiện truyền thông địa phương.

Xe cấp cứu đưa những người bị thương đến bệnh viện ở Sidon, Liban vào ngày 17 tháng 9 năm 2024. Ảnh: Ahmad Kaddoura/Anadolu/Getty Images

Xe cấp cứu đưa những người bị thương đến bệnh viện ở Sidon, Liban vào ngày 17 tháng 9 năm 2024. Ảnh: Ahmad Kaddoura/Anadolu/Getty Images

Bộ Y tế Liban đã đặt các bệnh viện trên khắp đất nước trong tình trạng “báo động tối đa” và hướng dẫn người dân tránh xa các thiết bị liên lạc không dây.

Một số nguồn tin khu vực nhận định, vụ việc do lực lượng tình báo Israel tiến hành bằng việc can thiệp và kích nổ từ xa hàng trăm thiết bị liên lạc vô tuyến của các thành viên Hezbollah. Vụ việc được cho là để đáp trả vụ ám sát một cựu quan chức quốc phòng cấp cao của Israel mà Tel Aviv cáo buộc do Hezbollah thực hiện. Trong khi đó, một quan chức Hezbollah giấu tên khẳng định đây là “vụ xâm phạm an ninh nghiêm trọng nhất” trong cuộc xung đột xuyên biên giới kéo dài hơn 11 tháng qua giữa Israel và Hezbollah.

Hình ảnh về máy nhắn tin bị hỏng đang lan truyền trên mạng xã hội. Nguồn: CNN

Hình ảnh về máy nhắn tin bị hỏng đang lan truyền trên mạng xã hội. Nguồn: CNN

Theo các báo cáo của phương tiện truyền thông Israel, sự cố xảy ra khi Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đang tổ chức một loạt các cuộc tham vấn an ninh cấp cao với những người đứng đầu lực lượng an ninh khi căng thẳng với Hezbollah ở Liban gia tăng. Các cuộc tham vấn an ninh cấp cao được triệu tập vài giờ sau khi Israel đã quyết định mở rộng các hoạt động quân sự bao gồm cả việc đưa hàng nghìn công dân trở về nhà gần biên giới với Liban, những người phải đi phải sơ tán vì các cuộc tấn công tên lửa liên tục. Động thái này cho thấy một chiến dịch quân sự lớn chống lại Hezbollah có khả năng xảy ra. Israel vẫn chưa bình luận về vụ tấn công.

Israel đã cài chất nổ vào loạt máy nhắn tin của Hezbollah?

Máy nhắn tin là thiết bị viễn thông không dây nhận và hiển thị tin nhắn văn bản hoặc phát tin nhắn thoại, một số có thêm chức năng gửi tin nhắn. Máy nhắn tin được phát triển vào những năm 1950-1960, phổ biến trong từ thập niên 1980 đến đầu những năm 2000 trước khi bị điện thoại di động thay thế. Hezbollah sử dụng máy nhắn tin để tránh bị Israel chặn thu thông tin liên lạc. Những nghi ngờ cho rằng Israel đã xâm nhập được vào hệ thống viễn thông của nhóm này đã được đưa ra từ tháng 10, vì một số chỉ huy của Hezbollah đã bị ám sát trong các cuộc tấn công có mục tiêu.

Camera giám sát ghi lại khoảnh khắc túi quần của một người đàn ông phát nổ trong một siêu thị ở thủ đô Beirut, Liban. Nguồn: Reuters

Yossi Melman, đồng tác giả của cuốn sách “Các gián điệp chống lại cuộc chiến quyết liệt: Bên trong các cuộc chiến bí mật của Israel”, cho biết: “Vụ việc này hoàn toàn có tất cả các dấu hiệu của Cơ quan Tình báo Israel Mossad. Có người đã cài thuốc nổ nhỏ hoặc phần mềm độc hại từ bên trong máy nhắn tin. Tôi hiểu là chúng cũng mới được cung cấp gần đây”.

