Aleksey Lebedev - nhà tình báo ẩn mình sau bộ quân phục
Năm 1955, Anh hùng Liên Xô Aleksey Lebedev tốt nghiệp Học viện Quân sự - Ngoại giao. Trước đó, ông đã lập nhiều chiến công xuất sắc trong chiến tranh. Ông đã thực hiện thành công 82 chuyến bay chiến đấu nhằm tấn công quân đội và trang thiết bị của kẻ thù, đồng thời trực tiếp bắn rơi 4 máy bay phát xít. với những thành tích đó, ông đã được trao tặng danh hiệu cao quý: Anh hùng Liên Xô.
Từ không quân sang tình báo
Sau chiến tranh, Aleksey Lebedev tốt nghiệp Học viện Hàng không và chỉ huy một trung đoàn không quân tấn công. Nói chung, sự nghiệp quân sự của ông rất thành công. Nhưng một lần, Aleksey Lebedev nhận được lời đề nghị thay đổi nghề nghiệp: chuyển từ hàng không sang... tình báo. Và ông đã đồng ý.
Sau khi tốt nghiệp, ông được cử sang Pháp và ngay lập tức đảm nhiệm chức vụ tùy viên không quân.

Thiếu tướng Aleksey Lebedev.
Thành phố Paris hoa lệ không chào đón các nhà ngoại giao quân sự Liên Xô như họ tưởng tượng ở Moscow. "Tình hình ở Pháp lúc bấy giờ rất phức tạp - Trung tướng Vladimir Strelbitsky, bạn học và đồng nghiệp của Lebedev, nhớ lại. - Thái độ của chính quyền lẫn người dân đối với chúng tôi không chút thân thiện. Công việc rất vất vả. Tuy nhiên, chúng tôi không có ý định ngồi không trong trụ sở và lật giở từng trang báo. Chính lúc đó, Aleksey Lebedev đã thể hiện khả năng phi thường của mình. Ông đã tìm kiếm và tuyển mộ những người có thể làm nên điều kỳ diệu".
Những người này là ai? Một trong số họ là Giovanni Ferrero, người gốc Ý, làm việc tại công ty “Fiat-France”. Ông là thư ký kiêm đại diện của Trưởng phòng Vũ khí và hàng không của công ty.
Năm 1971, phòng này được sáp nhật vào Hãng hàng không Quốc gia "Aero Italia". Lợi dụng mối quan hệ thân thiết với người phụ trách phòng, Giovanni Ferrero được phép tiếp cận các tài liệu mật của hãng, trong đó có các tài liệu của NATO.
Trong cuốn “KGB ở Pháp”, Thierry Volton viết rằng Giovanni Ferrero "đã chuyển giao gần 1,5 mét khối tài liệu liên quan đến: hệ thống tự động của NATO dùng để điều khiển các phương tiện phòng không mặt đất, các chương trình nghiên cứu chung về vũ khí, tổ chức cung cấp vật tư cho lực lượng NATO; tổ chức nghiên cứu, chế tạo tên lửa ở châu Âu; cùng các thông tin về máy bay F-104 của Mỹ".
Quả thật, Giovanni Ferrero là một nguồn tin rất hiệu quả và hữu ích, nhưng ngôi sao thực sự trên bầu trời tình báo quân sự vào cuối những năm 50 và đầu những năm 60 của thế kỷ trước là siêu điệp viên Murat. Ông đã làm việc với tình báo Liên Xô suốt 10 năm. Murat đã được trao tặng huân chương cao quý nhất của Liên Xô - Huân chương Lenin. Murat đeo quân hàm đại tá, là sĩ quan trong Bộ tham mưu của NATO tại Tây Đức. Ông được phép tiếp cận những tài liệu bí mật nhất của tổ chức này.

Thiếu tướng Aleksey Lebedev (thứ 2 trái sang) với các đồng nghiệp Việt Nam.
Quan hệ với giới tinh hoa của ngành hàng không
Murat là người đầu tiên thu thập và chuyển cho Liên Xô "Kế hoạch của Tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang NATO tại châu Âu số 110/59, ngày 01/01/1960 về việc tiến hành các cuộc tấn công hạt nhân".
Không còn nghi ngờ gì nữa, đây là chiến công vĩ đại nhất của tình báo quân sự Liên Xô. Và nó được hai người thực hiện: điệp viên Murat và người lãnh đạo của ông là Aleksey Lebedev.
Họ gặp nhau tại một buổi tiệc chiêu đãi do nhà từ thiện và ông trùm điện ảnh nổi tiếng Charles Spaak tổ chức. Vào thời điểm đó, Aleksey Lebedev đã nghe nói đôi chút về viên đại tá Pháp, người sau này mang mật danh "Murat".
