Giới tài phiệt ngân hàng chi phối chiến tranh thế nào?

Người ta vẫn không hiểu nổi tại sao một quốc gia đang rơi vào tình trạng bốn bề chiến sự như Thụy Sĩ mà vẫn giữ được thế 'trung lập', trong khi những quốc gia láng giềng như Vương quốc Bỉ, Luxembourg, Na Uy hay Đan Mạch lại khó mà tránh khỏi gót giày của quân Phát xít.

Năm 1940, Thomas McKittrick được bầu làm Chủ tịch Ngân hàng Thanh toán Quốc tế. Ông tốt nghiệp Đại học Harvard, từng đảm nhận chức Chủ tịch Hội Thương mại Anh, thông thạo tiếng Đức, Pháp và Italy, có mối quan hệ mật thiết với Phố Wall cũng như từng thực hiện thương vụ cho Đức Quốc xã vay vàng với số lượng lớn. Sau khi nhậm chức không lâu, Thomas đến Berlin để tiến hành hội đàm bí mật với Ngân hàng Trung ương Đức và Gestapo.

Các nhà tài phiệt ngân hàng xác định rằng một khi Mỹ tham dự vào cuộc chiến thì nghiệp vụ ngân hàng sẽ phải được bàn bạc và thông qua cụ thể. Ngày 27 tháng 5 năm 1941, theo yêu cầu của Bộ trưởng Tài chính Henry Morgenthau, Cordell Hull - Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ - gọi điện cho Đại sứ Mỹ tại Anh để yêu cầu điều tra thật rõ mối quan hệ giữa Chính phủ Anh và Ngân hàng Thanh toán Quốc tế dưới sự kiểm soát của Phát xít. Kết quả điều tra đã khiến Morgenthau nổi giận khi biết Norman của Ngân hàng Anh luôn có mặt trong Hội đồng Quản trị của Ngân hàng Thanh toán Quốc tế.

Thực ra, các nhà tài phiệt ngân hàng của Anh, Pháp và Mỹ đều coi người Đức là những người bạn tốt và thân thiết trong Hội đồng Quản trị của Ngân hàng, mặc dù trên chiến trường họ là kẻ thù không đội trời chung. Mối quan hệ bằng hữu kỳ lạ này luôn được duy trì cho đến tận khi chiến tranh kết thúc.

 BIS - Nơi lưu giữ bí mật của giới tài phiệt ngân hàng. Ảnh: Reuters.

BIS - Nơi lưu giữ bí mật của giới tài phiệt ngân hàng. Ảnh: Reuters.

Ngày 5 tháng 2 năm 1942, hai tháng sau khi Nhật Bản đánh úp Trân Châu Cảng, Mỹ bước vào cuộc chiến tranh trực diện với Đức. Tuy nhiên, điều kỳ lạ là cả Ngân hàng Trung ương Đức và Chính phủ Ý đều đồng ý để cho Thomas McKittrick - một người Mỹ - tiếp tục nắm giữ chức Chủ tịch Ngân hàng Thanh toán Quốc tế cho đến khi kết thúc chiến tranh, còn Cục Dự trữ Liên bang Mỹ vẫn tiếp tục duy trì nghiệp vụ đều đặn với Ngân hàng Thanh toán Quốc tế.

Trước đó, do vẫn luôn giữ thái độ nghi ngờ về mối quan hệ mập mờ giữa Ngân hàng Thanh toán Quốc tế với ngân hàng nước này nên Công đảng Anh đã nhiều lần yêu cầu Bộ Tài chính phải có giải trình rõ ràng. Tuy nhiên, họ chỉ nhận được lời giải thích rằng: “Nhà nước ta hưởng rất nhiều quyền lợi từ Ngân hàng Thanh toán Quốc tế, và điều đó hoàn toàn dựa trên thỏa thuận giữa Chính phủ các nước. Vậy nên việc cắt đứt mối quan hệ với ngân hàng này là không phù hợp với lợi ích của nước ta.”

