Vì sao Ukraine chưa điều tiêm kích F-16 thực hiện những nhiệm vụ nguy hiểm nhất?

Một vị tướng hàng đầu của Không quân Mỹ cho biết, Kiev chưa để tiêm kích F-16 thực hiện các nhiệm vụ nguy hiểm nhất, do phi công còn bỡ ngỡ với loại máy bay này.

Ukraine lần đầu tiên điều động tiêm kích F-16 tham chiến vào cuối tháng 8 nhằm đẩy lùi cuộc tấn công bằng tên lửa và máy bay không người lái (UAV) quy mô lớn của Nga. Do dễ bị tổn thương trong quá trình làm nhiệm vụ tấn công, nhiều người cho rằng Kiev sẽ chỉ sử dụng F-16 cho vai trò phòng không.

Tướng James Hecker, Chỉ huy Không quân Mỹ tại châu Âu và Bộ tư lệnh Không quân Đồng minh NATO, nhận định các phi công Ukraine lái F-16 chưa có nhiều thời gian ngồi trên tiêm kích, và bị hạn chế số nhiệm vụ có thể thực hiện.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky phát biểu tại sự kiện có sự xuất hiện của các tiêm kích F-16. Ảnh: EPA/EFE

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky phát biểu tại sự kiện có sự xuất hiện của các tiêm kích F-16. Ảnh: EPA/EFE

"Các phi công còn bỡ ngỡ với F-16, do đó họ sẽ không được giao những nhiệm vụ nguy hiểm nhất. Quyết định là của Ukraine. Nhưng tôi nghĩ đây là cách tiếp cận mà họ đang triển khai", tạp chí Air & Space Forces dẫn lời ông Hecker nói hôm 17/9.

Trước khi nhận được những chiếc F-16 đầu tiên từ NATO, một trong những câu hỏi lớn xung quanh việc chuyển giao tiêm kích do Mỹ sản xuất là Ukraine sẽ sử dụng chúng trong chiến đấu như thế nào.

Khi Ukraine công khai thông tin đã nhận được F-16 vào đầu tháng 8, hình ảnh ban đầu về máy bay và tên lửa mang theo cho thấy Kiev sẽ sử dụng chúng trong vai trò không đối không mà có thể là để phòng thủ, thay vì các nhiệm vụ như hỗ trợ trên không tầm gần, hoặc trấn áp và phá hủy hệ thống phòng không đối phương.

Tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang Ukraine Oleksandr Syrskyi cũng từng nói, ông không muốn những chiếc F-16 mới bay quá gần tiền tuyến, nơi chúng có thể bị các hệ thống đất đối không đáng gờm của Nga đe dọa. Ông cũng khẳng định, sự xuất hiện của F-16 có thể tăng cường khả năng phòng không cho Ukraine.

Lần đầu tiên triển khai F-16 làm nhiệm vụ vào cuối tháng 8, Ukraine được cho là đã mất một chiếc F-16, khiến một phi công dày dặn kinh nghiệm thiệt mạng. Hiện chưa rõ nguyên nhân dẫn tới tai nạn, nhưng Ukraine đã sa thải chỉ huy lực lượng Không quân, và khẳng định sẽ điều tra vụ việc.

Sau vụ việc trên, các cựu phi công quân sự Mỹ có kinh nghiệm lái F-16 từng chia sẻ với Business Insider rằng, mặc dù nhiệm vụ phòng không có thể an toàn hơn so với nhiệm vụ tấn công, nhưng các tiêm kích F-16 mà Ukraine sử dụng vẫn đối mặt với nguy hiểm và rủi ro cao. Bởi ngoài môi trường hoạt động đầy thách thức khi làm nhiệm vụ phòng không, nơi có nhiều tên lửa và UAV bay xung quanh, các phi công Ukraine lái F-16 còn phải điều khiển chiếc máy bay rất khác so với những chiến đấu cơ có từ thời Liên Xô mà họ thường lái.

Ukraine đã nhận được những chiếc F-16 đầu tiên vào đầu tháng 8. Theo truyền thông, cho đến nay chỉ có 10 chiếc F-16 đã bàn giao cho Kiev. Trước đó, Hà Lan, Đan Mạch, Na Uy, và Bỉ đã hứa gửi ít nhất 79 chiếc F-16 cho Ukraine.

Minh Thu

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/vi-sao-ukraine-chua-dieu-tiem-kich-f-16-thuc-hien-nhung-nhiem-vu-nguy-hiem-nhat-2323893.html