Ai hiểu cho người lao động?
Theo bạn đọc Báo Người Lao Động, nên căn cứ vào số năm đóng bảo hiểm để trả lương hưu.
Trong dự thảo sửa đổi Luật BHXH đang được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) lấy ý kiến rộng rãi, nội dung được nhiều người lao động (NLĐ) quan tâm nhất là đề xuất giảm số năm đóng BHXH để hưởng lương hưu. Theo cơ quan soạn thảo, quy định giảm số năm đóng để được hưởng lương hưu nhằm tạo cơ hội cho những người tham gia muộn (45-47 tuổi mới bắt đầu tham gia) hoặc những người tham gia không liên tục dẫn đến khi đến tuổi nghỉ hưu vẫn không tích lũy đủ 20 năm đóng BHXH cũng được hưởng lương hưu.
Liên quan đến đề xuất này, Báo Người Lao Động liên tục có bài viết phản ánh những bất cập của chính sách BHXH hiện hành và nhận được sự đồng thuận của số đông bạn đọc.
Bạn đọc Lương Hồng Tâm bày tỏ: "Cảm ơn Báo Người Lao Động đã phản ánh tâm tư, nguyện vọng chính đáng của người lao động về vấn đề tuổi nghỉ hưu và lương hưu. Các chuyên mục này của Báo tôi đều theo dõi và nhận thấy đa số người lao động mong mỏi được giảm tuổi hưu xuống (nam: 60, nữ:55). Theo tôi, người lao động sau 55 tuổi, đóng đủ từ 20 năm BHXH trở lên được nghỉ và nhận lương hưu theo tiêu chí đóng bao nhiêu hưởng bấy nhiêu; đóng ít hưởng ít, đóng nhiều hưởng nhiều. Để vấn đề này đến được với các đại biểu Quốc Hội, rất mong Báo Người Lao Động, Tổng LĐLĐ Việt Nam quan tâm phản ánh, đưa tin nhiều hơn nữa".
Một bạn đọc tên Nam góp ý: "Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế, Tổng LĐLĐ Việt Nam cần họp liên ngành lại, nghiên cứu lại về quy định tuổi nghỉ hưu, tỉ lệ % hưởng lương hưu. Tuổi đời bình quân của người Việt Nam là 73,5 tuổi, máy móc thiết bị sản xuất còn thô sơ, chưa hiện đại hóa, công nghệ hóa như Thái Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc ...vẫn phải dựa vào sức lao động của con người. Hơn nữa Việt Nam vẫn là nước nông nghiệp là chính, kinh tế vẫn còn khó khăn. Đa số các doanh nghiệp đều tuyển lao động phổ thông từ 18-35. Còn độ tuổi lao động từ 36 -60 rất khó tìm kiếm việc làm.
Một bạn đọc Lan phân tích: "Chủ yếu người lao động rút BHXH 1 lần là do tuổi hưu quá cao họ không chờ nổi chứ không phải họ muốn và thích rút, giảm tuổi hưu thì 100% tỉ lệ lãnh BHXH 1 lần giảm". Theo bạn đọc Công Thành bày tỏ: "Vì sao biết rút BHXH 1 lần sẽ rất thiệt thòi nhưng người lao động vẫn rút? Đã có cơ quan nào tìm hiểu nguyên nhân chưa? Mất việc, không có khả năng đóng tiếp đủ 20 năm, nếu đóng đủ thì bị "ngâm" 20-25 năm nữa mới được nhận lương hưu chính là lý do người lao độngc trẻ khi mất việc hay gần đến chu kỳ phải tìm cách rút 1 lần".
Trao đổi về vấn đề này, ông Phạm Minh Huân, nguyên Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết thời gian qua, một bộ phận người lao động bị ảnh hưởng đến việc làm, thu nhập nên đã quyết định rút BHXH một lần. Bên cạnh đó các chế độ, chính sách về BHXH nói riêng và chính sách an sinh xã hội nói chung cũng còn những bất cập, chưa đảm bảo tính hấp dẫn, linh hoạt. Ông Huân bình luận tình trạng hưởng BHXH một lần gia tăng trong bối cảnh tốc độ bao phủ BHXH chậm còn có thể dẫn đến nguy cơ mất an ninh thu nhập tuổi già, làm tăng gánh nặng ngân sách chi trợ cấp hỗ trợ cho người già sau này. Do đó bên cạnh việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người lao động, cần điều chỉnh Luật BHXH phù hợp với yêu cầu thực tiễn giúp người lao động an tâm đóng BHXH.
Theo ông Phan Văn Anh, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, phân tích trong các giai đoạn khó khăn, làn sóng rút BHXH một lần đã xảy ra dù cơ quan quản lý không muốn, Công đoàn tích cực tuyên truyền công nhân gắn bó sản xuất. Với tình trạng thiếu đơn hàng, sản xuất tiếp tục khó khăn từ nay đến giữa năm sau, làn sóng này có thể gia tăng. Hiện ngoài 42.000 công nhân mất việc, còn có hơn 500.000 người thiếu việc làm tại 1.500 doanh nghiệp trên cả nước. Công đoàn dự báo từ nay đến hết quý II-2023, các doanh nghiệp sẽ tiếp tục cắt giảm thêm 15.000 lao động, 271.700 người bị giảm giờ làm. Ngoài ra sẽ có tình trạng chủ doanh nghiệp bỏ trốn, nợ lương, nợ BHXH và các chế độ khác hoặc lợi dụng tình hình để thanh lọc lao động trên 35 tuổi nhằm tuyển dụng người trẻ, chi phí thấp hơn.
Chia sẻ thêm, ông Phan Văn Anh cho rằng trong bối cảnh hiện nay rất cần chính sách hỗ trợ kịp thời lẫn những thay đổi căn cơ, lâu dài trong chính sách. Công đoàn mong muốn Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Bộ Lao động Thương binh Xã hội sớm báo cáo lên cấp có thẩm quyền, xem xét trích Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp, giãn đóng BHXH để hỗ trợ doanh nghiệp cho đến khi sản xuất ổn định trở lại. "Các chính sách này đều đã được luật định, thẩm quyền quyết định là Quốc hội"- ông Phan Văn Anh cho hay.
Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/cong-doan/ai-hieu-cho-nguoi-lao-dong-20230402200106889.htm