AI trong chiến tranh: Cuộc chạy đua 'thống trị thế giới'
Ông Putin từng nhận định, quốc gia đầu tiên phát triển AI sẽ 'thống trị' thế giới. Gần đây, các cường quốc như Nga, Mỹ và Trung Quốc cũng đều dành sự quan tâm đặc biệt đến công nghệ này, nổi bật là trong quân sự. Tuy nhiên, không ít chuyên gia cảnh báo, AI không phải là công nghệ có thể sử dụng 'vô tội vạ'.
Tiêm kích F/A-18 của Hải quân Mỹ. Ảnh: GDMS
Trong chiến tranh Iraq năm 2003, một tiêm kích F/A-18 của Hải quân Mỹ bị bắn hạ bởi chính tên lửa đất đối không của Mỹ. Khi đó, hệ thống tự động của tên lửa đất đối không Patriot đã xác định nhầm tiêm kích F/A-18 là máy bay địch. Người điều khiển hệ thống Patriot chỉ có vài giây để ra quyết định và lệnh khai hỏa được đưa ra. Chiếc tiêm kích F/A-18 bị bắn hạ và phi công thiệt mạng. Vụ việc này cho thấy cả tiềm năng và rủi ro khi sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong chiến tranh.
AI gần đây nổi lên như một yếu tố mang tính cách mạng, đặc biệt là trong chiến tranh, được các cường quốc rất quan tâm.
Mỹ công bố "Chiến lược Bù đắp lần 3" vào năm 2014, nhằm tìm cách duy trì lợi thế quân sự của nước này thông qua sử dụng các công nghệ quân sự tiên tiến như AI và vũ khí không người lái.
Chiến lược An ninh Quốc gia Mỹ, công bố ngày 12/10/2022, đã liệt kê AI là một trong những công nghệ mà Mỹ và các đồng minh nên thúc đẩy đầu tư và sử dụng.
Năm 2019, Trung Quốc đã công bố chiến lược quân sự mới - Chiến tranh Thông minh hóa - sử dụng AI. Các quan chức quân đội Trung Quốc tuyên bố, họ có thể vượt qua quân đội Mỹ bằng cách sử dụng công nghệ này.
Trong một bài phát biểu trên truyền hình vào tháng 9/2017, Tổng thống Nga Vladimir Putin nhận định, quốc gia đầu tiên phát triển AI sẽ "thống trị" thế giới.
Đã có một cuộc chạy đua để phát triển AI trong quân sự. Tuy nhiên, AI không phải là công nghệ có thể sử dụng "vô tội vạ". Lời cảnh báo nổi tiếng nhất đến từ nhà vật lý người Anh Stephen Hawking: "AI có thể mang đến dấu chấm hết cho nhân loại".
Viện nghiên cứu Hudson (Mỹ) đã có bài bình luận về những lợi thế của việc ứng dụng AI trong quân sự, AI sẽ được sử dụng như thế nào trong chiến tranh tương và AI có thể gây ra cho con người những nguy cơ nào khi được ứng dụng trong chiến tranh.
Lý thuyết tác chiến mạng trung tâm của Mỹ thất bại
Chiến đấu cơ Mỹ trong Chiến tranh vùng Vịnh (1991). Ảnh: Bộ Quốc phòng Mỹ
Nhiều người mô tả Chiến tranh vùng Vịnh năm 1991 là cuộc chiến vũ trụ đầu tiên. Quân đội Mỹ khi đó sử dụng vệ tinh trinh sát, vệ tinh liên lạc và vệ tinh định vị toàn cầu (GPS) để thu thập thông tin chính xác về quân đội Iraq và chia sẻ thông tin thu thập được qua mạng liên lạc. Quân đội Mỹ cũng sử dụng vũ khí dẫn đường chính xác để tấn công quân đội Iraq.
Từ sự kiện đó, các lý thuyết mới về tốc độ ra quyết định được phát triển. Lý thuyết hàng đầu là tác chiến mạng trung tâm (NCW) của sĩ quan Hải quân Mỹ Arthur Cebrowski đưa ra năm 1998. Arthur lập luận, việc kết nối các tổ chức trong quân đội sử dụng công nghệ truyền thông và thông tin cho phép đưa ra quyết định nhanh, từ đó kỳ vọng giành chiến thắng.
