Ai xử phạt hành vi sử dụng đèn quá sáng gây ảnh hưởng người đi đường?
Tại chương trình 'Dân hỏi - Chính quyền trả lời' ngày 13/4, TP.HCM thông tin về việc xử lý hành vi dùng đèn quá sáng gây nguy hiểm giao thông. Sở Giao thông Công chánh cũng báo cáo về tiến độ phát triển hệ thống chiếu sáng đô thị, với mục tiêu thông minh vào 2030.
Ông Võ Khánh Hưng, Phó Giám đốc Sở Giao thông Công chánh TP.HCM, cho biết TP đã đạt mục tiêu cơ bản về hệ thống chiếu sáng công cộng, đảm bảo 100% chiếu sáng đô thị và ngầm hóa 34% cáp.
Tuy nhiên, công tác đầu tư còn phụ thuộc vào kế hoạch công, vấn nạn mất cắp và các quy định về chuyển đổi đèn dân lập, đèn năng lượng mặt trời vẫn là thách thức.
Về nhiều ý kiến của cử tri phản ánh tình trạng nhiều hàng quán, cửa hàng kinh doanh sử dụng đèn công suất lớn, đèn LED chiếu xuống đường quá sáng, gây mất tập trung cho người tham gia giao thông, ông Võ Khánh Hưng, cho biết Sở Văn hóa và Thể thao cấp phép quảng cáo LED, nhưng nếu vi phạm về thời gian và độ sáng, các đơn vị như Thanh tra Sở Giao thông Vận tải hoặc lực lượng địa phương có thể xử lý.

Ông Võ Khánh Hưng, Phó Giám đốc Sở Giao thông công chánh TP.HCM
Về tiến độ chuyển đổi đèn dân lập sang chiếu sáng chính quy, ông Lê Văn Tấn, Phó Giám đốc Trung tâm Quản lý Hạ tầng Kỹ thuật TP.HCM, cho biết, TP đã giao nhiệm vụ cụ thể cho Trung tâm Quản lý Hạ tầng Kỹ thuật, UBND các quận, huyện và TP.Thủ Đức để triển khai công tác này ở nhiều khu vực.
Ông nhấn mạnh, TP.HCM đặt mục tiêu đến năm 2030 cơ bản sẽ hoàn thành việc chuyển đổi đèn dân lập sang đèn chính quy. Sau khi cải tạo xong, việc bảo trì, duy tu và sửa chữa sẽ được phân cấp quản lý để đảm bảo an toàn về điện.
Kết luận chương trình, Thường trực HĐND TP.HCM đề nghị các cơ quan tiếp tục triển khai các giải pháp để nâng cao chất lượng, hiệu quả của hệ thống chiếu sáng đô thị.
Trong đó, tập trung vào các nhiệm vụ như: Cải tạo, chuyển đổi đèn dân lập, hạ ngầm đường dây, nâng cấp hệ thống điều khiển tự động, đầu tư chiếu sáng nghệ thuật cho các công trình văn hóa, lịch sử.
Tiếp tục tuyên truyền, vận động người dân sử dụng điện chiếu sáng an toàn và tiết kiệm. Đồng thời, công an và chính quyền địa phương cần tăng cường tuần tra, kiểm soát để khắc phục vấn nạn ăn cắp cáp, dây điện.
Cần có quy định, hướng dẫn quản lý về sử dụng đèn năng lượng mặt trời. Tiếp tục đẩy mạnh việc chuyển đổi từ đèn dân lập sang đèn chiếu sáng đô thị, đặc biệt ở các khu vực ngoại thành. Cải thiện hệ thống chiếu sáng tại các công viên, hầm đi bộ để đảm bảo an toàn và mỹ quan.
Hệ thống chiếu sáng đô thị TP.HCM hiện có 222.000 bộ đèn (38% LED), gần 8.300 tủ điều khiển (hơn nửa kết nối được) và 6,4 triệu m2 cáp (34% ngầm hóa).
TP.HCM đang triển khai chương trình 2020-2030 xây dựng hệ thống chiếu sáng đô thị thông minh, tiết kiệm và mang bản sắc riêng.