Ai lên xứ dã quỳ
'Cái thuở ban đầu lưu luyến ấy/ Ngàn năm hồ dễ mấy ai quên'. Cám ơn Thi sĩ Thế Lữ đã nói hộ biết bao người. Với tôi, cái thuở ban đầu lưu luyến ấy chính là lần đầu tiên tôi được biết đến hoa dã quỳ.
Nhớ mười tám năm trước, tôi lên Đà Lạt để thực hiện một bộ phim tài liệu. Khi lên tới đỉnh đèo Ngoạn Mục (đường quốc lộ 27 từ Ninh Thuận lên Đà Lạt). Thoảng trong gió có tiếng ai đó cho hay: Đèo Ngoạn Mục là một trong các đèo núi đẹp nhất Việt Nam, men theo những sườn núi dựng nối thung lũng Ninh Sơn (Ninh Thuận) với cao nguyên Langbiang (Lâm Đồng). Đây là tuyến giao thông huyết mạch, cửa ngõ giữa các tỉnh Tây Nguyên và Duyên hải Miền Trung.
Nhóm làm phim chúng tôi dừng lại. Hướng mắt nhìn về phía đông, hôm ấy trời quang mây, nắng lên xanh ngắt, thoáng xa xa là biển Đông xanh rờn màu nước. Cả nhóm chúng tôi đã xuýt xoa nức nở. Ấy vậy mà khi khi đổ đèo, vừa chạm vào đất Lâm Đồng thì cả nhóm chúng tôi không chỉ xuýt xoa nức nở mà ai cũng như ai không ngớt lời khen đẹp. Bởi nếu như lúc nhìn về phía đông là một màu xanh văn vắt của biển của trời thì quay nhìn về phía tây lại là một màu chói lọi.
Suốt từ dưới thung lũng lên tới đình núi là cả một “bầu trời” vàng rực bởi bạt ngàn hoa dã quỳ. Có cảm tưởng như “bầu trời” ấy như “mọc lên” từ mặt đất vậy. Cả nhóm lại dừng xe. Dạo đó chưa có điện thoại thông minh nhưng may là tôi có đem theo máy ảnh du lịch. Thế là, hò nhau dàn hàng ngang, rồi lúc đứng thành cặp, khi đứng một mình để chụp ảnh. Dạo đó chưa có từ check in và cũng chưa có từ “tự sướng” nhưng ngẫm ra đúng là chúng tôi đang cùng nhau “tự sướng”.
“Bầu trời dâng lên từ mặt đất ấy” như cảm thấy vẻ sững sờ của nhóm chúng tôi mà dường như đang cất lên lời ca rào rạt. Bản hòa ca giữa màu sắc và gió như tạo nên bản giao hưởng ngợi ca vẻ đẹp của thiên nhiên hùng vĩ trên cao nguyên Lâm Viên.
Tôi đã “yêu” hoa dã quỳ từ đó, yêu ngay từ cái nhìn đầu tiên và yêu từ cảm nhận đầu tiên. Đã cuối thu, bầu trời cao nguyên trong xanh lồng lộng, tôi nhớ lúc đó tôi đã thốt lên: "Chẳng có gì vàng hơn được nữa/ Dưới trời xanh rực nắng dã quỳ”.
Cứ dùng dằng và cứ chốc chốc xe đi lại chốc chốc dừng xe chụp ảnh. Gió thu se lạnh vậy mà chẳng ai thấy lạnh bởi màu vàng của hoa dã quỳ đã “sưởi ấm những trái tim băng giá”. Lúc đó tôi đã tự hỏi: Ai đã đưa dã quỳ với sắc vàng hoang dại tới chốn này?
Được biết, hoa dã quỳ còn có các tên gọi khác như: Hoa cúc quỳ; Hoa sơn quỳ. Đây là một giống hoa thuộc họ cúc, một loài dã hoang dại nở rộ vào cuối tháng 10 đầu tháng 11 hàng năm. Vẻ đẹp vàng óng đầy nét tự nhiên giữa nơi chốn hoang sơ ấy đã làm “thổn thức” biết bao nhiêu trái tim. Chẳng thế mà người đời đã nói: Hoa dã quỳ tượng trưng cho tình yêu thủy chung, là nguồn tư liệu phong phú trong thơ ca. Dưới đôi mắt của ‘kẻ si tình’ những câu thơ về hoa dã quỳ trở nên sinh động, nhẹ nhàng và sâu lắng hơn.
Thoảng bên tai tôi nhè nhẹ vang lên những vần thơ: “Dã quỳ say bung tỏa miệng em cười/ Rung rinh đượm thắm tươi cùng khoe sắc/ Em bên hoa buông nỗi niềm vương mắc” (Duyên đông Đà Lạt – Đỗ Thủy). Đúng là nỗi niềm vương mắt người yêu thật. Đúng là dã quỳ tựa như miệng cười tươi của một cô sơn nữ vậy. Tôi đã ngẩn người và tưởng tượng ra thế. Tưởng tượng ra hình ảnh lấp ló bên cánh hoa vàng là một gương mặt sơn nữ, đẹp đầy vẻ hoang dã mà thánh thiện.
