Ai hạnh phúc hơn?
Tỷ lệ hộ nghèo của Việt Nam đã giảm từ 9,88% cuối năm 2015 xuống dưới 3% vào năm 2020. Người dân Việt Nam ra đường không phải nơm nớp lo sợ bị chết oan giống như một số nước được mệnh danh là 'thiên đường của tự do', vì nước ta hoàn toàn không có khủng bố. Chỉ số hạnh phúc của Việt Nam năm 2022 là 77, tăng 2 bậc so với năm 2021 theo Báo cáo hạnh phúc của Liên hợp quốc. Việc nước ta nằm trong nhóm các nước có chỉ số phát triển con người ở mức cao đã phản ánh cam kết của Chính phủ đối với sự phát triển lấy người dân làm trung tâm. Đây là những thành tựu quan trọng cho thấy Việt Nam là quốc gia thực hiện đầy đủ, toàn diện quyền con người. Tuy nhiên, vẫn có những âm thanh lạc điệu từ một số tổ chức 'râu ria' có cái nhìn thiếu khách quan đối với vấn đề nhân quyền Việt Nam. Đó chính là Cơ quan nghiên cứu thuộc Nghị viện châu Âu (EP).
Cơ quan này mới đây đã công bố bản báo cáo về các hoạt động hỗ trợ những nhà hoạt động nhân quyền trên thế giới của Liên minh châu Âu. Và những nội dung áp đặt, thiếu khách quan về tình hình bảo đảm nhân quyền tại Việt Nam lại chứa đựng trong bản báo cáo này. Theo nội dung của báo cáo, cơ quan này cho rằng: “họ đã gặp nhiều giới hạn trong việc bảo vệ những nhà hoạt động nhân quyền ở Việt Nam”. Cơ quan này cũng tố cáo việc những cá nhân hoạt động trong lĩnh vực nhân quyền bị kiểm soát một cách chặt chẽ. Rồi thì chính quyền Việt Nam sẵn sàng đàn áp những người dám đứng lên bảo vệ nhân quyền. Từ đó, cơ quan này đặt ra yêu cầu đòi hỏi Việt Nam “thỏa hiệp, thả các tù nhân chính trị để đạt được lợi ích”. Để báo cáo thêm sinh động, họ lấy các trường hợp Nguyễn Văn Đài, Phạm Thị Đoan Trang, Nguyễn Ngọc Như Quỳnh và một số kẻ chống đối khác ra làm ví dụ minh họa cho việc bị oan, người vô tội, xét xử không công bằng, tù nhân lương tâm…
Những đánh giá nêu trên không khác gì kiểu “thầy bói mù xem voi”. Tuy từ thuở cha sinh, mẹ đẻ chưa biết con voi vuông, tròn, méo mó thế nào, thật nực cười là các thầy bói mù chỉ cần sờ tai, chân, vòi, đuôi… đã phán con voi thế này, thế kia. EP cũng có phần tương đồng như thế. Trên cơ sở khách quan, công bằng, Việt Nam luôn sẵn sàng chào đón các tổ chức quốc tế đến khảo sát, đánh giá về vấn đề nhân quyền. Tuy nhiên, việc khảo sát, đánh giá phải dựa vào thực tế, phải tiếp xúc trực tiếp, thu thập thông tin từ đại đa số người dân Việt Nam và các nguồn dữ liệu chính thống. Khảo sát, đánh giá theo phương pháp mà EP đang làm không khác gì việc làm phiến diện, “cưỡi ngựa xem hoa”, góp phần làm sai lệch bản chất sự thật.
Khi được hỏi về phản ứng của Việt Nam trước báo cáo của EP liên quan đến việc hỗ trợ những hoạt động nhân quyền của thế giới, trong đó có Việt Nam, bà Lê Thị Thu Hằng, người phát ngôn của Bộ Ngoại giao đã cho biết: “Ở Việt Nam, tất cả mọi người đều bình đẳng trước pháp luật và có nghĩa vụ tuân thủ các quy định của pháp luật. Không ai bị xét xử, bắt giữ vì thực hiện các quyền con người một cách chính đáng. Việt Nam lấy làm tiếc vì báo cáo của EP có những thông tin nhận định thiếu khách quan, công bằng dựa trên một số thông tin sai lệch, không có cơ sở, không phản ánh đúng tình hình thực tế tại Việt Nam”.
