AI sẽ tạo thêm nhiều việc làm mới?
Thay vì lo ngại AI gây ra tình trạng sa thải hàng loạt, các doanh nghiệp đang nhìn thấy nhiều giá trị tích cực của AI trong việc tăng năng suất lao động và khuyến khích sáng tạo.
Sự phát triển ngày càng mạnh mẽ của AI, nhất là ChatGPT gần đây khiến nhiều lao động lo ngại về tình trạng sa thải hàng loạt. Tuy nhiên, nhiều kết quả khảo sát thực tế tại các doanh nghiệp cho thấy, AI không quá đáng sợ như vậy.
CEO Thức Vũ - Founder của công ty Ohmnilabs, đồng thời là chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo nhận định: AI đúng là có thể thay thế nhân sự trong nhiều ngành nghề, nhất là một số ngành nghề vốn được mặc định là AI sẽ không thể thay thế được thì dễ bị “soán ngôi” đầu tiên. Điển hình là lập trình viên được xem “thành trì” cuối cùng mà AI khó có thể thay thế, song thực tế AI có thể làm tốt vị trí này khiến cho ngôn ngữ lập trình không còn như trước, giao diện nghiêng về trò chuyện, trao đổi nhiều hơn là gõ vào những câu lệnh.
Tương tự như vậy. những công việc lặp lại thường xuyên như chăm sóc khách hàng, vẽ tranh điện tử… AI sẽ làm tốt hơn bằng việc đưa ra những nội dung đáp ứng nhu cầu, sở thích của người dùng.
Nói đi cũng phải nói lại, CEO Thức Vũ cho rằng, không nên quá bi quan trước tốc độ phát triển nhanh của AI. Nhắc lại sự ra đời của mạng internet mấy chục năm trước, theo CEO Thức Vũ, thời điểm đó nhiều người lo lắng về tình trạng mất việc do máy móc làm thay cho con người. Song, thực tế internet đã tạo ra nhiều công việc mới cho xã hội.
AI cũng vậy - CEO Thức Vũ tin rằng, có nhiều việc làm mới được tạo ra. AI được xem là công cụ đồng hành để doanh nghiệp xây dựng hệ sinh thái, cùng cộng hưởng và phát triển, góp phần thúc đẩy nền kinh tế phát triển thịnh vượng.
Theo báo cáo mới đây của Goldman Sachs, AI tạo cơ hội mới cho nhân sự trong ngành phân tích dữ liệu, phát triển phần mềm, học máy… Bên cạnh đó, sự trỗi dậy và “can thiệp” sâu hơn của AI vào thị trường lao động có thể khiến nhân sự phải có ý thức nâng cao kỹ năng, bổ sung kiến thức chuyên môn để nâng cao năng lực, năng suất lao động để giữ việc làm cho mình và cạnh tranh với… AI.
Khảo sát sâu hơn về vấn đề này, trong khảo sát mới công bố Microsoft cũng đem lại những tín hiệu tích cực của AI với thị trường lao động. Cụ thể, Microsoft kỳ vọng công nghệ AI thế hệ tiếp theo sẽ giải phóng bớt gánh nặng công việc; các tổ chức tiên phong trong việc áp dụng AI sẽ có khả năng tăng cường sự sáng tạo và năng suất cho nhân viên.
Tại Việt Nam, kết quả khảo sát cho thấy, khoảng 54% người lao động Việt Nam lo lắng Al sẽ thay thế vị trí công việc của họ nhưng lại có tới 90% người lao động mong muốn giao càng nhiều việc càng tốt cho Al để giảm bớt khối lượng công việc. Tỷ lệ này trên toàn cầu lần lượt là 49% và 70%.
Cứ 10 người lao động Việt Nam, có 9 người cảm thấy thoải mái khi sử dụng Al không chỉ cho các công việc hành chính (94%) mà còn cho công việc phân tích (94%), thậm chí cả các khía cạnh sáng tạo trong công việc (91%), Tỷ lệ này trên toàn cầu lần lượt là 76%, 79% và 73%.
Lãnh đạo nhiều doanh nghiệp Việt Nam cho rằng Al sẽ mang lại giá trị tại nơi làm việc bằng cách tăng năng suất làm việc hơn là cho rằng AI sẽ thay thế nhân viên; 94% các nhà lãnh đạo doanh nghiệp Việt Nam cho biết nhân viên của mình sẽ cần những kỹ năng mới để chuẩn bị cho sự phát triển của Al.
Từ kết quả trên, bà Nguyễn Quỳnh Trâm, Tổng Giám đốc Microsoft Việt Nam, AI tạo ra một phương thức làm việc hoàn toàn mới. AI nên được xem là trợ lý ảo của con người, giải phóng nhân sự khỏi gánh nặng từ dữ liệu số khổng lồ và thúc đẩy sự đổi mới sáng tạo. Khi bối cảnh công việc đã thay đổi cùng với sự phát triển của AI, con người cũng cần phải thay đổi.
Theo Diễn đàn doanh nghiệp
Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/ai-se-tao-them-nhieu-viec-lam-moi-687494.html