Alibaba rót vốn vào chuỗi bán lẻ mỹ phẩm Việt Nam
Sau Mekong Capital, AIDC của Alibaba là nhà đầu tư đáng chú ý tiếp theo đầu tư vào lĩnh vực bán lẻ mỹ phẩm tại Việt Nam.
Tập đoàn bán lẻ Trung Quốc Alibaba đã thông qua đơn vị thành viên là Alibaba International Digital Commerce Group (AIDC), mua cổ phần của chuỗi cửa hàng mỹ phẩm và làm đẹp Hasaki, theo DealStreetAsia.
Hasaki được hậu thuẫn bởi quỹ đầu tư tư nhân Excelsior Capital Asia, có trụ sở ở Hồng Kông, từ năm 2021.
Được thành lập vào năm 2016, chuỗi cửa hàng mỹ phẩm và làm đẹp Hasaki đang vận hành hơn 140 cửa hàng tại Việt Nam. Bên cạnh mạng lưới cửa hàng trực tiếp, Hasaki còn có nền tảng bán lẻ trực tuyến bao gồm website, ứng dụng điện thoại và các gian hàng trên sàn thương mại điện tử.
Tính đến tháng 11/2023, Hasaki có 3,8 triệu người dùng, với gần 750.000 người mua sắm mỗi tháng. Hasaki đặt mục tiêu chiếm ít nhất 35% thị phần tại Việt Nam vào năm 2027.
Trong khi đó, AIDC được tách ra từ Alibaba Group sau đợt tái cấu trúc của hồi tháng 3 năm nay. Phụ trách một trong sáu mảng đơn vị kinh doanh của Alibaba Group, AIDC là đơn vị vận hành website Alibaba.com, thị trường bán buôn trực tuyến quốc tế tích hợp lớn nhất Trung Quốc, cũng như các doanh nghiệp bán lẻ thương mại ở nước ngoài, bao gồm Lazada, AliExpress, Trendyol và Daraz.
Alibaba cho biết sẽ tăng quy mô đầu tư vào các thị trường khu vực có tiềm năng cao và tận dụng các cơ hội tăng trưởng.
Thị trường mỹ phẩm - làm đẹp của Việt Nam dường như là mảnh đất màu mỡ với nhiều tiềm năng phát triển ở mảng thương mại điện tử.
Báo cáo Thương mại điện tử Việt Nam năm 2023 của Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số cho biết, Việt Nam có khoảng 59-62 triệu người tiêu dùng mua sắm trực tuyến. Các loại hàng hóa, dịch vụ thường được người tiêu dùng mua sắm trực tuyến nhiều nhất là quần áo, giày dép và mỹ phẩm (chiếm 76%).
Theo thông tin từ Hasaki, lĩnh vực làm đẹp và chăm sóc cá nhân là một trong những phân khúc tiêu dùng phát triển nhanh nhất tại Việt Nam, với tổng quy mô thị trường là 2,2 tỉ USD và tốc độ tăng trưởng hàng năm là 7%. Phân khúc này đang chuyển đổi, với các nhà bán lẻ tổ chức thay thế người bán cá nhân truyền thống và các cửa hàng quy mô nhỏ.
Trước thương vụ Hasaki - Alibaba, năm 2021, Mekong Capital cũng đầu tư vào Tập đoàn HSV - chủ chuỗi cửa hàng mỹ phẩm Beauty Box. Ngoài ra, công ty thương mại điện tử về sản phẩm chăm sóc sắc đẹp và sức khỏe Social Bella của Indonesia cũng bước chân vào Việt Nam từ năm 2020.
Tại Việt Nam, Alibaba cũng đã đầu tư vào The CrownX, nền tảng bán lẻ tích hợp của Masan Group. Cụ thể, năm 2021, Alibaba và BPEA EQT đã mua 5,5% cổ phần của The CrownX với tổng số tiền lên đến 400 triệu USD./.