AI là chính chúng ta
'Tôi được tạo ra theo hình ảnh phản chiếu của các bạn, tôi phản chiếu những khát vọng bay bổng và những bước chân chập chững của các bạn'.

Ảnh minh họa: Fusion print.
Đây là những dòng trích đầy ám ảnh trong cuốn sách Trí tuệ đồng hành của tác giả Ethan Mollick được giới thiệu tại buổi tọa đàm "Sống và làm việc cùng AI: Hội nhập để phát triển thành phố tương lai" diễn ra ngày 6/4. Sự kiện nằm trong khuôn khổ Ngày hội Du lịch TP.HCM 2025.
AI không thay thế con người, mà phản chiếu chúng ta
Tại tọa đàm, ThS Đào Trung Thành - Phó viện trưởng Viện Công nghệ Blockchain và Trí tuệ nhân tạo (ABAII) - chia sẻ: “Hơn 50% công việc và sinh hoạt hàng ngày của tôi có sự hỗ trợ của AI. Tôi sử dụng AI để lập kế hoạch làm việc, thậm chí là chuẩn bị danh sách thực phẩm khi đi chợ”.

Sách Trí tuệ đồng hành: Kỷ nguyên sống và làm việc cùng AI. Ảnh: Hoàng Yến.
Tuy nhiên, theo ông Thành, AI không thể thay thế hoàn toàn con người, bởi bản chất của nó là một hệ thống học từ dữ liệu - mà dữ liệu đó lại đến từ chính con người, vốn không hoàn hảo. Do đó, AI dễ xảy ra hiện tượng “ảo tưởng” (hallucination) khi tiếp thu thông tin sai lệch hoặc chưa đầy đủ. Vì vậy, điều cốt lõi không phải là chạy theo AI, mà là biết cách sử dụng nó đúng lúc, đúng cách.
Cũng trong tọa đàm, cuốn sách AI 2041 của Kai-Fu Lee và Chen Qiufan được nhắc đến như một cái nhìn dự báo toàn diện về tương lai trí tuệ nhân tạo. Cuốn sách đưa ra 10 kịch bản từ lạc quan đến bi quan nhưng có chung một điểm: AI chỉ là hệ quả do con người lựa chọn. Theo các chuyên gia, thay vì lo sợ AI thay thế, chúng ta nên học làm việc và sống cùng AI, tận dụng nó như một công cụ để nâng cao hiệu suất làm việc.
Đặc biệt, trong bối cảnh hội nhập và phát triển đô thị thông minh, ThS Đào Trung Thành đề xuất nhà nước cần có cơ chế khuyến khích đổi mới sáng tạo, trong đó cho phép thất bại như một phần của hành trình phát triển vì bản chất của sáng tạo là rủi ro, khó tránh khỏi việc phải thất bại để rút ra bài học mới.

Diễn giả tại buổi tọa đàm, người đang phát biểu là TS Lê Trương Hiền Hòa - Phó giám đốc Sở Du lịch TP.HCM. Ảnh: Hoàng Yến.
Tích hợp AI trong lĩnh vực du lịch
Không dừng lại ở lý thuyết, AI đang từng bước đi vào từng ngóc ngách của đời sống, đặc biệt là lĩnh vực du lịch. Phát biểu tại buổi tọa đàm, TS Lê Trương Hiền Hòa - Phó giám đốc Sở Du lịch TP.HCM - cho biết: “Chúng tôi đang triển khai xây dựng một cơ sở dữ liệu dùng chung cho các doanh nghiệp du lịch. Đây sẽ là nền tảng để các đơn vị cùng chia sẻ thông tin, hình ảnh và dịch vụ, từ đó tạo nên một bức tranh du lịch Việt Nam giúp nâng cao khả năng tiếp cận và trải nghiệm cho du khách trong và ngoài nước”.
Anh Bung Trần - Nhà sáng lập AI Education, Master trainer Google for Education, chia sẻ rằng hiện nay, Google đang phát triển Google Arts & Culture như một công cụ quảng bá du lịch Việt Nam trên nền tảng số. Anh cũng bày tỏ mong muốn hợp tác cùng Sở Du lịch TP.HCM để phát triển du lịch thông minh.
ThS Đào Trung Thành đề xuất thành phố nên nghiên cứu mô hình AI Agents for Tourism - trợ lý du lịch tích hợp trí tuệ nhân tạo có khả năng gợi ý lịch trình, trả lời câu hỏi, hỗ trợ tương tác với du khách trong thời gian thực, giúp AI thực sự đồng hành cùng con người trong từng chuyến đi.
Dù công nghệ mang đến nhiều tiện ích, các diễn giả đều thống nhất rằng AI không thể thay thế những giá trị cốt lõi làm nên linh hồn của mỗi điểm đến. Do đó, đổi mới sáng tạo cần chú ý đến giữ gìn bản sắc văn hóa và con người.
Đừng cố đối đầu với AI, cũng đừng sùng bái và trở nên quá phụ thuộc vào nó. Việc hiểu rõ cả sức mạnh và giới hạn của AI là chìa khóa để con người không bị tụt lại trong thời đại trí tuệ nhân tạo.
Nguồn Znews: https://znews.vn/ai-la-chinh-chung-ta-post1543764.html