Đại tá hồi hưu Ivan Lazarev, lúc bấy giờ là thanh tra của Tổng cục Tình báo Quân đội (GRU), kể lại: “Ở Paris, Lebedev có mối quan hệ thân thiết với giới tinh hoa của ngành hàng không Pháp. Trong số những người quen của ông có cả các tướng lĩnh và sĩ quan cao cấp từng trải qua chiến tranh. Vẻ ngoài Lebedev có phần thô kệch, trông như một con gấu xứ Kostroma, nhưng ông rất dễ gần, luôn là linh hồn của các cuộc vui. Có thể uống thâu đêm suốt sáng, vui chơi hết mình; biết cách chiêu đãi khách, thường mời họ thưởng thức món nấm rừng quê nhà. Tóm lại, Lebedev và Murat nhanh chóng quý mến nhau. Tôi nghĩ một phần cũng vì Murat vốn không ưa người Mỹ. Ông ta ghét họ vì thái độ ngạo mạn, tính trưởng giả và cái kiểu lúc nào cũng muốn chỉ huy người khác”.
Tối hôm đó, tại buổi tiệc do Charles Spaak tổ chức, họ bắt đầu hồi tưởng lại những kỷ niệm chiến trường, những trận đánh, những chuyện khôi hài xảy ra trong chiến tranh. Viên sĩ quan Pháp tỏ ra thân thiện và vui vẻ một cách đáng ngạc nhiên. Mọi người bắt đầu kể về bản thân. Và rồi, bất ngờ, viên đại tá Pháp nói về thời gian phục vụ trong Bộ tham mưu của NATO, về chức vụ ông từng đảm nhiệm. Ông ngụ ý rằng mình rất am tường, vì có quyền tiếp cận các tài liệu liên quan.
Khi phân tích cuộc gặp gỡ đầu tiên của họ, Lebedev tỏ ra nghi ngờ nhiều điều. Liệu có phải đây là một cái bẫy không? Một sĩ quan NATO cấp cao làm việc tại Bộ tham mưu, được phép sử dụng các tài liệu mật, lại dễ dàng mở lòng, sẵn sàng tiếp xúc như vậy sao?
Khoảng 3 tuần sau, họ tình cờ gặp nhau tại một nhà hát. Murat đề nghị gặp lại. Và cuộc gặp này đã làm sáng tỏ mọi nghi ngờ. Murat đã mở lời ngay lập tức. Ông nói rằng Mỹ đang chuẩn bị chiến tranh với Liên Xô và tìm cách lôi kéo các quốc gia châu Âu vào cuộc chiến này.
Để chứng minh điều mình nói, Murat đã giới thiệu và có thể sẽ chuyển giao các tài liệu của NATO trong một thời gian ngắn. Trong đó có những tài liệu viết về việc Mỹ đang chuẩn bị cho một cuộc chiến mới. Nhưng lần này là chiến tranh hạt nhân. Bằng trực giác, Lebedev cảm thấy có thể và cần phải tin tưởng viên đại tá này.
Aleksey Lebedev đã không nhầm. Quả thật, trong những ngày đầu, Murat chủ yếu cung cấp thông tin bằng miệng, nhưng những thông tin đó cũng rất quan trọng.

Trung tướng Aleksey Konovalov.
“NATO có thể kéo thế giới vào một cuộc chiến tranh mới”
6 tháng sau, Murat cung cấp một tài liệu cực kỳ giá trị - mật lệnh của Bộ chỉ huy tối cao NATO về việc tổ chức cuộc tập trận quy mô lớn mang tên “Full Play”. Tài liệu dày 52 trang.
Kế hoạch tập trận của NATO đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của ban lãnh đạo Tổng cục Tình báo Quân đội. Trung tâm nhận ra rằng Murat không chỉ là một người đáng tin cậy mà còn là một điệp viên đầy triển vọng và có giá trị. Moscow muốn biết rõ hơn ông ta là ai, viên đại tá NATO bí ẩn này?
Người duy nhất lúc bấy giờ có thể trả lời câu hỏi này chính là Aleksey Lebedev. Ít lâu sau, một bức điện mật từ Paris đã xuất hiện trên bàn làm việc của Trung tướng Aleksey Konovalov - Cục trưởng Cục châu Âu của GRU.
“Nam tước Murat sinh ra trong một gia đình quý tộc giàu có và rất tự hào về tước hiệu của mình, - Lebedev viết. Trong gia đình, mọi người đều sùng kính người mẹ. Bà là một phụ nữ có học vấn cao, am hiểu lịch sử. Bà yêu thích văn học và âm nhạc cổ điển, và đã truyền tình yêu đó cho con trai mình. Khi chiến tranh nổ ra, Murat là một phi công dân sự, sau đó sơ tán sang Anh. Tại đây, ông được huấn luyện lại để lái máy bay chiến đấu và tham gia đẩy lùi các cuộc không kích của phát xít Đức vào London. Ông không hài lòng với công việc hiện tại. Trong cơ quan, ông là người có tư duy độc lập, thẳng thắn và đôi lúc gay gắt khiến cấp trên không vừa ý.
