Alibaba tập trung vào bán lẻ trực tuyến để tăng hiệu quả sử dụng vốn
Alibaba Group Holding đang tập trung vào mảng kinh doanh cốt lõi là bán lẻ trực tuyến và điện toán Cloud, sau khi bị thất bại ở mảng bán lẻ truyền thống.
Tập đoàn thương mại điện tử lớn nhất Trung Quốc loại bỏ dần các khoản đầu tư không cốt lõi, chuyển hướng từ mở rộng quy mô sang tập trung vào hiệu quả sử dụng vốn.
Không còn ham lấn sân mảng bán lẻ truyền thống
Năm 2014, Alibaba chi 692 triệu đô la để mua cổ phần thiểu số ở Intime Retail – nhà điều hành trung tâm thương mại lớn nhất Trung Quốc. Trong suốt ba năm sau đó, gã khổng lồ thương mại điện tử đã chi nhiều tỉ đô la để mua thêm cổ phần và mua đứt Intime năm 2017.
Việc mua lại Intime là một phần của chiến lược “bán lẻ mới” – sự tích hợp thương mại điện tử với bán lẻ truyền thống – do nhà sáng lập Jack Ma đưa ra. Dựa trên khái niệm này, tập đoàn đã mở rộng phạm vi hoạt động của mình sang lĩnh vực bán lẻ truyền thống dưới sự lãnh đạo của Daniel Zhang, người từng giữ chức chủ tịch và giám đốc điều hành cho đến năm 2023.
Alibaba cũng chi 4,6 tỉ đô la để mua 20% cổ phần của công ty bán đồ điện tử gia dụng Suning.com vào năm 2015. Năm 2017, Alibaba chi đợt đầu 2,9 tỉ đô la để mua 36% cổ phần của nhà điều hành đại siêu thị Sun Art Retail Group và chi thêm 3,6 tỉ đô la để nắm tỷ lệ khống chế 72% vào năm 2020.
Các ưu tiên chiến lược của Alibaba dường như thay đổi kể từ giai đoạn này. Rõ hơn là các trung tâm mua sắm của Intime không còn dành không gian cho các đơn vị thương mại điện tử thuộc Alibaba. Bloomberg đưa tin Alibaba đã liên hệ với một số công ty về việc bán cổ phần ở Intime. Còn Reuters nói rằng Alibaba đang cân nhắc việc bán Sun Art và chuỗi siêu thị Freshippo.
“Chúng tôi có một số doanh nghiệp bán lẻ truyền thống trong bảng cân đối kế toán. Đây không phải là trọng tâm cốt lõi của chúng tôi. Việc chúng tôi rời khỏi các doanh nghiệp này là điều hợp lý”, theo lời tân Chủ tịch Joseph Tsai thay thế cho Daniel Zhang từ tháng 9 năm ngoái.
Tsai cũng đề cập việc chuyển nhượng tài sản bên ngoài ngành bán lẻ, bao gồm cả cổ phần tại các công ty niêm yết. Cho đến nay, Alibaba đã bán 1,7 tỉ đô la các khoản đầu tư không cốt lõi trong năm tài chính kết thúc vào tháng 3 tới, trong đó có một phần cổ phần của hãng sản xuất xe điện Xpeng.
Tập trung vào hai mảng kinh doanh cốt lõi
Sự chuyển hướng này diễn ra trong bối cảnh giá cổ phiếu của Alibaba liên tục trượt dốc, hiện chỉ ở mức 1/4 so với mức đỉnh năm 2020. Tháng 11 năm ngoái, vốn hóa thị trường của Alibaba đã tạm thời bị PDD Holdings, công ty mẹ của Pinduoduo và Temu, qua mặt.
Alibaba đã phải vật lộn với sự kiểm soát chặt hơn của chính phủ Trung Quốc kể từ khi buộc phải hủy vụ bán cổ phần công khai lần đầu (IPO) cho công ty con chuyên về tài chính Ant Group mùa thu năm 2020. Giá cổ phiếu của Alibaba cũng bị các tác nhân khác trì kéo. Chẳng hạn, quỹ đầu tư SoftBank của Nhật Bản đang tìm cách bán cổ phần ở Alibaba. Hay như Alibaba quyết định hoãn tách rời đơn vị điện toán đám mây và kế hoạch IPO của đơn vị.
Tsai là người phụ trách tài chính của Alibaba kể từ những ngày đầu thành lập. Ông cũng đưa ra kế hoạch trả nhiều cổ tức hơn cho cổ đông thông qua các kế hoạch mua lại cổ phiếu hoặc sử dụng vốn hiệu quả hơn. Sự rút lui khỏi hoạt động bán lẻ truyền thống là một phần của sự thay đổi chiến lược này. Tuy vậy, các nhà phân tích nói điều này cho thấy dàn lãnh đạo cũng nhận thức rõ ràng hơn về sự giám sát của nhà đầu tư đối với công ty.
Alibaba đã đặt mục tiêu nâng lợi nhuận trên vốn đầu tư lên hai con số. Dữ liệu QUICK-FactSet cho thấy tỷ suất sinh lời trên vốn đầu tư (ROIC) của tập đoàn chỉ đạt đạt 6% trong năm tài chính 2022. Chỉ số này đã đạt mức 15% trong năm tài chính 2020, nhưng kể từ đó đã giảm xuống do sự cạnh tranh ngày càng mạnh mẽ trong ngành thương mại điện tử – vốn là ngành mang lại lợi nhuận chủ chốt cho Alibaba. Trong khi đó, sự đóng góp của các mảng kinh doanh khác như điện toán đám mây và dịch vụ logistics còn hạn chế.
Tuy vậy, CEO Eddie Wu nhấn mạnh: “Ưu tiên hàng đầu của chúng tôi là thúc đẩy sự phát triển của hai hoạt động kinh doanh cốt lõi của chúng tôi: thương mại điện tử và điện toán đám mây”.
Wu nói thêm rằng gã khổng lồ “đang quay trở lại cách tiếp cận lấy người dùng làm trung tâm” trong thương mại điện tử để thu hút những khách hàng quan tâm đến giá cả, những người so sánh cò kè từng đồng trên các nền tảng khác nhau. Wu cũng cam kết mở rộng các dòng sản phẩm và cải thiện dịch vụ giao hàng.
Theo Nikkei Asia, Reuters, Bloomberg