Năm 2001, Tổng thống Mỹ George W. Bush bắt đầu hiện thực hóa lý thuyết của Arthur. NCW là lý thuyết cốt lõi cho sự chuyển đổi của quân đội Mỹ vào thời điểm đó. Trong quá trình tái tổ chức, Mỹ can dự vào 2 cuộc chiến ở Afghanistan và Iraq.
Tuy nhiên, trong 2 cuộc chiến nêu trên, NCW không phải lúc nào cũng thành công. Một trong những yếu tố dẫn đến thất bại là tình trạng quá tải thông tin và khả năng xử lý thông tin không đầy đủ.
Trong thời gian 2 cuộc chiến đó diễn ra, các trung tâm chỉ huy quân sự Mỹ đặt tại Qatar và Kuwait đã thu thập lượng lớn thông tin từ vệ tinh, máy bay có người lái, máy bay không người lái (UAV), radar, cảm biến và nhiều đơn vị dã chiến.
Tuy nhiên, thông tin thu thập về các trung tâm chỉ huy Mỹ rất phức tạp, đa dạng, trùng lặp, mơ hồ và không nhất quán. Công nghệ xử lý thời đó chưa có khả năng xử lý các dữ liệu phức tạp như vậy nên bộ chỉ huy quân sự Mỹ không thể tận dụng thông tin thu thập được.
Sau đó, lý thuyết NCW bị “đặt dấu chấm hết” khi ông Bush rời ghế tổng thống, nhưng việc phát triển các giả thuyết nhằm tăng tốc độ ra quyết định vẫn tiếp tục phát triển kể từ đó.
Cải thiện xử lý thông tin
Năm 2021, Bộ Quốc phòng Mỹ được cho là đã phát triển một lý thuyết về "chiến tranh mảnh ghép" (Mosaic Warfare). Cốt lõi của lý thuyết này là khái niệm Chiến tranh lấy Quyết định làm trung tâm (DCW), nhằm đạt ưu thế tương đối về tốc độ ra quyết định. Mục tiêu của lý thuyết này tương tự lý thuyết NCW.
Tuy nhiên, DCW khác biệt đáng kể so với các lý thuyết trước đó ở chỗ nó sử dụng AI và vũ khí không người lái. Bộ Quốc phòng Mỹ cũng đã phát triển hệ thống chỉ huy và điều khiển thống nhất đa miền (JADC2), sử dụng AI xử lý dữ liệu được thu thập bởi một số lượng lớn cảm biến, nhằm hỗ trợ việc ra quyết định của chỉ huy quân đội.
Các hệ thống thu thập thông tin được sử dụng trong chiến tranh hiện đại bao gồm vệ tinh, máy bay có người lái, UAV, radar mặt đất và radar trên biển. Số lượng và sự đa dạng của các hệ thống này ngày càng tăng. Ngoài ra, dữ liệu nguồn mở có thể được thu thập từ Internet và các nguồn khác. Hơn nữa, khối lượng dữ liệu được gửi từ các hệ thống thu thập thông tin kể trên cũng ngày càng phát triển. Ví dụ như độ phân giải của hình ảnh do vệ tinh chụp đã được cải thiện đáng kể.
AI đã có thể giúp xử lý lượng dữ liệu khổng lồ đến từ các hệ thống thu thập thông tin. Ngoài ra, AI còn có thể phát hiện mối tương quan giữa nhiều bộ dữ liệu khác nhau, cho phép phát hiện các thay đổi mà con người không thể nhận ra.
Quân đội Trung Quốc cũng tập trung vào việc cải thiện khả năng xử lý thông tin bằng AI. Năm 2021, Bắc Kinh xây dựng một mạng lưới vũ khí không người lái và cảm biến dưới biển, đồng thời sử dụng AI để xử lý thông tin từ mạng lưới này. Trung Quốc còn được cho là đang xem xét một hình thức tác chiến điện tử mới sử dụng AI để phân tích các tín hiệu radio thu được và tối ưu hóa việc gây nhiễu.
Theo Viện nghiên cứu Hudson (Mỹ), tốc độ ra quyết định là một yếu tố cực kỳ quan trọng trong việc xem ai là người thắng kẻ thua trong một cuộc chiến. Nhiều lý thuyết được phát triển về chủ đề này. Nhìn lại, các cuộc chiến ở Iraq và Afghanistan cho thấy việc thiếu khả năng xử lý lượng lớn thông tin. Giờ đây, AI có thể giải quyết vấn đề đó, giúp việc ra quyết định nhanh chóng trở thành hiện thực.
