AI và áp lực cho nghề báo
Chat GPT đang là từ khóa gây sốt trong những ngày qua. Đã có không ít người thử tìm hiểu, sử dụng các ứng dụng sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) kiểu này với nhiều ví dụ khá hài hước được chia sẻ trên mạng xã hội. Nhưng cũng bắt đầu có những quan điểm cho rằng AI sẽ dần thay thế nhiều ngành nghề trong xã hội, đặc biệt là nghề báo.
Vậy thì thực sự có hay không chuyện áp lực cạnh tranh từ AI sẽ khiến nghề báo sau này không còn dành cho con người nữa và chỉ là việc đơn thuần của máy tính?
Trước tiên, cần hiểu các ứng dụng Chat GPT vận hành trên cơ chế nào. Người sử dụng đưa một yêu cầu và Chat GPT sẽ có câu trả lời tức khắc trên các dữ kiện mà nó thu thập được. Ví dụ, nếu bạn gõ “viết 1 bài báo 600 chữ về AI”, một ứng dụng Chat GPT sẽ mất không quá nhiều thời gian để trả bài. Bài viết có thể chưa được trơn tru về ngôn ngữ (như cách lựa chọn từ ngữ, các biện pháp tu từ) nhưng sau khi được chỉnh sửa, biên tập bởi con người, nó hoàn toàn có thể là một bài báo sạch nước cản. Còn chất lượng bài báo ấy có đăng tải được hay không thì tùy thuộc vào năng lực cũng như lương tâm của người biên tập tòa soạn.
Và bản chất của AI trong các ứng dụng Chat GPT chính là “khả năng tự học của máy tính” (tiếng Anh dùng thuật ngữ machine learning). Khả năng này được hình thành từ chính quá trình máy tính thu lượm được các ví dụ do chính con người đăng tải lên mạng. Ví dụ, ở thời điểm tháng 2/2023 này, để viết một bài bằng tiếng Việt, Chat GPT có thể dùng một vài từ còn ngây ngô nhưng chỉ sau 1 năm, nó sẽ không mắc các lỗi ấy nữa nhờ vào quá trình thu lượm cách dùng từ của rất nhiều người vẫn hàng ngày đăng tải nội dung của mình lên mạng. Có thể nói, đây chính là tiến trình trưởng thành hàng ngày của AI và viễn cảnh một ngày AI có sự hoàn thiện đến mức độ có thể sử dụng thành thạo ngôn ngữ hơn một người có năng lực ngôn ngữ thuộc diện khá trong xã hội, nó sẽ thay thế được con người.
Nhưng chắc chắn, dù có hoàn thiện đến mấy, AI cũng không thể thay thế được các nhà báo. Cơ bản, việc viết lách của AI hoàn toàn dựa trên cơ sở thu thập dữ kiện trên mạng và tổng hợp lại để đưa vào bài viết. Vấn đề nằm ở chính điểm này. Câu hỏi đặt ra là tính chân xác của dữ kiện ấy là như thế nào? Việc xác minh nguồn thông tin, kiểm tra đối chứng dữ liệu vẫn là chuyện của con người, với hai chân phải đi, não bộ phải hoạt động, mắt phải quan sát, đọc và miệng phải đặt ra các câu hỏi dành cho những nhân chứng, những con người liên quan. Do đó, một ứng dụng Chat GPT chỉ có thể đưa ra một bài viết theo dạng “trả bài tập làm văn” mà thôi. Nó không thể làm thay công việc đầy vất vả và khó khăn mà các nhà báo vẫn làm cả trăm năm nay. Đó là còn chưa kể tới năng lực phát hiện đề tài. Đây là thứ mà chỉ có con người, với cảm xúc và mối quan tâm mới có thể làm được mà thôi.
Nhưng với sự xuất hiện của AI, nghề báo chắc chắn có thách thức lớn, áp lực lớn. Đó chính là nguy cơ xuất hiện các bài viết mà AI sẽ sử dụng nhiều dữ liệu là tin giả (fake news) và gây ra các hỗn loạn xã hội. Trước áp lực này, cái cần nhất chính là lương tâm của những người làm công tác tòa soạn. Nếu cố tình, hoặc lười biếng mà tận dụng AI, hoàn toàn họ có thể tung ra những bài báo gây ảnh hưởng vô cùng tiêu cực lên xã hội. Áp lực này mới là thứ đáng quan tâm nhất chứ không phải nỗi lo sợ bị thay thế vốn dĩ rất mơ hồ.
Nguồn VNCA: https://vnca.cand.com.vn/dien-dan-van-nghe-cong-an/ai-va-ap-luc-cho-nghe-bao-i682869/