Yossi Melman cho biết, ông hiểu rằng “rất nhiều người trong lực lượng Hezbollah mang theo những máy nhắn tin này, không chỉ những chỉ huy cấp cao”. Chúng được Hezbollah sử dụng vì họ lo ngại điện thoại di động của họ đang bị tình báo Israel theo dõi để giám sát thông tin liên lạc và xác định vị trí các cuộc tấn công bằng tên lửa”.

Ông Yossi Melman cho biết, loạt vụ nổ cho thấy “Mossad có thể xâm nhập vào hệ thống liên lạc của Hezbollah nhiều lần” nhưng ông đặt câu hỏi liệu có bất kỳ lợi ích chiến lược nào từ các vụ nổ này hay không.

Có chung nhận định, tờ New York Times dẫn lời các quan chức Mỹ giấu tên cho biết, Israel đã tiến hành chiến dịch tấn công Hezbollah bằng cách giấu chất nổ bên trong một lô hàng máy nhắn tin mới. Lô hàng này được sản xuất tại Đài Loan, được nhập khẩu vào Liban.

Theo các quan chức, những chiếc máy nhắn tin mà Hezbollah đặt mua từ công ty Gold Apollo ở Đài Loan đã bị can thiệp trước khi đến Liban. Phần lớn máy nhắn tin thuộc mẫu AP924 của công ty Gold Apollo, ba mẫu khác của Gold Apollo cũng có trong lô hàng.

Hai quan chức cho biết, chất nổ chỉ nặng từ 28 đến 56 gram, đã được gài bên cạnh pin của mỗi chiếc máy nhắn tin. Một công tắc cũng được gắn vào để có thể kích hoạt từ xa, nhằm kích nổ chất nổ.

Nhiều chuyên gia quân sự và an ninh cũng nhận định sự việc do vật liệu nổ cài trong máy gây ra, sau khi xem video ghi lại hiện trường. “Những chiếc máy nhắn tin này có thể đã bị can thiệp để gây ra vụ nổ như vậy, quy mô và sức công phá cho thấy đây không phải sự cố do pin", theo Mikko Hypponen, cố vấn về tội phạm mạng cho Europol.

“Vụ tấn công đánh vào gót chân Achilles của Hezbollah khi phá hủy phương tiện liên lạc trọng yếu mà họ sử dụng. Chúng tôi từng thấy máy nhắn tin bị nhắm mục tiêu, song chưa bao giờ chứng kiến một cuộc tấn công tinh vi thế này", chuyên gia an ninh mạng Israel Keren Elazari nói.

Ông Hsu Ching-Kuang, nhà sáng lập công ty Đài Loan, Trung Quốc- Gold Apollo, phát biểu với giới truyền thông bên ngoài văn phòng công ty tại thành phố Tân Bắc vào ngày 18/9. Ảnh: Yan Zhao/AFP/Getty Images

Ông Hsu Ching-Kuang, nhà sáng lập công ty Đài Loan, Trung Quốc- Gold Apollo, phát biểu với giới truyền thông bên ngoài văn phòng công ty tại thành phố Tân Bắc vào ngày 18/9. Ảnh: Yan Zhao/AFP/Getty Images

Phản hồi về thông tin liên quan tới vụ nổ máy nhắn tin ở Liban, nhà sáng lập công ty Gold Apollo của Đài Loan (Trung Quốc), ông Hsu Ching-Kuang nói với các phóng viên rằng công ty này không sản xuất các máy nhắn tin trong vụ nổ kể trên. Các máy nhắn tin này là do một công ty ở châu Âu có tên là “BAC” sản xuất, công ty này mua thương hiệu của công ty Đài Loan, Trung Quốc.

Cơ quan tình báo Mỹ đứng sau vụ nổ máy nhắn tin ở Liban?

Ông Alexei Leonkov, nhà phân tích quân sự và biên tập viên tạp chí Arsenal Otechestva, cho rằng vụ nổ máy nhắn tin gần đây ở Liban có thể do hành động can thiệp vào phần mềm chịu trách nhiệm sạc thiết bị.

“Người Mỹ và các cơ quan tình báo đồng minh đã tạo ra hệ thống giám sát Echelon được thiết kế song song với mạng lưới liên lạc, liên lạc nhắn tin, liên lạc di động và Internet toàn cầu, để giám sát và kiểm soát những người dùng mạng”, ông Leonkov bình luận về vụ nổ máy nhắn tin ở Liban.