Ông được phép truy cập những thông tin có độ bí mật cao”.
Đó là những gì Aleksey Lebedev nhìn nhận về Murat. Đồng thời, quan hệ của họ phát triển tốt đẹp. Trong một cuộc gặp tiếp theo, Murat đã chuyển cho Lebedev 3 tài liệu tuyệt mật của NATO, qua đó khẳng định khả năng đặc biệt cũng như mong muốn cung cấp những tài liệu giá trị của ông.
Sau nhiều năm hợp tác với tình báo quân sự Liên Xô, Murat đã trở thành một điệp viên lão luyện, thận trọng và chuyên nghiệp. Khả năng phi thường của ông khiến nhiều người kinh ngạc. Chỉ riêng trong thời gian làm việc cho tình báo quân sự Liên Xô, ông đã chuyển về Trung tâm hơn 20.000 (!) trang tài liệu mật.
Với những đóng góp của mình, Murat đã được trao tặng phần thưởng cao quý nhất của Liên Xô - Huân chương Lenin - và được đề cử danh hiệu Anh hùng Liên Xô.
Aleksey Lebedev, người đã tuyển mộ Murat, cũng trở về Moscow. Thành tích xuất sắc của ông được ghi nhận bằng Huân chương Sao Đỏ. Sau vài năm làm việc tại thủ đô, ông được cử đi làm nhiệm vụ ở nước ngoài, lần này với tư cách tùy viên quân sự tại Việt Nam.

Thiếu tướng Aleksey Lebedev (giữa) và các đồng đội.
2 nhiệm vụ ở Hà Nội
Không lâu sau, Đại tá Lebedev có mặt tại Hà Nội. Văn phòng Tùy viên Quân sự được giao nhiều nhiệm vụ, nhưng quan trọng nhất là thu thập và nghiên cứu các loại vũ khí, khí tài quân sự của Mỹ.
Nhiệm vụ thứ hai không kém phần quan trọng của tùy viên quân sự Lebedev và đội ngũ nhân viên của ông là phân tích các chiến thuật tác chiến của quân đội Mỹ trong điều kiện chiến trường Việt Nam, cũng như cách sử dụng vũ khí và trang bị mới trong thực chiến.
Trong cuốn sách “Hội chứng Việt Nam: Cuộc chiến tình báo”, nhà báo Liên Xô Mikhail Ilinsky viết: “Văn phòng Tùy viên Quân sự của Đại tá Aleksey Lebedev (sau này là Thiếu tướng Không quân) đã xác định rằng các máy bay tiêm kích MiG-17 và MiG-21, do phi công Việt Nam điều khiển, hoàn toàn có khả năng chiến đấu ngang ngửa với bất kỳ loại máy bay nào của Mỹ. Còn những chiếc B-52 từng được coi là “bất khả chiến bại” trong thập niên 50, cũng như các máy bay ném bom chiến lược của Mỹ đều lần lượt bị các đơn vị tên lửa phòng không Việt Nam bắn hạ”.
Trong quá trình chiến đấu, các phi công Việt Nam đã vận dụng và phát triển hiệu quả những nguyên tắc quan trọng như: tạo yếu tố bất ngờ, giữ thế chủ động và hành động quyết đoán khi đối đầu với lực lượng địch vượt trội hơn, đặc biệt là trong những điều kiện chiến đấu bất lợi.
Là một cựu phi công từng tham chiến, Lebedev hiểu rất rõ những điều kiện chiến đấu bất lợi. Nhờ đó, ông có nhiều kinh nghiệm quý báu để truyền đạt lại cho các đồng nghiệp Việt Nam. Cùng với các phi công Việt Nam, Lebedev và các chuyên gia quân sự Liên Xô đã nghiên cứu và linh hoạt áp dụng vào thực tế nhiều chiến thuật không chiến hiệu quả như: “đòn tấn công đồng thời”, “xâm nhập sâu” và “nghi binh cơ động”.
Các phi công Việt Nam chiến đấu rất dũng cảm và mưu trí. Năm 1968, lực lượng không quân tiêm kích của Việt Nam đã bắn rơi 44 máy bay Mỹ, trong đó có tới 86% bị tiêu diệt ngay từ đòn tấn công đầu tiên. Năm 1972, phi công Phạm Tuân - người sau này trở thành nhà du hành vũ trụ đầu tiên của Việt Nam - đã lập chiến công đặc biệt khi bắn rơi một máy bay ném bom chiến lược B-52 của Mỹ bằng tên lửa không đối không từ tiêm kích MiG-21.
Năm 1968, Aleksey Lebedev kết thúc chuyến công tác tại Việt Nam. Vì những đóng góp của mình ở Việt Nam, ông được trao tặng Huân chương Cờ Đỏ lần thứ ba. Đây là phần thưởng danh giá, được các cựu chiến binh đặc biệt trân trọng và yêu mến.