Video chi tiết trong bộ đàm được Hezbollah sử dụng và bị nổ hàng loạt ở Liban
Hãng tin Reuters đã tháo rời mẫu bộ đàm Icom được cho là Hezbollah đã sử dụng và bị nổ hàng loạt, khiến hơn 30 người chết và trên 3.000 người bị thương ở Liban (Lebanon).
Bộ Y tế Liban cho biết 20 người chết và hơn 450 người bị thương trong các vụ nổ thiết bị liên lạc vào ngày 18/9 tại vùng ngoại ô Beirut và Thung lũng Bekaa ở nước này.
Thiết bị liên lạc bị nổ hôm 18/9 bao gồm cả máy nhắn tin và bộ đàm, đều được phong trào Hezbollah mua từ nước ngoài vào khoảng 5 tháng trước.
Còn vào hôm 17/9, ở Liban đã xảy ra hàng loạt vụ nổ máy nhắn tin, làm 12 người chết, bao gồm hai trẻ em và gần 3.000 người bị thương.
Những chiếc máy nhắn tin này là loại AR-924 mà theo công ty Gold Apollo của Đài Loan (Trung Quốc) là được sản xuất bởi một đối tác của họ là BAC Consulting KFT, có trụ sở tại thủ đô Budapest của Hungary.
Trong khi đó, hình ảnh về những chiếc bộ đàm phát nổ cho thấy nó được gắn nhãn hiệu 'ICOM' và trên máy có dòng chữ 'Sản xuất tại Nhật Bản', giống với mẫu bộ đàm IC-V82 của ICOM Inc.
Chính quyền Liban và phong trào Hồi giáo Hezbollah ở Liban cáo buộc Israel đứng sau vụ tấn công này. Tuy nhiên, phía Israel không bình luận về các cáo buộc này.
Xem video Reuters tháo rời một chiếc bộ đàm Icom được cho là được sử dụng trong vụ nổ thiết bị liên lạc của Hezbollah. Nguồn: Reuters
Ngày 19/9, nhà sản xuất thiết bị vô tuyến Nhật Bản Icom Inc cho biết họ đang điều tra sự thật liên quan đến các bản tin nói rằng các thiết bị vô tuyến hai chiều mang logo của họ đã phát nổ ở Liban.
Tuy nhiên, theo Icom Inc, họ đã ngừng sản xuất mẫu máy bộ đàm hai chiều được sử dụng trong các vụ nổ xảy ra hôm 18/9 tại Liban từ khoảng 10 năm trước và lần cuối cùng công ty xuất khẩu những thiết bị này ra nước ngoài, bao gồm khu vực Trung Đông, là vào năm 2014.
Phát biểu bên ngoài trụ sở chính của Icom Inc tại Osaka, Nhật Bản, Giám đốc Yoshiki Enomoto cho rằng, không có cách nào chất nổ có thể được tích hợp vào một trong những thiết bị của công ty trong quá trình sản xuất bởi đây là một quá trình tự động hóa cao và diễn ra nhanh chóng.
Xem video ghi lại khoảnh khắc một thiết bị phát nổ trong một đám tang ở ngoại ô phía Nam thủ đô Beirut của Liban. Nguồn: Reuters
Về phía Liban, sau khi hàng nghìn thiết bị này phát nổ trong cuộc tấn công đẫm máu nhằm vào phong trào Hồi giáo Hezbollah xảy ra, ngày 19/9, chính quyền nước này thông báo cấm mang máy nhắn tin và bộ đàm lên các chuyến bay từ sân bay Beirut.
Theo hãng thông tấn nhà nước Liban, Cục Hàng không Dân dụng nước này đã yêu cầu các hãng có chuyến bay xuất phát từ Beirut thông báo với hành khách việc máy nhắn tin và bộ đàm bị cấm mang lên cho đến khi có thông báo mới. Các thiết bị này cũng bị cấm vận chuyển bằng đường hàng không.
Trong khi đó, quân đội Liban cho biết họ đã tiêu hủy các máy nhắn tin và các thiết bị viễn thông đáng ngờ, đồng thời kêu gọi người dân báo cáo bất kỳ thiết bị đáng ngờ nào.