Hà Nội đầu tư 740 tỷ xây dựng nhà máy xử lý nước thải tại quận Hà Đông
Với mục tiêu xây dựng hệ thống thoát nước thải riêng hoàn toàn cho khu vực quận Hà Đông, Hà Nội quyết định đầu tư 740 tỷ đồng xây dựng hệ thống thu gom và nhà máy xử lý nước thải Kiến Hưng, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội.
Ngày 14/4, UBND thành phố Hà Nội ban hành quyết định phê duyệt dự án Đầu tư xây dựng hệ thống thu gom và nhà máy xử lý nước thải Kiến Hưng, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội.
Theo quyết định này, hướng tuyến công trình được triển khai trên cơ sở Quy hoạch thoát nước Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; Quy hoạch phân khu đô thị S4, GS tỷ lệ 1/5.000 được UBND thành phố phê duyệt; Quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 khu đô thị mới Bắc Lãm; khu công viên văn hóa - vui chơi giải trí, thể thao Hà Đông được UBND Thành phố phê duyệt; Quy hoạch tổng mặt bằng, tỷ lệ 1/500 Nhà máy xử lý nước thải thuộc Dự án đầu tư xây dựng hệ thống thu gom nhà máy xử lý nước thải Kiến Hưng được Sở Quy hoạch - Kiến trúc phê duyệt.

Ảnh minh họa
Mục tiêu dự án là cụ thể hóa các nội dung dự kiến đầu tư của quy hoạch thoát nước Hà Nội và Quy hoạch phân khu S4 tại khu vực hiện có nguồn nước thải bị ô nhiễm; xây dựng hệ thống xử lý nước thải đồng bộ cho các phường lưu vực Phú Lương, bao gồm: Hệ thống mạng lưới đường cống chính, giếng tràn, tuyến cống bao, trạm xử lý nước thải tập trung để làm cơ sở xây dựng hệ thống thoát nước thải riêng hoàn toàn; đầu tư công nghệ tiên tiến, hiện đại đảm bảo nước thải thu gom được xử lý đạt yêu cầu trước khi xả thải ra môi trường.
UBND thành phố Hà Nội giao Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật và nông nghiệp làm chủ đầu tư với tổng mức đầu tư dự kiến gần 740 tỷ đồng, thực hiện năm 2024 - 2027. Dự án thuộc công trình hạ tầng kỹ thuật nhóm B, cấp I và thời hạn sử dụng không nhỏ hơn 50 năm.
Chủ đầu tư chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chuẩn xác của khối lượng, kinh phí; kết quả tính toán kết cấu và tính hợp pháp của hồ sơ trình phê duyệt; năng lực của các tổ chức, cá nhân thực hiện khảo sát, lập dự án. Chịu trách nhiệm nghiên cứu, rà soát hệ thống hạ tầng kỹ thuật khu vực, cập nhật phương án đấu nối hạ tầng kỹ thuật đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả, tối ưu về kinh tế - kỹ thuật, đảm bảo khả năng vận hành đồng bộ giữa hạ tầng kỹ thuật trong và ngoài dự án.