AI và dữ liệu lớn là nền tảng chiến lược cho đô thị thông minh

Ứng dụng tiến bộ của trí tuệ nhân tạo (AI) và dữ liệu lớn vào quản lý, vận hành bộ máy Nhà nước được coi là nền tảng chiến lược phát triển đô thị thông minh.

Ứng dụng AI trong Giao thông thông minh

Những năm gần đây, cơ quan quản lý nhà nước bắt đầu áp dụng công nghệ AI giúp xử lý các công việc, điển hình là hệ thống điều khiển, xử phạt vi phạm giao thông và mô hình này chứng tỏ hiệu quả rõ rệt.

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh tham quan một gian hàng công nghệ tại hội nghị.

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh tham quan một gian hàng công nghệ tại hội nghị.

AI hỗ trợ phát hiện, phân loại, đo đếm phương tiện tham gia giao thông; nhận diện biển số xe, hoặc đặc trưng của các phương tiện như màu sắc, thương hiệu, dòng xe; giám sát, xác định vi phạm. AI có thể tự động phát hiện các hành vi vi phạm giao thông như: vượt đèn đỏ, đi ngược chiều, đi sai làn, dừng đỗ sai quy định... từ đó giúp cơ quan chức năng đưa ra quyết định xử phạt.

Ứng dụng AI, cơ quan chức năng có thể giám sát hành trình, hay truy vết phương tiện. Bên cạnh đó, AI cũng giúp phát triển hệ thống điều khiển đèn giao thông thích ứng. Từ các camera lắp đặt trên các tuyến đường, cơ quan chức năng có thể nắm được cụ thể phương tiện nào đi lấn làn, khu vực nào đang ùn tắc từ đó điều chỉnh hệ thống đèn tín hiệu.

Thông qua camera hành trình lắp đặt trên xe bus, AI xử lý dữ liệu qua đó giúp các phương tiện tự động phát hiện ổ gà, nắp cống sụt. Lưu thông tin tọa độ, hình ảnh, giúp cơ quan quản lý khắc phục chất lượng hạ tầng giao thông như mặt đường; biển báo hư hỏng, hay phát hiện vi phạm hành lang an toàn giao thông...

Cùng với hệ thống giao thông, AI đang được ứng dụng ở nhiều lĩnh vực khác như quy hoạch đô thị, hoặc quản trị điều hành giúp quản lý trật tự xây dựng, quản lý tài sản trên đất hay hỗ trợ cán bộ công chức trong các công việc hàng ngày.

Những tiện ích trên một phần trong nhiều lĩnh vực mà Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel) chia sẻ tại Hội nghị Thành phố thông minh Việt Nam - châu Á 2024 do Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội phối hợp với Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ Công nghệ thông tin Việt Nam (Vinasa) tổ chức hôm nay (2/12).

Sự hài lòng của người dân là thước đo đô thị thông minh

"Hội nghị Thành phố Thông minh Việt Nam - châu Á 2024" không chỉ là một sự kiện quan trọng hưởng ứng ngày Chuyển đổi số quốc gia năm 2024, mà còn là diễn đàn lớn để Hà Nội và các địa phương khác tại Việt Nam và quốc tế cùng thảo luận, trao đổi kinh nghiệm, chia sẻ các giải pháp chuyển đổi số và tăng cường hợp tác trong lĩnh vực công nghệ, hướng đến một tương lai đô thị thông minh, hiện đại, phát triển bền vững", phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Hà Minh Hải cho biết trong lễ khai mạc sự kiện tổ chức tại Trung tâm hội nghị Quốc gia.

Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Hà Minh Hải.

Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Hà Minh Hải.

Thống kê sơ bộ, đến tháng 12/2023, cả nước có 902 đô thị với tỷ lệ đô thị hóa đạt khoảng 42,7%. Tỷ lệ đô thị hóa ngang tầm của Châu Á. Kinh tế đô thị đóng góp khoảng 70% GDP cả nước. Một bài toán lớn đang đặt ra là làm thế nào để tìm kiếm những động lực phát triển mới trong sự biến động không ngừng của kinh tế, xã hội và công nghệ...