Kể từ khi Echelon ra đời vào những năm 1960, Mỹ đã phát triển các tiêu chuẩn liên lạc quốc tế và bộ công cụ giám sát rộng rãi cho phép cộng đồng tình báo theo dõi người dùng trên toàn thế giới, như cựu nhà thầu NSA Edward Snowden đã tiết lộ vào năm 2013, khi bình luận về chương trình Prism của Mỹ.

Theo chuyên gia Leonkov, những thiết bị này có thể xác định vị trí của một cá nhân thông qua các thiết bị mà người đó sử dụng để liên lạc, bao gồm cả máy nhắn tin mà người đó mang trong túi.

Các đặc vụ Mỹ có thể xác định tọa độ của người dùng với độ chính xác lên đến một giây, vì mỗi thiết bị đều có số nhận dạng riêng và hoạt động trong một môi trường chung theo tiêu chuẩn của Mỹ.

Ông Leonkov cũng cho biết các mục tiêu được chọn có thể bị ảnh hưởng theo nhiều cách khác nhau, phổ biến nhất là do các cuộc tấn công bằng thiết bị bay không người lái chiến đấu có độ chính xác cao.

Theo chuyên gia này, vụ nổ máy nhắn tin gần đây có thể là do pin quá nóng và nguyên nhân có thể là do hành động can thiệp vào phần mềm chịu trách nhiệm sạc thiết bị.

Cơn ác mộng tồi tệ nhất của Hezbollah

Chuyên gia nhận định vụ nổ máy nhắn tin của thành viên Hezbollah là đòn tấn công tinh vi, được chuẩn bị trong thời gian dài, liên quan đến lỗ hổng phân phối thiết bị.

Hezbollah, một trong những nhóm vũ trang được biết đến với sự tổ chức và kỷ luật, đang đối mặt với thách thức lớn nhất trong lịch sử của mình: tình trạng hỗn loạn và mất kiểm soát sau vụ nổ hàng loạt thiết bị liên lạc.

Mọi người tụ tập bên ngoài Trung tâm Y tế Đại học Mỹ tại Beirut, Liban. Ảnh: Mohamed Azakir/Reuters

Mọi người tụ tập bên ngoài Trung tâm Y tế Đại học Mỹ tại Beirut, Liban. Ảnh: Mohamed Azakir/Reuters

Vụ nổ các thiết bị liên lạc không chỉ là một thất bại về mặt vật lý, mà còn là một cú sốc tâm lý đối với Hezbollah. Nếu không nhanh chóng tái thiết và duy trì an ninh, nhóm này có thể phải đối mặt với những cuộc tấn công và thất bại nghiêm trọng hơn trong tương lai. Có thể nói cơn ác mộng mà Hezbollah đang trải qua có thể sẽ kéo dài nếu họ không tìm ra cách giải quyết hiệu quả. Tình trạng hỗn loạn, mất mát nhân sự và hỏng hóc hệ thống liên lạc đã làm suy yếu nghiêm trọng tổ chức này. Để tồn tại và tiếp tục hoạt động, Hezbollah sẽ phải đối mặt với áp lực tái thiết lực lượng, đồng thời đảm bảo rằng các hệ thống an ninh và liên lạc của mình không bị đe dọa. Sau cuộc tấn công trên, Hezbollah có thể sẽ xem xét lại toàn bộ bộ máy an ninh nội bộ, kiểm tra những lỗ hổng trong an ninh của mình và cố gắng tăng cường nghiệp vụ cho các thành viên. Thậm chí, giới quan sát cho rằng có thể sẽ có một cuộc thanh trừng nội bộ để tìm ra gián điệp - động thái có khả năng dẫn đến nguy cơ đổ máu trong lực lượng này, nhưng chẳng khác nào phần thưởng bổ sung cho các điệp viên của Israel.

