Trung Quốc lại nếm 'trái đắng' từ chính sách một con
Tỷ lệ kết hôn ở đất nước tỷ dân chạm mức thấp nhất kể từ khi số liệu được ghi chép năm 1986. Chi phí sinh hoạt và sự phản đối các vai trò giới truyền thống là yếu tố góp phần.
![Số lượng kết hôn của Trung Quốc giảm mạnh xuống mức thấp kỷ lục trong năm 2024.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_12_119_51460485/05921e9229dcc08299cd.jpg)
Số lượng kết hôn của Trung Quốc giảm mạnh xuống mức thấp kỷ lục trong năm 2024.
Số trường hợp kết hôn ở Trung Quốc giảm mạnh 20% xuống mức thấp kỷ lục vào năm 2024, từ 7,7 triệu vào năm 2023 xuống 6,1 triệu vào năm ngoái, dữ liệu từ Bộ Dân sự Trung Quốc cho thấy.
Con số này chưa bằng một nửa số lượng đăng ký kết hôn vào năm 2013 và là mức thấp nhất kể từ khi số liệu bắt đầu được ghi chép vào năm 1986.
Dữ liệu cũng chỉ ra 2,6 triệu cặp vợ chồng đã nộp đơn xin ly hôn vào năm 2024, tăng 1,1% so với năm trước đó, theo The Guardian.
Sự sụt giảm mạnh về kết hôn ở Trung Quốc càng được khuếch đại bởi sự phục hồi ngắn ngủi vào năm 2023, khi mọi người ồ ạt tổ chức đám cưới sau nhiều năm bị hạn chế bởi đại dịch Covid-19. Cũng có đồn đoán rằng nhiều người tránh kết hôn vào năm 2024 vì đó là “năm góa phụ” xui xẻo trong lịch âm Trung Quốc.
Tuy nhiên, xu hướng rộng lớn hơn vẫn đi theo hướng: giới trẻ kiên quyết chống lại nỗ lực của chính phủ Trung Quốc nhằm đảo ngược sự suy giảm nhân khẩu học của đất nước.
“Không phải mọi người không muốn kết hôn, mà là họ không có khả năng làm điều đó”, một người ở Thường Châu chia sẻ trên mạng xã hội Weibo, nơi thu hút hơn 46 triệu lượt tương tác về chủ đề này kể từ đầu tuần.
Trung Quốc có dân số đông thứ hai thế giới. Trong nhiều thập kỷ, đất nước này đã thực thi các hạn chế chặt chẽ đối với việc sinh con, bao gồm chính sách một con khét tiếng.
Nhưng hiện nay, khi Trung Quốc phải đối mặt với tình trạng dân số ngày càng giảm và già hóa, đe dọa tương lai kinh tế của đất nước, chính phủ nước này muốn người dân sinh nhiều con hơn.
![Chính sách một con khét tiếng của Trung Quốc một thời khiến ngày nay, có ít người ở độ tuổi kết hôn hơn.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_12_119_51460485/9bf8b5f882b66be832a7.jpg)
Chính sách một con khét tiếng của Trung Quốc một thời khiến ngày nay, có ít người ở độ tuổi kết hôn hơn.
Một phần lớn của nỗ lực đó là cố gắng khuyến khích nhiều cuộc hôn nhân hơn. Tỷ lệ sinh con gắn liền với hôn nhân ở Trung Quốc, việc sinh con ngoài giá thú bị ngăn cản bởi các giá trị truyền thống và quy định khác nhau của chính phủ.
Nhưng sau nhiều thập kỷ bị hạn chế, ngày nay, có ít người ở độ tuổi kết hôn hơn. Họ không quan tâm đến hôn nhân hoặc con cái.
"Đối với nhiều người trẻ, việc không kết hôn là lựa chọn. Họ có lối sống riêng và muốn tận hưởng cuộc sống độc thân", một người bày tỏ trên Weibo.
"Phụ nữ có thể tự nuôi sống bản thân mà không cần dựa vào đàn ông. Do đó, số người muốn kết hôn thấp hơn nhiều so với trước đây", một người khác viết.
Những lo ngại về tình trạng thất nghiệp cao ở thanh niên; chi phí sinh hoạt, giáo dục và chăm sóc trẻ em tăng vọt; cũng như sự phản đối các vai trò giới truyền thống đã chống lại những lời kêu gọi của chính phủ Trung Quốc.
"Tỷ lệ kết hôn sụt giảm phản ánh sự hội tụ của các lực lượng xã hội: dân số thanh niên giảm, triển vọng kinh tế ảm đạm đối với sinh viên tốt nghiệp gần đây, thái độ thay đổi đối với hôn nhân và sự phân cực giới leo thang giữa nam và nữ", Carl Minzner, thành viên cấp cao về nghiên cứu Trung Quốc tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại, cho biết. Ông mô tả sự sụt giảm số lượng kết hôn của quốc gia này là "cực đoan".
Trên Weibo, cư dân mạng cũng lưu ý rằng xã hội dường như đã trở nên "khoan dung hơn" với người độc thân trong các buổi họp mặt Tết Nguyên đán vừa qua.
"10 năm trước, điều tôi nghe phát chán từ người thân là con cái 27-28 tuổi không chịu lấy vợ/chồng. Bây giờ, những người hơn 30 tuổi cũng chỉ muốn sống một mình nên thanh niên 27-28 tuổi không còn bị thúc giục”, một người cho biết.
Nhiều dân mạng cũng trích dẫn việc giới thiệu gây tranh cãi về thời gian chờ ly hôn vào năm 2021. Điều này khiến họ cảnh giác với tình cảnh "dễ vào khó ra" của hôn nhân.
Những người khác lưu ý rằng Trung Quốc từ chối hợp pháp hóa hôn nhân đồng giới hoặc cung cấp các quyền tương đương cho các cặp đôi chung sống không đăng ký kết hôn. "Tại sao số lượng đăng ký kết hôn lại giảm trở lại vào năm 2024? Bởi vì tôi là người đồng tính nữ”, một phụ nữ viết.