Trong chiến tranh, ngay cả những hiệp ước không xâm phạm lẫn nhau giữa các quốc gia đều có thể bị phá bỏ bất cứ lúc nào. Vậy mà Bộ Tài chính Anh lại chắc chắn về sự thỏa thuận giữa các nhà tài phiệt ngân hàng của các nước khiến người ta không thể không “thán phục thái độ nghiêm túc” của người Anh trong chuyện này. Nhưng đến năm 1944, sau khi phát hiện ra Đức Quốc xã đã thu hầu hết lợi nhuận của Ngân hàng Thanh toán thì sự hào phóng của nước Anh lại khiến người ta không khỏi nghi ngờ.

Mùa xuân năm 1943, bất chấp sự an nguy đến tính mạng, Thomas H. McKittrick vẫn đi lại như con thoi giữa các nước tham chiến. Cho dù không phải là công dân Ý và cũng chẳng phải nhà ngoại giao Mỹ, nhưng McKittrick vẫn được Chính phủ Ý cấp hộ chiếu ngoại giao. Khi tới Đức, ông ta còn được cả đặc vụ của Hitler đi theo bảo vệ suốt chặng đường đến Roma, sau đó tới Lisbon xuống thuyền Thụy Điển trở về Mỹ. Tháng 4, ông ta đến New York tiến hành thảo luận chi tiết với các quan chức của Cục Dự trữ Liên bang. Sau đó, với tấm hộ chiếu Mỹ, ông ta tới Thủ đô Berlin của Đức để truyền đạt thông tin tài chính tuyệt mật cũng như thái độ của giới quyền lực ở Mỹ cho các quan chức của Ngân hàng Trung ương Đức biết.

Ngày 26 tháng 3 năm 1943, tại Hạ viện, Jerry Voorhis - Nghị sĩ bang California - đề xuất điều tra hoạt động mờ ám của Ngân hàng Thanh toán Quốc tế nhằm làm rõ “nguyên nhân vì sao một công dân Mỹ lại đảm nhiệm chức Chủ tịch của ngân hàng do các nước cùng thỏa thuận và gây dựng nên”, nhưng Quốc hội Mỹ và Bộ Tài chính đều phớt lờ và không tiến hành điều tra.

Tháng 1 năm 1944, John Kowfey - một Nghị sĩ hạ viện “nhiều chuyện” khác - bày tỏ một cách phẫn nộ: “Chính phủ Đức Quốc xã có 85 triệu franc vàng Thụy Sĩ cất giữ ở Ngân hàng Thanh toán Quốc tế. Tiền vàng của nước Mỹ chúng ta thì luôn chảy vào đó, vậy mà hầu hết các thành viên Hội đồng Quản trị của ngân hàng này lại đều là quan chức của Đức Quốc xã.”

Người ta vẫn không hiểu nổi tại sao một quốc gia đang rơi vào tình trạng bốn bề chiến sự như Thụy Sĩ mà vẫn giữ được thế “trung lập”, trong khi những quốc gia láng giềng như Vương quốc Bỉ, Luxembourg, Na Uy hay Đan Mạch lại khó mà tránh khỏi gót giày của quân Phát xít cho dù có muốn duy trì thế trung lập. Thực ra, bản chất của vấn đề nằm ở chỗ trụ sở Ngân hàng Thanh toán Quốc tế được đặt tại Thụy Sĩ, và đó chính là nơi các ông chủ ngân hàng Anh- Mỹ cung cấp tài chính nhằm giúp Đức kéo dài thời gian tham chiến nhất có thể.

Ngày 20 tháng 7 năm 1944, nội dung được đưa ra thảo luận tại Hội nghị Bretton Systems chính là xóa bỏ Ngân hàng Thanh toán Quốc tế. Mới đầu, hai tổng công trình sư Keynes và Harry Dexter White đã đồng ý xóa sổ ngân hàng này khi nhận thấy có quá nhiều cặp mắt hoài nghi đổ dồn vào các hoạt động của nó trong thời kỳ chiến tranh. Nhưng sau đó, cả hai đều nhanh chóng thay đổi hướng suy nghĩ. Lập tức Keynes tới gõ cửa phòng của Morgenthau - Bộ trưởng Tài chính Hoa Kỳ.

Song Hong Bing/Bách Việt Books-NXB Lao Động

Nguồn Znews: https://znews.vn/gioi-tai-phiet-ngan-hang-chi-phoi-chien-tranh-the-nao-post1547482.html