AirAsia muốn buông Việt Nam, thị trường hàng không đã hết hấp dẫn?
Những tưởng sau Jetstar Pacific Airlines, Việt Nam sẽ có thêm một hãng hàng không liên doanh giữa AirAsia và doanh nghiệp nội, tuy nhiên, ông lớn Malaysia đã quyết định bỏ cuộc.
Năm 2007, Qantas mua lại 30% cổ phần của Pacific Airlines và thành lập hãng hàng không liên doanh đầu tiên của hàng không Việt Nam. Cú bắt tay giữa hai bên đã mang thương hiệu Jetstar tới Việt Nam, giúp hành khách có thêm một lựa chọn bay liên doanh bài bản.
Trong nhiều năm sau đó, AirAsia đã liên tục thể hiện tham vọng thành lập một hãng bay liên doanh mang thương hiệu của hãng, nhưng đã có dấu hiệu nản lòng sau 3 phen bất thành.
AirAsia "nản lòng" sau 14 năm
Hãng bay giá rẻ đến từ Malaysia nhập cuộc không hề muộn so với Qantas. Cũng trong năm 2007, khi hãng bay từ Australia ngỏ lời mua cổ phần của Pacific Airlines, hãng đã phải cạnh tranh suất mua này với chính AirAsia.
Mất 30% cổ phần Pacific Airlines vào tay Qantas, Airasia ngay lập tức chuyển hướng sang đàm phán với Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy (Vinashin). Hai bên khi đó đạt thỏa thuận với việc AirAsia chịu trách nhiệm khai thác bay, góp 30% vốn còn Vinashin sẽ chuẩn bị thủ tục xin cấp phép bay.
Tuy nhiên, Chính phủ thời điểm đó không có chủ trương cấp phép thành lập hãng hàng không mới, nhất là hãng bay có vốn đầu tư nước ngoài. Liên doanh này nhanh chóng tan vỡ.
Năm 2010, AirAsia thử sức lần hai với đề nghị liên doanh cùng Vietjet Air ra mắt thương hiệu Vietjet AirAsia. Tuy nhiên, Cục Hàng không khi đó khuyến nghị Vietjet Air phải có thương hiệu riêng, không gây nhầm lẫn với bất kỳ hãng hàng không nào khác, nhất là hãng hàng không nước ngoài. AirAsia sau đó buộc phải thoái vốn khỏi liên doanh với Vietjet Air.
Thất bại năm 2019 khi liên doanh với Thiên Minh Group tan vỡ khiến lãnh đạo AirAsia buộc phải nhìn nhận lại chiến lược gia nhập thị trường Việt Nam. 14 năm không thể đưa thương hiệu AirAsia cất cánh tại Việt Nam dường như đã làm ông lớn từ Malaysia nản lòng.
Chia sẻ với Nikkei, CEO của AirAsia ông Tony Fernandes tiết lộ Việt Nam không còn nằm trong kế hoạch của AirAsia. Vị này khẳng định hãng đã chuyển hướng sang những thị trường khác như Campuchia, Myanmar.
Vì đâu thị trường Việt Nam khó có liên doanh?
Ông lớn duy nhất có tham vọng rõ ràng lập hãng bay liên doanh tại Việt Nam đã bỏ cuộc.
Cùng với đó, việc trong hàng chục năm qua không có hãng bay nước ngoài nào tới Việt Nam làm điều tương tự cho thấy khó có trường hợp thứ 2 như Jetstar Pacific Airlines.
Cũng trong năm 2019, khi liên doanh giữa AirAsia và Thiên Minh đổ vỡ thì Bamboo Airways lại cất cánh. Phía ngoài "đường pitch", hàng loạt các cái tên đang xếp hàng khởi động là Vinpearl Air, Kite Air và Vietravel Airlines cho thấy rõ ràng dư địa của thị trường vẫn còn và cơ quan chức năng vẫn chào đón hãng mới.
Nghị định 89 mới đây cũng nới trần sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài lên 34% từ mức 30% trước đây cũng giúp việc lập liên doanh hàng không tại Việt Nam thêm phần hấp dẫn.
Tuy nhiên, theo trao đổi của một chuyên gia hàng không với Zing.vn, thị trường hàng không Việt Nam đã khác nhiều so với thời điểm Qantas và AirAsia chạy đua để gia nhập.
Theo vị này, thị trường hàng không nội địa Việt Nam đang đạt đến điểm bão hòa do nghẽn cổ chai về hạ tầng hàng không. "Cả đường cất hạ cánh, điểm đỗ, nhà ga hành khách của các cảng hàng không lớn đều quá tải. Việc liên doanh nước ngoài chen chân khai thác thời điểm này là rất khó khăn", chuyên gia này nhận định.
Bên cạnh đó, vị này cho hay hiện hàng không Việt Nam đã có thêm hãng bay mới là Bamboo Airways cùng việc Vietjet Air đã phát triển rất mạnh so với thời điểm 2005 hay 2010 khiến dư địa thị trường không còn nhiều, không đủ hấp dẫn các ông lớn nước ngoài.
"Nếu không thể bay nội địa, chỉ khai thác các chuyến bay nối các thành phố của Việt Nam đi quốc tế thì các hãng nước ngoài không cần lập liên doanh, chỉ cần thương quyền 3 và 4 như hiện tại là đủ", chuyên gia chia sẻ với Zing.vn.
Thương quyền 3 và 4, hay quyền vận tải hàng không thương mại số 3 và số 4, cho phép các hãng bay nước ngoài mà Việt Nam có ký kết thương quyền lấy và chuyên chở tải thương mại (hành khách, hàng hóa, thư tín) đi và đến Việt Nam.
Với việc AirAsia, doanh nghiệp tự khẳng định là hãng hàng không ASEAN, lựa chọn tạm từ bỏ thị trường Việt Nam thì nhiều khả năng một hãng bay liên doanh nước ngoài sẽ còn rất lâu mới trở thành hiện thực.