AI 'xâm chiếm' Trung Quốc

Giới lãnh đạo Trung Quốc coi trí tuệ nhân tạo (AI) là chìa khóa nâng cao sức mạnh quân sự, đồng thời giải quyết các vấn đề do lực lượng lao động suy giảm.

Vào một buổi chiều mù sương tại Công viên Trung tâm Thâm Quyến, nhóm thiếu niên đang trú mưa dưới mái hiên. Họ dán mắt vào điện thoại thông minh và cười nói, hát hò vui vẻ. Bầu không khí bất ngờ bị gián đoạn bởi một tiếng động.

Cách buổi karaoke ngẫu hứng ngoài trời vài mét là “tủ thả đồ trên không” do Meituan - nền tảng giao đồ ăn lớn nhất Trung Quốc - điều hành. Với 40 tủ lắp đặt khắp Thâm Quyến, những người đi dạo công viên có thể đặt bất cứ món ăn nào, từ mì gạo tới trà sữa.

Chiếc máy bay không người lái chở đầy hàng hóa lấy từ một trung tâm mua sắm cách đó chưa đầy 3 km bay lơ lửng trên tủ đồ một lúc, sau đó đặt hàng vào hộp kín. Người mua hàng mở hộp bằng cách nhập số điện thoại. Bữa tối tới tay khách hàng mà không cần người nào xuất hiện.

Theo Guardian, máy bay không người lái chỉ là phần nhỏ trong ngành công nghiệp robot và trí tuệ nhân tạo mà Trung Quốc mong muốn mở rộng trong năm 2025. Tham vọng này xuất hiện trong bối cảnh Trung Quốc đối mặt nhiều thách thức, từ khủng hoảng nhân khẩu học tới chiến tranh thương mại với Mỹ.

Do đó, Bắc Kinh đang tăng gấp đôi đầu tư vào các ngành công nghiệp tiềm năng. Giới lãnh đạo coi trí tuệ nhân tạo là chìa khóa để nâng cao sức mạnh quân sự, giải quyết lực lượng lao động suy giảm và thúc đẩy tự hào dân tộc.

Lạc quan

Ngoài máy bay không người lái, robot hình người đặc biệt được ưa chuộng tại Trung Quốc. Điểm nhấn của lễ hội mừng xuân năm nay là màn biểu diễn của nhóm robot hình người do công ty Unitree chế tạo. Hôm 19/4, cuộc đua bán marathon đầu tiên giữa người và robot được tổ chức tại ngoại ô thủ đô Bắc Kinh.

“Việc áp dụng trí tuệ nhân tạo vào robot phát triển mạnh vào năm 2024”, Rui Ma - nhà phân tích công nghệ và đầu tư Trung Quốc - nhận định. Sự thay đổi này cho phép ngành công nghiệp AI và robot cải thiện hơn nữa vào năm 2025.

Ngoài ra, đào tạo robot học hỏi từ kinh nghiệm thay vì dựa vào các mô hình cứng nhắc cũng đẩy nhanh quá trình đổi mới. Ví dụ, chó robot đã trở thành một phần trong cuộc sống hàng ngày ở Trung Quốc. Tại khu chợ Nghĩa Ô thuộc tỉnh Chiết Giang, đứa trẻ chơi với chó robot trong khi mẹ mặc cả với người bán hàng. Trên đường phố Thượng Hải, phụ nữ dắt chó robot với giỏ hàng trên lưng đi dạo.

Máy bay không người lái giao hàng tại Thâm Quyến. Ảnh: Guardian.

Máy bay không người lái giao hàng tại Thâm Quyến. Ảnh: Guardian.

Sự phát triển của ngành công nghiệp robot có quan hệ mật thiết với những tiến bộ về AI. Suốt nhiều năm, Trung Quốc đã tìm cách bắt kịp Mỹ. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhấn mạnh cần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế thông qua "lực lượng sản xuất chất lượng mới", một khái niệm gồm các công nghệ tiên tiến.

Có những ý kiến lo ngại vị thế dẫn đầu của Mỹ đang dần thu hẹp. Công cụ chính trong kho vũ khí của Washington là kiểm soát các bộ phận quan trọng trong chuỗi cung ứng chất bán dẫn, vi mạch đào tạo mô hình AI tiên tiến.

Song hồi tháng 1 vừa qua, DeepSeek đã làm bùng nổ giới công nghệ khi phát hành mô hình lý luận ngôn ngữ lớn (LLM), R1, hoạt động hiệu quả ngang các đối thủ Mỹ trong khi giá chỉ bằng phần nhỏ. Sự ra đời của DeepSeek khiến thị trường chứng khoán Mỹ chao đảo do giới đầu tư lo ngại về vị trí dẫn đầu của Mỹ trong cuộc đua công nghệ.

