Ai sẽ kế nhiệm Giáo hoàng Francis?
Rất khó để dự đoán ai sẽ được chọn làm vị giáo hoàng tiếp theo của 1,2 tỷ người Công giáo trên thế giới. Về lý thuyết, bất cứ nam giới Công giáo nào đã được rửa tội đều có thể trở thành giáo hoàng, theo Telegraph.

Giáo hoàng Francis.
Trên thực tế, vị giáo hoàng kế tiếp nhiều khả năng sẽ được chọn từ các hồng y - những người sẽ tụ họp tại Nhà nguyện Sistine ở Vatican để tham dự cuộc bầu cử giáo hoàng kín, còn gọi là mật nghị hồng y.
Tuy vậy, đã có những cái tên “papabile” (ứng viên tiềm năng cho chức giáo hoàng) đang được nhắc đến khắp các hành lang của Vatican.
Nguồn gốc đa dạng của họ phản ánh phạm vi hoạt động toàn cầu rộng lớn của Giáo hội Công giáo.
Cuộc bầu chọn nhiều khả năng sẽ là cuộc đấu giữa hai khuynh hướng: Phe cấp tiến - hoan nghênh lập trường tương đối cởi mở của cố giáo hoàng về người ly hôn, người đồng tính và hoàn cảnh khó khăn của người tị nạn; và phe bảo thủ - những người phản đối chương trình nghị sự của ông.
Peter Erdo
Đối với phe bảo thủ, một ứng viên tiềm năng là Hồng y Peter Erdo -
Tổng giám mục Esztergom-Budapest của Hungary.
Edward Pentin, chuyên gia về Vatican, nhận xét: “Erdo là ứng viên hàng đầu của cánh bảo thủ trong giáo hội. Người ta thích ông vì ông là một chuyên gia luật giáo hội - rất am hiểu về giáo luật”.
“Nhiều người Công giáo cho rằng giáo hội cần được đưa trở lại với kỷ cương giáo luật sau một thời kỳ có phần vô trật tự dưới thời Giáo hoàng Francis. Erdo sẽ là lựa chọn an toàn”, ông cho hay.

Hồng y Hungary Peter Erdo.
Luis Antonio Tagle
Trong số những người theo chủ nghĩa tự do cấp tiến trong Giáo hội Công giáo, Hồng y Luis Antonio Tagle là cái tên thường được nhắc đến.
Được mệnh danh là “Đức Francis châu Á” nhờ tính cách hài hước và quan điểm tiến bộ, ông đến từ Philippines. Nếu được bầu chọn, ông sẽ trở thành vị giáo hoàng châu Á đầu tiên.
Từng sống khoảng 20 năm tại chủng viện ở Philippines, phòng ở của ông không có điều hòa hay tivi. Kể cả sau khi được phong giám mục, ông vẫn tránh sử dụng ôtô và đi làm bằng xe buýt hoặc xe jeepney (phương tiện công cộng phổ biến tại Philippines).
“Cách đây 5 hoặc 6 năm, ông là người được Giáo hoàng Francis yêu thích để kế nhiệm. Ông hiện đứng đầu siêu bộ mới quan trọng về truyền giáo. Ông là ứng viên khá mạnh và vẫn còn tương đối trẻ”, Pentin nói.

Hồng y Luis Antonio Tagle.
Tuy nhiên, độ tuổi trẻ cũng có thể là bất lợi. Các hồng y thường do dự bởi nhiệm kỳ giáo hoàng có thể kéo dài hàng chục năm, làm giảm cơ hội của những người khác trong tương lai.
Pietro Parolin
Thủ tướng Tòa thánh Vatican, Hồng y Pietro Parolin, cũng được coi là ứng viên nặng ký.
Tên tuổi của ông được chú ý trong bối cảnh xung đột Ukraine, khi Vatican nỗ lực đóng vai trò trung gian hòa giải đáng tin cậy để sớm chấm dứt xung đột.
“Ông ấy là nhà ngoại giao rất có năng lực”, Thomas Reese, linh mục người Mỹ và tác giả cuốn sách Bên trong Vatican, cho biết.
“Ông ấy chính là bộ óc đứng sau chính sách ngoại giao quốc tế của Giáo hoàng Francis. Ông ấy chưa từng mắc sai lầm”.
Tuy nhiên, danh tiếng của ông bị ảnh hưởng bởi vụ bê bối liên quan đến bất động sản, khi Vatican thất thoát hàng triệu euro do thương vụ mua tòa nhà từng là showroom Harrods cũ ở London.
“Người ta sẽ đặt câu hỏi liệu ông ấy có thiếu năng lực hay đã phó thác trách nhiệm cho cấp dưới. Dù trường hợp nào thì rõ ràng đã có sai sót, và ông ấy là người đứng đầu. Một phiên tòa vẫn đang diễn ra, điều này có thể làm suy yếu khả năng trở thành giáo hoàng của ông”, linh mục Reese nhận định.

Hồng y Pietro Parolin.
Các ứng viên khác
Một ứng viên khác từ phe cấp tiến của giáo hội là Hồng y Jose Tolentino Calaca de Mendonca, đến từ đảo Madeira của Bồ Đào Nha. Ông được Giáo hoàng Francis bổ nhiệm đứng đầu cơ quan phụ trách văn hóa và giáo dục.
Hồng y Matteo Zuppi - Tổng giám mục Bologna - cũng là người Italy được đưa vào danh sách. Ông thuộc khuynh hướng cấp tiến và được cho là có mối quan hệ gần gũi với Giáo hoàng Francis.
Vẫn ở châu Âu, Hồng y Mario Grech đến từ Malta - Tổng thư ký Thượng Hội đồng Giám mục - được đánh giá có cơ hội lớn trở thành giáo hoàng.
Ông được xem là người gần gũi với Giáo hoàng Francis, nhưng lại có xu hướng bảo thủ trong tư tưởng. Vì thế, ông có thể trở thành ứng viên thỏa hiệp giữa hai phe.
Bên ngoài châu Âu, một trong những cái tên được nhắc đến nhiều nhất là Hồng y Peter Turkson đến từ Ghana. Ông từng là cố vấn quan trọng của Giáo hoàng Francis trong các vấn đề như biến đổi khí hậu và công lý xã hội.
Nếu được các hồng y trong mật nghị bầu chọn, ông sẽ trở thành vị giáo hoàng da đen châu Phi đầu tiên trong lịch sử.
Một nhân vật người châu Phi khác cũng được nhắc đến là Hồng y Robert Sarah đến từ Guinea, người từng chỉ trích hệ tư tưởng về giới và lên án chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan.
Theo quy định của Vatican, để được bầu làm giáo hoàng, một ứng viên phải đạt được đa số 2/3 số phiếu khi các hồng y tham dự mật nghị diễn ra trong Nhà nguyện Sistine. Hiện tại, vẫn chưa có ứng viên nào thực sự dẫn đầu.
Đức hồng y Kevin Farrell thông báo Giáo hoàng Francis qua đời Đức hồng y Kevin Farrell ngày 21/4 thông báo Giáo hoàng Francis qua đời ở tuổi 88.
Nguồn Znews: https://znews.vn/ai-se-ke-nhiem-giao-hoang-francis-post1547781.html