Ai gây khổ cực cho thầy trò cả nước suốt chục năm qua?
Thế mới biết, nỗi khổ của cả thầy và trò ở các trường phổ thông như thế nào trong suốt hàng chục năm qua!
Đọc bài viết: “Sách Toán hiện hành phải giáo sư toán học có trình độ tốt mới hiểu hết được” của phóng viên Thùy Linh phản ánh về buổi tọa đàm giới thiệu bộ sách giáo khoa Cánh Diều khiến chúng tôi cứ băn khoăn mãi.
Bởi theo chia sẻ của thầy Đỗ Đức Thái- Chủ biên Chương trình môn Toán và cũng là Tổng Chủ biên sách giáo khoa môn Toán của bộ sách Cánh Diều thì sách Toán của chương trình hiện hành (năm 2000) quá khó.
Khó đến độ “phải là những giáo sư toán học có trình độ tốt mới hiểu hết được” nhưng suốt gần 20 năm qua, hàng triệu học sinh phải học những đơn vị kiến thức này. Như vậy, không chỉ học sinh của chúng ta quá giỏi mà giáo viên phổ thông cũng cực giỏi, giỏi hơn cả…giáo sư bình thường.
Sách giáo khoa hiện hành có quá khó không?
Không phải bây giờ mà ngay từ khi sách giáo khoa hiện hành đưa vào áp dụng dạy và học đại trà ở các cấp học phổ thông thì dư luận đã nhiều lần lên tiếng về độ khó ở nhiều môn học chứ không riêng gì môn Toán.
Chẳng hạn như môn Lịch sử và Địa lý ở cấp Tiểu học phải nói là đến người lớn đọc còn sợ chứ nói gì đến học sinh lớp 4, lớp 5. Trong 2 năm học này, học sinh phải học lịch sử trong nước, nước ngoài từ cổ đại đến hiện đại và phần Địa lý cả trong nước và thế giới.
Môn Ngữ văn thì lớp 7 là học sinh phải học hàng chục bài thơ Đường luật của các nhà thơ trong nước và Trung Quốc với rất nhiều nhưng yêu cầu khó mà đa phần học sinh học xong cũng khó đáp ứng hết các yêu cầu của sách giáo khoa và chuẩn kỹ năng kiến thức.
Chính vì kiến thức nặng nên Bộ Giáo dục và Đào tạo đã yêu cầu giảm tải nhiều lần, thay đổi phương pháp giảng dạy liên tục để phù hợp. Thế mới sinh ra hiện tượng dạy thêm, học thêm tràn lan như hiện nay.
Sách Toán phổ thông khó như thế nào?
Riêng với sách Toán phổ thông hiện hành thì thầy Đỗ Đức Thái- Chủ biên môn Toán của Chương trình giáo dục phổ thông mới đã chia sẻ là rất khó.
Thầy Thái nói: "Giáo dục toán học ở phổ thông hiện hành, nhất là với Tiểu học, là quá tải và rất nặng. Nó khó đến mức phải là những giáo sư toán học có trình độ tốt mới hiểu hết được".
Sau đó, thầy Thái đi đến kết luận: “Vì quá nặng, môn Toán trở thành nỗi khiếp đảm của nhiều trẻ. “Có thể nói, chương trình Toán hiện hành đã giết chết giáo dục Toán phổ thông từ trong trứng”.
Nếu phân tích nội dung lời chia sẻ của thầy Đỗ Đức Thái thì môn Toán ở cấp Tiểu học phải là “những giáo sư toán học có trình độ tốt mới hiểu hết được” còn những giáo sư mà trình độ “không tốt” thì chắc là không hiểu hết được?
Vậy mà không chỉ những học sinh thành phố mà cả học sinh sống ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn đều học…ngon lành và thậm chí đạt được kết quả ngoài sức mong đợi của ngành Giáo dục bởi phần lớn học sinh Tiểu học đều “hoàn thành tốt” môn Toán.
Trong khi, ngành giáo dục đang dùng chung 1 bộ sách cho cả học sinh ở tất cả các đối tượng học sinh ở các vùng miền trong cả nước.
Những giáo viên Tiểu học, có thầy cô được đào tạo bài bản từ các trường đại học, cao đẳng, trung cấp sư phạm nhưng cũng có rất nhiều thầy cô tốt nghiệp các hệ cấp tốc, hệ 9+3 vậy mà thầy cô cấp học này vẫn dạy được gần 20 năm rồi…
Thế mới biết, nỗi khổ của cả thầy và trò ở các trường phổ thông như thế nào trong suốt hàng chục năm qua!
Chương trình mới sẽ thay đổi như thế nào?
Việc dạy thêm, học thêm tràn lan như hiện nay đang là bài toán nan giải cho toàn ngành giáo dục. Những lý do để dạy thêm, học thêm thì có nhiều nhưng đa phần được lý giải là kiến thức sách giáo khoa quá nặng.
Vậy, Chương trình giáo dục phổ thông mới có giải quyết được việc giảm những kiến thức hàn lâm, những kiến thức khó của chương trình hiện hành hay không?
Từ những chia sẻ của các thầy trong Ban soạn thảo Chương trình tổng thể, Chương trình môn học và các tác giả sách giáo khoa đang cho thấy là sẽ giải quyết được những hạn chế của chương trình hiện hành.
Tuy nhiên, giáo viên và học sinh có tin được điều này hay không thì còn phải đợi thời gian mới trả lời được. Bởi, khi chương trình hiện hành (năm 2000) được triển khai thì nhiều tác giả sách giáo khoa cũng từng nói như những gì các thầy đang nói bây giờ.
Những thầy biên soạn sách giáo khoa hiện hành lại đang có rất nhiều người làm Chủ biên chương trình môn học, Chủ biên sách giáo khoa của Chương trình giáo dục phổ thông mới.
Vì thế, chúng tôi cũng hy vọng, vòng đời của chương trình, sách giáo khoa mới tới đây đến khi kết thúc thì những người thực hiện biên soạn chương trình, sách giáo khoa kế tiếp không phải lên tiếng “phàn nàn” giống như bây giờ…
Chúng tôi cũng hy vọng sách giáo khoa phổ thông thì cũng chỉ nên dừng lại ở kiến thức phổ thông thôi, không cần phải đi vào chuyên sâu, không cần phải đòi hỏi học sinh nghiên cứu kỹ lưỡng. Những điều này, hãy dành cho sinh viên ở các trường đại học, học viện.