“Việt Nam sẵn sàng trao đổi với EP về quyền con người trên tinh thần xây dựng nhằm tăng cường hiểu biết lẫn nhau. Hai bên cũng đã có cơ chế đối thoại nhân quyền thường niên để trao đổi về các vấn đề cùng quan tâm. Việc tăng cường trao đổi, đối thoại thông qua các cơ chế sẽ giúp EP có đầy đủ thông tin khách quan và hiểu đúng hơn tình hình thực tế về thúc đẩy, bảo đảm quyền con người ở Việt Nam” - đó là lời khẳng định, phản bác mạnh mẽ của Việt Nam về bản báo cáo nêu trên.
Một số nội dung trong bản báo cáo của EP về tình hình nhân quyền tại Việt Nam đã đi ngược lại với Công ước quốc tế về quyền dân sự và chính trị năm 1966 của Liên hợp quốc. Nó rất vô lý ở chỗ áp đặt, quy chụp Việt Nam chỉ có một Đảng duy nhất là không có dân chủ. Bởi trong Công ước quốc tế về quyền dân sự và chính trị năm 1966 khẳng định, các quốc gia được quyền tự do lựa chọn chế độ chính trị xã hội. Như vậy, việc Việt Nam lựa chọn chế độ chính trị một Đảng Cộng sản lãnh đạo, đó là quyền của dân tộc, đất nước. EP hay bất cứ tổ chức nào khác không thể dùng tiêu chí của họ để áp đặt vào Việt Nam rồi vu khống Việt Nam vi phạm nhân quyền. Cũng theo Điều 3, Tuyên ngôn quốc tế nhân quyền năm 1948 của Đại hội đồng Liên hợp quốc đã khẳng định 3 quyền cơ bản của con người, đó là được sống, được tự do và được an toàn thân thể. Để bảo đảm quyền được sống, quyền an toàn thân thể thì quyền tự do phải nằm trong khuôn khổ pháp luật. Không chỉ ở Việt Nam mà rất nhiều quốc gia trên thế giới đều hiếm có kiểu “tự do vô pháp”. Quyền được sống là quyền đầu tiên và thiêng liêng nhất, là nền tảng để phát huy tối đa các quyền khác. Việt Nam không lợi dụng tự do dân chủ, nhân quyền để đi “gieo rắc” hoặc “ban phát” quyền được sống cho người dân ở các quốc gia khác như một số “nước tiến bộ” đã và đang làm. Nhà nước Việt Nam chỉ nỗ lực để mọi người dân đều phát triển toàn diện, thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội, không để ai bị bỏ lại phía sau.
Báo cáo của EP cũng đề cập đến việc yêu cầu thả tự do cho một số đối tượng như: Phạm Đoan Trang, Nguyễn Văn Đài, Nguyễn Ngọc Như Quỳnh... Báo cáo cho rằng, đây là những nhà hoạt động nhân quyền ở Việt Nam và bị chính quyền Việt Nam đàn áp một cách trắng trợn. Tuy nhiên, trên thực tế đây chính là những đối tượng vi phạm pháp luật Việt Nam, là những kẻ chống phá trong nước được các thế lực xấu dựng lên và nuôi dưỡng. Đấu tranh cho tự do, dân chủ, nhân quyền chưa thấy đâu, chỉ thấy các đối tượng nêu trên móc nối với các tổ chức phản động ở nước ngoài, tiến hành tụ tập đông người, gây mất ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội. Đồng thời, các đối tượng này đã đẩy mạnh việc phát tán những tài liệu, thông tin độc hại nhằm gây nhiễu loạn dư luận, hình thành các nhận thức sai lầm trong xã hội và đã phải gánh chịu những hình phạt thích đáng.
Việt Nam là một nước có nền kinh tế đang phát triển. Nhà nước Việt Nam đã thực hiện nhiều chính sách nhằm bảo đảm tối đa quyền, lợi ích hợp pháp cho người dân. Những nỗ lực đó của Việt Nam là không thể phủ nhận. Mỗi nước có hoàn cảnh lịch sử, địa chính trị khác nhau. EP hay bất kỳ tổ chức, cá nhân nào cũng không được lấy dân chủ, nhân quyền ở nước này xem là hình mẫu để rồi đem so sánh với nước khác và bắt họ tuân theo. Đồng thời, trước khi đánh giá về tình hình tại Việt Nam, họ nên tự nhìn lại chính mình, chưa biết ai đã hạnh phúc hơn ai.
Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/33/135125/ai-hanh-phuc-hon