Lực lượng Houthi ở Yemen, các nhóm dân quân ở Iraq và Syria, các lực lượng ủy nhiệm khác của Iran cũng được cho là sẽ thực hiện các biện pháp phòng ngừa lớn hơn. Điều này có thể thay đổi cách thức các nhóm này liên lạc với nhau, theo đó có thể ảnh hưởng trực tiếp đến sự phối hợp và cản trở khả năng tiến hành các cuộc tấn công của họ. Sự việc trên cũng đặt câu hỏi về sự an toàn của các thiết bị liên lạc cá nhân.

Tan vỡ hy vọng hòa bình ở Trung Đông

Chỉ còn 3 tuần nữa là đến ngày 7/10 - tròn một năm kể từ ngày Hamas tấn công Israel - một dấu mốc ảm đạm của cuộc xung đột tại Gaza, song khu vực này vẫn đang trong tình trạng nguy cấp. Cuộc tấn công bằng máy nhắn tin được dự đoán sẽ gây ra những hậu quả nghiêm trọng với Liban, cuộc xung đột giữa Israel với các lực lượng ủy nhiệm của Iran cũng như toàn bộ Trung Đông. Sự kiện này một lần nữa làm tan vỡ hy vọng ngoại giao của Mỹ tại Trung Đông.

Một ngày trước vụ phá hủy hang loạt máy nhắn tin này, ông Amos Hochstein, cố vấn cấp cao của Tổng thống Mỹ Joe Biden, đã có mặt tại Israel để kêu gọi Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu và các quan chức cấp cao khác ở Israel không leo thang căng thẳng ở Liban. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin và Bộ trưởng Quốc phòng Israel Yoav Gallant cũng đã cảnh báo rằng thời gian để tìm ra giải pháp thương lượng giữa Israel và Hezbollah đang dần cạn kiệt.

Hiện Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã triệu tập một cuộc họp với các quan chức quốc phòng cấp cao, trong đó có Bộ trưởng Quốc phòng Yoav Gallant và Tổng tham mưu trưởng quân đội Herzi Halevi để thảo luận về công tác chuẩn bị sẵn sàng cho các cuộc tấn công và phòng thủ trên tất cả các mặt trận. Điều vẫn cần phải theo dõi là liệu vụ tấn công máy nhắn tin này có phải là tiền đề cho một chiến dịch lớn hơn của lực lượng Israel nhằm vào Hezbollah hay không. Israel có thể lợi dụng thời điểm hàng trăm hoặc thậm chí hàng nghìn thành viên Hezbollah đang bị thương do nổ máy nhắn tin.

Giới chức Mỹ cảnh báo xung đột toàn diện giữa Hezbollah và Israel "có thể gây ra hậu quả thảm khốc không thể lường trước", nguy cơ khiến hàng chục nghìn người thiệt mạng và gây ra thiệt hại nặng nề cho hạ tầng của cả Israel lẫn Liban.

Trước đó, Sau vụ ám sát chỉ huy cấp cao Fu'ad Shukr hồi tháng 7, Hezbollah đã phải đợi gần bốn tuần để tung ra phản ứng của mình, đó là bắn khoảng 300 quả rocket và máy bay không người lái vào Israel để trả đũa, phần lớn trong số đó đã bị phòng không Israel bắn hạ. Giờ đây, với hàng nghìn thành viên Hezbollah bị thương sau vụ nổ, và kênh an ninh bị xâm nhập, các nhà quan sát cho rằng điều cần phải theo dõi nhất hiện nay không phải là phản ứng của nhóm này, mà là kế hoạch mở rộng mục tiêu quân sự của Israel. Liệu vụ tấn công máy nhắn tin này có phải là tiền đề cho một chiến dịch lớn hơn của chính quyền thủ tướng Benjamin Netanyahu nhằm vào Hezbollah hay không. Và liệu Tel Aviv có lợi dụng thời điểm mong manh nhạy cảm hiện nay để phát động cuộc tấn công trên bộ vào Liban hay không?

Ngọc Mai

Nguồn Hà Nội TV: https://hanoionline.vn/ai-dung-sau-vu-no-gan-3000-may-nhan-tin-cua-hezbollah-266316.htm