Kể từ đó, ngành công nghiệp AI của Trung Quốc tràn ngập sự lạc quan. Theo ông Ma, chính phủ quảng bá DeepSeek như hình mẫu cho sự tăng trưởng bền vững, lâu dài của Trung Quốc và giờ đây, công chúng cũng bắt đầu tin vào điều đó.

Đặt công nghệ lên hàng đầu

Chuỗi cung ứng robot được chia thành ba lĩnh vực: não bộ, cơ thể và ứng dụng công nghệ vào thế giới thực. Trung Quốc từ lâu tự tin vào hai lĩnh vực sau, khi chuỗi cung ứng tiên tiến trong các ngành công nghiệp công nghệ cao như xe điện và máy bay không người lái tự động chứng minh Bắc Kinh có khả năng sản xuất các thành phần công nghiệp ở quy mô lớn và lắp ráp chúng thành hàng hóa phức tạp. Tuy nhiên, phần khó nhất chính là tạo ra não robot học các hành vi và chuyển động giống con người. Điều này đòi hỏi AI tinh vi.

Mô hình R1 của DeepSeek thay đổi cuộc chơi, mở đường cho các công ty robot hình người trong nước bắt kịp đối thủ cạnh tranh nước ngoài. Tuy nhiên, mọi mô hình AI đều đòi hỏi rất nhiều dữ liệu đào tạo. Trong khi LLM được ứng dụng trong chatbot khai thác nội dung trên Internet, thông tin cho các mô hình AI robot - như cách di chuyển vật lý trong không gian và tương tác với vật thể hoặc con người - lại tương đối khan hiếm.

 Robot hình người đặc biệt được ưa chuộng tại Trung Quốc. Ảnh: Tân Hoa Xã/REX/Shutterstock.

Robot hình người đặc biệt được ưa chuộng tại Trung Quốc. Ảnh: Tân Hoa Xã/REX/Shutterstock.

Với xe tự hành - một lĩnh vực trọng tâm khác của Trung Quốc, ôtô cần có khả năng điều hướng qua sáu trục hay “bậc tự do”: tiến và lùi, trái và phải, lên và xuống, và quay vòng giữa các vị trí này. Robot cũng vậy, như máy bay không người lái giao đồ ăn của Meituan. Để robot hình người bắt chước con người trong các hoạt động hàng ngày, như nấu ăn, cần tới 60 “bậc tự do”.

Robot không cần hoàn toàn giống người mới hữu ích. Robot có bánh xe hoặc robot hình người có chuyển động hạn chế vẫn đảm nhiệm được các nhiệm vụ nguy hiểm hoặc lặp đi lặp lại trong nhà máy. UBTech, công ty có trụ sở tại Thâm Quyến, đã cung cấp robot hình người cho các nhà máy sản xuất ôtô. Với lực lượng lao động đang dần thu hẹp, Trung Quốc muốn tự động hóa xuất hiện mọi lúc mọi nơi.

Diễn đàn Boao châu Á hồi tháng 3 vừa qua giới thiệu món jianbing - loại bánh kếp mặn đặc trưng trên đường phố Trung Quốc - được làm bằng cánh tay robot. Các công viên ở Bắc Kinh tăng cường khả năng giám sát bằng cách gắn camera vào xe tự hành chạy dọc theo lối đi.

“Robot không thay thế được phần lớn lực lượng lao động”, Amber Zhang - giám đốc sản phẩm tại BigOne Lab, công ty tình báo dữ liệu có trụ sở tại Bắc Kinh - cho biết. “Ví dụ, có bao nhiêu tài xế đang bị thay thế bởi taxi robot?”.

Tại một số thành phố, công ty công nghệ Baidu vận hành đội xe taxi tự hành, được gọi là Apollo Go hay robotaxi. Tuy nhiên, gần đây, khi phóng viên Gurardian gọi xe tại Thâm Quyến, robotaxi chỉ hoạt động tại một số quận và phải đợi tới 20 phút. Sau cùng, phóng viên không gọi được robotaxi vì ứng dụng không tìm được xe. Taxi truyền thống xuất hiện chỉ sau 4 phút.

Tuy nhiên, không thể phủ nhận động lực đã thay đổi. Khi nhiều lĩnh vực khác đang gặp khó - như xuất khẩu chịu áp lực từ thuế quan, nhu cầu của người tiêu dùng còn yếu, Trung Quốc muốn ủng hộ một lĩnh vực có tiềm năng. “Hiện tại, bất động sản không còn là nguồn thu nhập của nhiều địa phương nữa, họ chuyển sang thu hút các công ty và hỗ trợ doanh nghiệp”, ông Zhang nói.

Trí Ân

Nguồn Znews: https://znews.vn/ai-xam-chiem-trung-quoc-post1547670.html