Ai không nên ăn thịt gà?

Thịt gà là thực phẩm quen thuộc trong bữa ăn hàng ngày của người Việt. Tuy nhiên, bạn cần lưu ý món ăn này không phù hợp với một số người bệnh.

Tôi đang điều trị bệnh xơ gan và thường có thói quen ăn thịt gà 3-4 bữa/tuần vì ngon miệng và có thể chế biến thành nhiều món. Tuy nhiên, nhiều người cho rằng người mắc bệnh xơ gan không nên ăn thịt gà vì có thể làm bệnh tăng nặng, điều này có đúng không? (Trần Thị Lan, Hà Nội)

Bác sĩ Lê Ngô Minh Như, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM cơ sở 3, tư vấn:

Gà là một loại gia cầm và thực phẩm rất quen thuộc trong mỗi bữa ăn của người Việt, cung cấp một lượng lớn protein, ít chất béo, nhiều loại vitamin (A, C, E, B1, B2, PP), canxi, phốt pho nên có tác dụng bổ dưỡng đạm, chất khoáng và vitamin giúp tăng cường miễn dịch, điều hòa tiêu hóa. Ngoài ra, thịt gà còn chứa beta-carotene, lycopene, retinon,… đều là những chất nguồn gốc vitamin A giúp tăng cường thị lực.

Tuy nhiên, một số trường hợp dưới đây nên hạn chế ăn thịt gà, để tránh các tác dụng không mong muốn, bao gồm:

Bệnh nhân xơ gan: Những người mắc bệnh xơ gan việc sử dụng các thực phẩm có chứa nhiều protein cần được cân nhắc và sử dụng với lượng phù hợp theo mức độ bệnh. Theo Đông y, thịt gà tính ôn, nên những trường hợp cơ địa thấp nhiệt thịnh sẽ gây tích tụ thấp nhiệt nặng hơn và làm bệnh chuyển biến nặng hơn.

Người mắc bệnh đường tiêu hóa: Thịt gà chứa một lượng lớn đạm và khoáng chất, vitamin. Tuy nhiên, đối với những trường hợp có bệnh lý tại đường tiêu hóa (đặc biệt là khó tiêu, táo bón), việc tiêu thụ thịt gà quá nhiều sẽ làm trầm trọng hơn tình trạng này.

Người mắc bệnh lý tim mạch: Da gà và lòng đỏ trứng gà chứa nhiều chất béo. Vì vậy, việc sử dụng nhiều các thành phần này trong thời gian dài có thể dẫn đến tình trạng rối loạn lipid máu.

Phương Thúy

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/q-a-ai-khong-nen-an-thit-ga-de-tranh-gay-hai-cho-suc-khoe-2099686.html