Sự nguy hiểm của chiến tranh chớp nhoáng
AI không phải công nghệ có thể sử dụng "vô tội vạ". Ảnh minh họa: Tribune India
Với quan điểm cho rằng tốc độ ra quyết định là yếu tố quan trọng nhất quyết định người thắng kẻ thua trong các cuộc chiến, nếu AI được tự xử lý thông tin và tự đưa ra quyết định thì sẽ nhanh hơn rất nhiều so với con người. Ngoài ra, AI không có thành kiến, phán đoán (trực giác, định kiến), nỗi sợ, sự mệt mỏi. Điều đó giúp AI có thể đưa ra quyết định khách quan và chính xác ngay cả trong điều kiện chiến tranh khốc liệt.
Tuy nhiên, một trong những vấn đề khi giao quyền quyết định trong chiến tranh cho AI là nguy cơ xảy ra chiến tranh chớp nhoáng - trong đó, các quyết định quan trọng như khơi mào chiến tranh hoặc phóng tên lửa hạt nhân, được đưa ra và thực hiện ngay lập tức.
Trong giai đoạn 2010-2019, một số nghiên cứu ở Mỹ đã xác định các vấn đề liên quan đến việc AI đưa ra quyết định chiến lược, chẳng hạn như phóng tên lửa hạt nhân. Nhiều nghiên cứu trong số này lập luận rằng việc sử dụng AI làm tăng nguy cơ chiến tranh hạt nhân.
Vì vậy, quan điểm phổ biến ở các nước phương Tây là chỉ nên dùng AI để hỗ trợ việc ra quyết định của con người và con người nên đưa ra quyết định cuối cùng.
Khái niệm Chiến tranh lấy Quyết định làm trung tâm (DCW) của Bộ Quốc phòng Mỹ cũng nêu rõ, vai trò của AI là hỗ trợ việc ra quyết định của con người như tạo ra các kế hoạch và đề xuất với người chỉ huy.
AI có thể tạo ra các kế hoạch tác chiến tốt hơn con người. Một minh chứng cho nhận định này là việc chương trình máy tính AlphaGo đã gây ngạc nhiên khi chơi một nước cờ mà con người chưa bao giờ nghĩ đến. Tương tự, AI cũng có thể tạo ra các kế hoạch mới lạ mà con người không tính tới. Tuy nhiên, con người phải phê duyệt các kế hoạch đó.
AI cũng có thể dự đoán trước các lỗi của vũ khí và đề xuất các đơn vị bảo trì thực hiện bảo trì vào thời điểm tối ưu. Hơn nữa, AI có thể tính toán trước lượng vật tư cần thiết cho các đơn vị bảo trì và đề xuất số lượng vật tư cũng như kế hoạch vận chuyển tối ưu cho các đơn vị cung ứng và vận tải.
AI chi phối việc ra quyết định của con người
Quyết định của con người có thể bị AI chi phối. Ảnh: SDE
Ngay cả khi vai trò của AI được giới hạn trong việc hỗ trợ con người đưa ra quyết định và con người đưa ra quyết định cuối cùng, vẫn tồn tại nguy cơ phán đoán của con người bị AI chi phối.
Nhiều nghiên cứu trích dẫn vụ tiêm kích F/A-18 của Hải quân Mỹ bị một đơn vị tên lửa đất đối không của Mỹ bắn rơi trong chiến tranh Iraq năm 2003. Trong vụ việc đó, hệ thống tự động của tên lửa đất đối không Patriot đã xác định nhầm tiêm kích F/A-18 của Hải quân Mỹ là máy bay địch. Người điều khiển hệ thống tên lửa phải ra quyết định trong vài giây và đã bắn hạ tiêm kích theo chỉ dẫn của hệ thống tự động, khiến tiêm kích F/A-18 bị bắn hạ và phi công thiệt mạng.
Trường hợp này cho thấy, trong tình thế chiến đấu căng thẳng và thời gian ngắn ngủi để ra quyết định, con người buộc phải dựa vào khả năng phán đoán của máy móc. Một số nhà tâm lý học đã chứng minh, khi niềm tin vào máy móc tăng lên, con người sẽ tin tưởng máy móc ngay cả khi có bằng chứng cho thấy phán đoán của máy móc là sai.
Tóm lại, việc trao quyền quyết định cho AI sẽ giúp giảm thời gian cần thiết cho việc ra quyết định và sẽ có những quyết định khách quan, không bị ảnh hưởng bởi cảm xúc như con người. Tuy nhiên, việc này cũng tiềm ẩn rủi ro cao với nguy cơ từ các cuộc chiến tranh chớp nhoáng và việc AI chi phối quyết định của con người.