Và lại thầm thì bên tai: “Giữa đại ngàn gió lạnh từng cơn nắng/ Gió lay lay sóng sánh cánh dã quỳ/ Lòng rộn ràng mà níu bước chân đi” (Hoa dã quỳ - Hoàng Trần). Tôi mang niềm thương nỗi nhớ đó như một “mối tình đầu” thực sự.
Mười tám năm sau, tôi mới có dịp được “gặp lại mối tình đầu lưu luyến ấy”. Đà Lạt đã se se lạnh, cái lạnh đầu đông càng làm cho nỗi nhớ thêm da diết. Khi xe vừa qua làng hoa Vạn Thành đã thấy một màu vàng như ôm lấy cung đường. Và khi lên tới đỉnh đèo Tà Nung, ranh giới giữa thành phố Đà Lạt với huyện Lâm Hà, tôi lại thêm lần nữa thốt lên sững sờ, mười tám năm trôi qua mà hoa dã quỳ vẫn thủy chung đón đợi. Mười tám năm trôi qua với nhiêu việc đã quên mà hoa dã quỳ vẫn nở rực vàng, chờ tôi trở lại.
Tôi xuống xe, bước xăm xăm định ngắt một bông dã quỳ vàng nhất và gần nhất. Cô bạn đồng hành, nhà thơ Trần Hoàng Vũ Nguyên, vội xua tay, ý nói “Đừng ngắt”. Và để cho tôi bớt cảm giác hụt hẫng thì nữ nhà thơ Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam hiện là duy nhất của tỉnh Lâm Đồng, đã cười: “Mỗi bông hoa dã quỳ là một tia nắng. Triệu triệu tia nắng sẽ thành cả bầu trời rực nắng”. Chao ơi, câu nói giảng giải của nữ thi sĩ đã là một câu thơ mất rồi.
Trần Hoàng Vũ Nguyên cùng tôi tản bộ, cô bảo: “Có đi như thế này mới hiểu được lòng hoa dã quỳ anh ạ”. Tôi ngạc nhiên hỏi lại: “Hoa dã quỳ cũng như con người ư? Cũng có nỗi niềm ẩn chứa trong lòng ư?”. Nữ thi sĩ không trả lời, cô ra hiệu mời tôi đi tiếp. Lát sau cô bảo: “Ngắm hoa thôi chưa đủ mà phải hiểu được lòng hoa mới ý nghĩa anh ạ”.
“Đi giữa đường hoa” tôi chợt bật lên ý nghĩ đó, nữ thi sĩ cho hay: “Đèo Tà Nung là một trong năm cung đường đèo hoa dã quỳ nở đẹp nhất của tỉnh Lâm Đồng anh ạ”. Rồi cô đọc thơ: “Dã quỳ ơi có bao điều muốn ngỏ/ Hỡi loài hoa bé nhỏ mà ta yêu/ Không kiêu sa chẳng vẻ đẹp mỹ miều/ Mà xao xuyến mỗi lần qua lối đó” (Hoa dã quỳ - Oanh Kim).
Nữ thi sĩ Trần Hoàng Vũ Nguyên bảo: “Dã quỳ không mọc riêng lẻ, mà mọc thành những hàng, những cụm lớn. Có những sườn đồi trống được dã quỳ phủ kín. Và khi hoa nở, màu vàng đã phủ rợp trên những sườn đồi. Đến thời điểm này, vùng ngoại ô và vùng lân cận Đà Lạt là nơi có hoa dã quỳ nở đẹp nhất”. Nghe cô nói thế tôi bật lên ý nghĩ: Đà Lạt từng được mệnh danh là “thành phố ngàn hoa”. Đà Lạt từng được gọi là “Xứ hoa đào”. Đà Lạt còn biết đến với tên gọi “Miền thông reo”. Thì hà cớ gì không có thêm một “danh xưng” thêm nữa.
“Xứ dã quỳ” tôi níu tay cô bạn đồng hành để nói lên suy nghĩ của mình. Nhà thơ Trần Hoàng Vũ Nguyên gật đầu: “Đúng vậy anh ạ. Hoa dã quỳ không chỉ nở vàng nơi đồi núi đâu. Hoa dã quỳ hiện cũng “chen” vào nở vàng những đường phố Đà Lạt, nở vàng bên những ruộng hoa, nở vàng bên những cánh đồng rau anh ạ”. Tôi nói thêm: “Hoa dã quỳ những tưởng hoang dại vậy mà cảm nhận rồi lại thấy đó là một hình ảnh đầy thơ mộng và cũng rất yên bình của thành phố Đà Lạt. Xứng đáng được chọn là loài hoa biểu tượng xuyên suốt của Festival hoa Đà Lạt lần thứ X năm 2024”.
Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/ai-len-xu-da-quy-10296480.html