AI mở ra tương lai chuyển đổi trong ngành công nghệ, truyền thông và viễn thông

Cùng với trí tuệ nhân tạo (AI), những tiến bộ của điện toán đám mây, truyền thông và viễn thông sẽ mang lại hiệu quả chưa từng có, thúc đẩy mô hình kinh doanh mới và trải nghiệm người tiêu dùng được tăng cường - theo Báo cáo Dự đoán công nghệ, truyền thông và viễn thông (TMT) năm 2025 của Deloitte.

Ngành TMT đã sẵn sàng cho một bước tiến vượt bậc. Ảnh minh họa

Ngành TMT đã sẵn sàng cho một bước tiến vượt bậc. Ảnh minh họa

Các công ty viễn thông đang đánh giá lại khoản đầu tư vào 5G và trì hoãn tiến độ 6G do lo ngại về tỷ lệ lợi nhuận.

AI mang đến cơ hội đan xen thách thức

Báo cáo của Deloitte chỉ ra rằng, ngành TMT đã sẵn sàng cho một bước tiến vượt bậc và đứng ở vị trí thuận lợi để định hình thành quả của AI trong tương lai thông qua việc giải quyết các thách thức cơ bản về cơ sở hạ tầng, bình đẳng giới, tiêu thụ năng lượng, niềm tin và năng lực. Theo đó, Deloitte dự đoán rằng, năm 2025, có 25% các công ty sử dụng GenAI sẽ triển khai các chương trình AI thí điểm giúp hoàn thành các nhiệm vụ phức tạp một cách tự động, cải thiện năng suất và hiệu quả của những người làm công việc trí óc, bao gồm: phát triển phần mềm, hỗ trợ khách hàng, an ninh mạng và tuân thủ quy định. Con số này có thể lên tới 50% vào năm 2027.

Cùng với đó, khi AI tạo ra ngày càng nhiều hình ảnh và video trực tuyến, các câu hỏi xung quanh tính xác thực của nội dung và tác hại tiềm ẩn của nội dung giả mạo ngày càng trở nên cấp bách hơn. Các nền tảng trực tuyến, công ty công nghệ và công ty truyền thông sẽ sử dụng AI để phát hiện và gắn cờ nội dung giả mạo, đảm bảo nguồn gốc của các tài sản truyền thông xác thực. Mô hình này cũng được áp dụng tương tự đối với an ninh mạng nhằm ngăn chặn kẻ tấn công, xác nhận độ tin cậy của nội dung trực tuyến.

Mức độ tiêu thụ điện năng của các trung tâm dữ liệu AI sẽ tiếp tục tăng mạnh, buộc các trung tâm này phải tìm kiếm giải pháp năng lượng sạch, tối ưu hóa cơ sở hạ tầng, xem xét lại thiết kế chip và hợp tác với các nhà cung cấp điện để đảm bảo tương lai bền vững. Ngành công nghiệp viễn thông, truyền thông và điện năng sẽ phải hợp tác để giải quyết những vấn đề liên quan đến phát thải carbon, cải thiện hiệu quả năng lượng trong các chip và thuật toán GenAI, cân bằng lại khối lượng công việc đòi hỏi nhiều tính toán.

Không chỉ có AI, chi tiêu cho điện toán đám mây của doanh nghiệp cũng đang tăng lên và việc sử dụng các chiến lược quản lý tài chính trên đám mây (FinOps) có thể giúp mỗi khoản đầu tư hoạt động hiệu quả hơn. Các công ty có thể tiết kiệm tiền, tăng giá trị và xây dựng sự gắn kết giữa các chức năng. Chi tiêu cho điện toán đám mây toàn cầu dự kiến sẽ đạt 825 tỷ USD vào năm 2025 và việc sử dụng FinOps có thể giúp doanh nghiệp tiết kiệm khoảng 21 tỷ USD. Các công ty có thể bắt đầu từ việc giảm lãng phí đám mây, tận dụng các khoản chiết khấu và chủ động điều chỉnh quy mô điện toán, mạng và lưu trữ.

Deloitte cũng đưa ra dự đoán rằng, các hãng phim và truyền hình lớn nhất, đặc biệt là những hãng ở Hoa Kỳ và Liên minh Châu Âu sẽ thận trọng khi áp dụng GenAI vào quy trình làm việc sáng tạo của họ, với chưa đến 3% ngân sách sản xuất dành cho công cụ này. Tuy nhiên, mức đầu tư có thể sẽ tăng 10% khi các hãng truyền thông lớn tích hợp GenAI cho các chức năng thiết yếu như: quản lý hợp đồng và người nổi tiếng, cấp phép và lập kế hoạch, tiếp thị và quảng cáo, mở rộng phạm vi tiếp cận các thị trường...