AI hay trí thông minh của con người sẽ quyết định chiến tranh trong tương lai?
Không ít nhà khoa học nổi tiếng cảnh báo về tính 2 mặt của AI. Ảnh minh họa: Adobe Stock
Trong khi các vũ khí thông thường giúp con người tăng sức mạnh thể chất thì AI giúp tăng sức mạnh trí não và tăng cường khía cạnh quan trọng nhất của chiến tranh - ra quyết định nhanh.
Nhiều chiến lược gia lập luận rằng, đặc điểm của chiến tranh thay đổi theo tiến bộ công nghệ, nhưng bản chất của chiến tranh không thay đổi. Ví dụ, lý thuyết của nhà lý luận quân sự Nga Carl von Clausewitz cho rằng, chiến tranh là cuộc đấu trí của cả 2 bên và sự tồn tại của "sương mù chiến tranh" (ám chỉ sự thiếu thông tin, những điều không chắc chắn, sự trùng hợp ngẫu nhiên và một số cảm xúc của con người) là không thay đổi.
Tuy nhiên, một số nhà lý luận quân sự cho rằng, "sương mù chiến tranh" sẽ bị khoa học và công nghệ thay đổi. Khi AI xuất hiện và được ứng dụng vào thực tế, lập luận của các nhà lý luận quân sự này càng được củng cố. AI có thể xử lý số lượng lớn thông tin trong thời gian ngắn, đồng thời nó không bị ảnh hưởng bởi cảm xúc như con người.
Những lợi ích đó dường như có thể xóa bỏ "sương mù chiến tranh". Nhưng viện nghiên cứu Hudson (Mỹ) cho rằng, chính AI có thể là nguồn gốc của một loại "sương mù chiến tranh" mới. Sự nguy hiểm của chiến tranh chớp nhoáng, việc AI chi phối quyết định của con người và vũ khí không người lái tự động di chuyển mang đến những bất ổn và tình huống mới trong chiến tranh.
Vì vậy, miễn là con người còn gây chiến thì các yếu tố phát sinh từ bản chất con người sẽ không thay đổi và bản chất của chiến tranh cũng không thay đổi.
Cơ sở cho cuộc tranh luận trên là vấn đề liệu khoa học và công nghệ hay trí tuệ con người sẽ quyết định tương lai. Năm 1870, quân Phổ đánh bại quân Pháp bằng đường sắt dù người Pháp vượt trội hơn cả về quân số lẫn hệ thống đường sắt. Năm 1940, người Pháp một lần nữa nhận thất bại trước đối thủ bằng xe tăng khi nắm lợi thế hơn về loại vũ khí này.
Như vậy, trong lịch sử, không phải sự vượt trội của khoa học và công nghệ mà chính là trí tuệ con người mới quyết định thắng thua trong cuộc chiến. Theo viện Hudson, chiến tranh trong tương lai có thể được quyết định không chỉ bởi AI mà còn bởi trí thông minh và sự sáng tạo của con người.
Trí tuệ nhân tạo (AI) là công nghệ cho phép máy tính và máy móc mô phỏng trí thông minh và khả năng giải quyết vấn đề của con người.
Theo trang Tableau, khái niệm AI ra đời vào khoảng thời gian 1950-1956. Năm 1950, nhà khoa học Anh Alan Turing xuất bản tác phẩm "Máy tính và trí thông minh", đề xuất một bài kiểm tra trí thông minh của máy móc.
6 năm sau, nhà khoa học máy tính người Mỹ John McCarthy tổ chức một hội thảo về AI. Đó là lần đầu tiên cụm từ trí tuệ nhân tạo được sử dụng và sau đó trở nên phổ biến.
Theo trang Medium Blogger about Artificial Intelligence, một trong những trường hợp sớm nhất được biết đến về việc sử dụng AI trong chiến tranh là ở Thế chiến II. Khi đó, quân đội Anh phát triển xe tăng "tự động" được trang bị dạng AI "sơ khai", cho phép xe tăng điều hướng ở nhiều địa hình và tránh chướng ngại vật mà không cần sự can thiệp của con người.
-------------------------------
Bài tiếp theo, đăng ngày 19/5, sẽ nói về động lực của Nga trong việc đầu tư vào AI, cách tiếp cận và các lĩnh vực ưu tiên, từ đó cố gắng có một cái nhìn sâu hơn về chiến lược AI của Nga.