Theo các chuyên gia, chỉ có Kinh tế số - Kinh tế xanh và Công nghệ mới có thể là câu trả lời. Trong đó, Kinh tế số đòi hỏi thúc đẩy chuyển đổi số các ngành kinh tế truyền thống; Kinh tế xanh là sự phát triển bền vững hướng tới môi trường và văn hóa.

Với chủ đề "Thành phố thông minh - Kinh tế số - Phát triển bền vững", hội nghị lần này không chỉ gắn với ba mục tiêu chiến lược mà còn phản ánh những trụ cột chính của tầm nhìn chiến lược "tầm nhìn mới, tư duy mới toàn cầu" trong phát triển của Thủ đô Hà Nội cũng như các địa phương trong khu vực.

"Ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào quản lý, hỗ trợ cán bộ, công chức giải quyết các thủ tục hành chính đang được thúc đẩy mạnh mẽ và sự hài lòng của người dân chính là thước đo đối với đô thị thông minh", ông Hải nhấn mạnh tại phiên tọa đàm về "Thành phố thông minh - Kinh tế số - Phát triển bền vững".

Hà Nội ưu tiên số 1 là đầu tư giao thông đô thị

Tại hội nghị, Thành phố Hà Nội đã chia sẻ đề án "Xây dựng thành phố Hà Nội thông minh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030" với các mục tiêu phát triển Thủ đô hài hòa, theo hướng "Văn hiến - Văn minh - Xanh - Thông minh - Hiện đại" vững bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Nhanh chóng hoàn thiện các cơ chế chính sách, kết hợp quy hoạch, quy chế và quy chuẩn trong xây dựng thành phố thông minh bền vững, xây dựng nền tảng chính quyền số minh bạch, hiệu quả.

Hà Nội hướng đến mục tiêu "Thành phố thông minh - Kinh tế số - Phát triển bền vững".

Hà Nội hướng đến mục tiêu "Thành phố thông minh - Kinh tế số - Phát triển bền vững".

Theo ông Nguyễn Việt Hùng - Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội, Thủ đô sẽ ưu tiên đầu tư 3 lĩnh vực là giao thông đô thị; bảo tồn và phát triển di sản, văn hóa và du lịch; và bảo vệ môi trường nước, không khí. Hà Nội cũng ban hành chiến lược dữ liệu thành phố Hà Nội với quan điểm: Lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm; Dữ liệu là nguồn tài nguyên mới, tạo ra giá trị mới thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội; Xây dựng nền hành chính chủ động tương tác với người dân, doanh nghiệp.

Dự kiến, ngày 6/12, Hà Nội sẽ khai trương Trung tâm dữ liệu tại Khu Công nghệ cao Hòa Lạc với cách tiếp cận hợp tác công tư, sử dụng dịch vụ điện toán đám mây để vừa tăng cường hiệu quả và tối ưu chi phí đầu tư. Đây là Trung tâm dữ liệu của thành phố đầu tiên trên cả nước áp dụng mô hình này.

Thành phố thông minh là một trong những xu thế phát triển chủ đạo của các đô thị trên thế giới. Là một trong những quốc gia đón đầu xu hướng đó, Việt Nam đang có nhiều chuyển biến tích cực cả về chính sách, môi trường đầu tư lẫn việc nghiên cứu, triển khai và ứng dụng thực tế tại các tỉnh, thành.

Tính đến nay, đã có 48/63 tỉnh, thành phố tại Việt Nam đã triển khai các đề án thành phố thông minh trong đó: 14/48 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đã phê duyệt đề án phát triển đô thị thông minh trước thời điểm ban hành Đề án 950; 20/48 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương phê duyệt đề án sau thời điểm ban hành Đề án 950; 16/48 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đang triển khai lập đề án.

Đức Bình

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/ai-va-du-lieu-lon-la-nen-tang-chien-luoc-cho-do-thi-thong-minh-192241202193003942.htm