Song hành với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ là những rủi ro và mối đe dọa. Khảo sát của Deloitte cho thấy, 71% giám đốc an ninh thông tin mô tả mức độ đe dọa của AI là "rất cao" hoặc "khá cao". AI đang tạo ra nhiều thách thức, đặc biệt là khi các cuộc tấn công mạng dựa trên GenAI vốn đã xảy ra thường xuyên vào năm 2024 và sẽ tiếp tục tăng vào năm 2025 (tăng gấp đôi hoặc thậm chí gấp ba). Mặc dù vậy, các công cụ AI thế hệ mới cũng có thể là một lực lượng có ích, giúp phòng thủ hoặc giảm thiểu các mối đe dọa mạng.

Khi AI ngày càng tích hợp nhiều hơn với các doanh nghiệp nói chung, các công ty cung cấp giải pháp AI nên tập trung vào việc tạo ra các sản phẩm an toàn cho người dùng. Không chỉ bản thân các sản phẩm cần được bảo mật, mà các công ty cũng nên cẩn thận khi chia sẻ dữ liệu khách hàng của mình hoặc của người khác với bên thứ tư.

Định hình lại thị trường ngành viễn thông

Các chuyên gia của Deloitte cho rằng, sẽ có sự tăng tốc đáng kể trong việc thực hiện các thương vụ mua bán sát nhập (M&A) viễn thông, tạo ra một hệ sinh thái bền vững hơn, đặc biệt là ở các thị trường nhỏ. Tổng số thương vụ M&A được dự báo mức khoảng 400 thương vụ, trọng tâm là hợp nhất ở cấp thị trường khi các công ty viễn thông nhỏ hơn nằm trong tầm ngắm của những tập đoàn lớn. Kể từ năm 2020, 13 thương vụ sáp nhập viễn thông đã được phê duyệt hoặc đang được xem xét, bao gồm 6 thương vụ ở châu Mỹ, 5 ở châu Á - Thái Bình Dương và 2 ở châu Âu.

Có nhiều loại giao dịch M&A viễn thông, nhưng ở cấp độ cao, không có loại M&A nào chiếm ưu thế. Một số hình thức hợp nhất hoặc tách ra đã diễn ra trong nhiều năm và có khả năng sắp kết thúc giai đoạn tăng trưởng. Ngoài ra, các mạng lưới có dây (đồng, cáp quang) và hệ thống phần mềm văn phòng có nhiều hoạt động hợp nhất hơn. Chẳng hạn như, tại Malaysia - nơi từng có ba mạng không dây riêng biệt và khác biệt đã chính thức sử dụng một mạng 5G quốc gia duy nhất; tại Brunei, có ba công ty di động cung cấp dịch vụ cho người tiêu dùng và doanh nghiệp, nhưng cả ba đều sử dụng cùng một mạng vô tuyến do Unified National Networks Sdn Bhd cung cấp; hai nhà khai thác của Úc đã đồng ý chia sẻ RAN 4G và 5G…

Ngược lại, số lượng công ty bán lẻ (các công ty cung cấp dịch vụ truyền thông cho người tiêu dùng và doanh nghiệp) không có nhiều thay đổi. Tại các quốc gia, người sử dụng dịch vụ viễn thông vẫn có nhiều lựa chọn công ty cung cấp dịch vụ truyền thông (3 công ty hoặc nhiều hơn cạnh tranh với nhau). Các cuộc cạnh tranh chủ yếu về truy cập không dây cố định cho dịch vụ băng thông rộng tại nhà; vệ tinh quỹ đạo Trái đất thấp cho băng thông rộng tại nhà, đặc biệt là ở các vùng nông thôn và vùng sâu vùng xa (thị trường châu Á - Thái Bình Dương, châu Phi và châu Mỹ); các mạng 3G, 4G và 5G được sử dụng mang lại nhiều sự lựa chọn và cạnh tranh hơn cho người tiêu dùng.

Hiện nay, các công ty viễn thông toàn cầu đã xây dựng mạng 5G và không có dự định đầu tư nâng cấp thêm. Đặc biệt, không có dấu hiệu nào cho thấy 6G sẽ ra mắt trước năm 2030. Do đó, các khoản chi phí đầu tư để nâng cấp và duy trì hằng năm cho viễn thông được dự đoán sẽ tiếp tục giảm xuống còn khoảng 15% - 16% từ năm 2025 đến năm 2029. Đây là tín hiệu tích cực đối với các nhà khai thác mạng, mặc dù có thể là thách thức đối với các nhà sản xuất thiết bị RAN. Mặt khác, người tiêu dùng có thể đã đạt đến giới hạn và hầu hết không muốn trả nhiều tiền hơn cho mạng tốc độ cao hơn. Do đó, một số công ty viễn thông có thể cân nhắc tham gia vào lĩnh vực kinh doanh trung tâm dữ liệu AI để tạo thêm doanh thu và lợi nhuận./.

THÙY LÊ

Nguồn Kiểm Toán: http://baokiemtoan.vn/ai-mo-ra-tuong-lai-chuyen-doi-trong-nganh-cong-nghe-truyen-thong-va-vien-thong-38171.html