Alibaba và tỷ phú Jack Ma đối mặt cuộc khủng hoảng sinh tồn
Năm 2021 có thể là quãng thời gian khó khăn và nhiều thử thách nhất trong lịch sử Alibaba kể từ khi công ty này ra đời hai thập kỷ trước đây.
Theo CNN, Alibaba đối mặt với hàng loạt thách thức cả trong và ngoài nước, có khả năng thay đổi hoàn toàn công ty công nghệ nổi tiếng nhất Trung Quốc. Chính quyền Trung Quốc đang điều tra Alibaba vì tội độc quyền, đồng thời gây sức ép buộc Ant Group - startup tài chính của tỷ phú Jack Ma - phải cải tổ hoàn toàn hoạt động kinh doanh.
Ngoài áp lực trong nước, Alibaba cũng có thể gặp nguy tại Mỹ. Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump hủy bỏ kế hoạch cấm đầu tư Mỹ vào Alibaba, Tencent và Baidu, nhưng chiến tranh công nghệ Mỹ - Trung vẫn tiếp tục leo thang. Do đó, Alibaba có thể sẽ bất ngờ "lĩnh đòn" trên đất Mỹ.
Giữa tâm bão, tỷ phú Jack Ma im hơi lặng tiếng suốt hơn 2 tháng, dẫn đến tin đồn ông bị bắt. "Alibaba - cũng như hàng loạt tập đoàn công nghệ Trung Quốc khác - đang đối mặt với một cuộc khủng hoảng mang tính tồn vong", CNN dẫn lời nhà phân tích Alex Capri thuộc tổ chức Hinrich Foundation nhận định.
Áp lực dữ dội trong nước
Theo chuyên gia Capri, chính phủ Trung Quốc đang siết chặt quảng lý ngành công nghệ nước này. Tháng trước, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tuyên bố trấn áp hành vi độc quyền của các nền tảng online là một trong những mục tiêu quan trọng nhất của Bắc Kinh trong năm 2021.
Cuộc điều tra nhắm vào Alibaba và các công ty Internet khác phản ánh sự quyết liệt của Bắc Kinh. Ngày 14/1, VIPShop - một công ty thương mại điện tử khác của Trung Quốc - xác nhận cũng bị cơ quan chức năng điều tra vì "những hành vi cạnh tranh không lành mạnh". Tuần trước, Pinduoduo - đối thủ lớn của Alibaba - cũng đối mặt làn sóng chỉ trích vì văn hóa làm việc khắc nghiệt.
Giới quan sát cho rằng chính quyền Trung Quốc đã chuẩn bị cho chiến dịch trấn áp này từ lâu. Chuyên gia Capri chỉ ra rằng một số tập đoàn công nghệ Trung Quốc bị buộc phải hợp tác với các doanh nghiệp nhà nước. Ví dụ, ứng dụng thanh toán Alipay của Ant Group phải liên kết với UnionPay - một tập đoàn dịch vụ tài chính thuộc sở hữu nhà nước - để phát triển công nghệ mới hồi năm 2018.
"Chúng ta sẽ chứng kiến xu hướng kiểm soát tăng tốc trong thời gian tới. Việc kiểm soát dữ liệu và các nền tảng kỹ thuật số là điều trọng yếu", chuyên gia Capri dự báo. "Chính quyền Bắc Kinh có thể phân tách Alibaba hoặc biến nó thành một công ty (gần như) được kiểm soát bởi nhà nước".
Alibaba chủ yếu kinh doanh ở Trung Quốc, nhưng bất kỳ thay đổi nào của công ty này cũng có thể gây ảnh hưởng toàn cầu. Tập đoàn công nghệ Trung Quốc niêm yết tại Phố Wall từ năm 2014. SoftBank (Nhật Bản) là một cổ đông lớn, đã đầu tư hàng tỷ USD vào Alibaba. Các quỹ đầu tư hàng đầu thế giới như Vanguard, T. Rowe Price và BlackRock đều sở hữu cổ phiếu Alibaba.
Tại Mỹ, chính quyền Washington cũng đang gây sức ép dữ dội lên các công ty Trung Quốc. Nhà Trắng vừa ra lệnh cấm đầu tư của Mỹ vào Xiaomi, hãng sản xuất smartphone lớn thứ hai Trung Quốc. Tổng cộng 44 doanh nghiệp Trung Quốc có tên trong danh sách đen "hỗ trợ quân đội Trung Quốc".
Sở Giao dịch Chứng khoán New York hủy niêm yết cổ phiếu của hàng loạt công ty Trung Quốc tuần qua. Vài tuần trước, Tổng thống Donald Trump đã ký thông qua luật buộc các doanh nghiệp Trung Quốc hủy niêm yết tại Mỹ nếu không đáp ứng các tiêu chuẩn kiểm toán Mỹ.
Chưa thoát khỏi vùng nguy hiểm ở Mỹ
Chính quyền Tổng thống Trump từng xem xét khả năng cấm nhà đầu tư Mỹ rót tiền vào Alibaba và các công ty công nghệ Trung Quốc khác. Dù vậy, Nhà Trắng đã tạm thời hủy bỏ kế hoạch này. Tuy nhiên, giới quan sát cho rằng điều đó không có nghĩa là Alibaba và các doanh nghiệp công nghệ Trung Quốc đã thoát khỏi vùng nguy hiểm.
"Chính phủ Mỹ sẽ tiếp tục tập trung vào vấn đề này dưới thời Tổng thống tân cử Joe Biden. Kể cả khi chính quyền Tổng thống Biden tỏ ra ngoại giao và mềm mỏng hơn, sự phân ly giữa Mỹ và các tập đoàn Internet Trung Quốc sẽ tiếp tục diễn ra", chuyên gia Capri nhấn mạnh. Ví dụ, dịch vụ đám mây của Alibaba có thể bị tẩy chay trên toàn cầu như mảng kinh doanh 5G của Huawei Technologies.
Giáo sư Rana Mitter thuộc Đại học Oxford cho rằng chính quyền Trung Quốc sẽ không muốn hủy diệt Alibaba - một trong những tập đoàn công nghệ quan trọng nhất nước này - khi Tổng thống Biden bắt đầu lên nắm quyền. Do đó, có khả năng Alibaba sẽ chỉ phải cải tổ kinh doanh ở mức "vừa phải".
Theo giáo sư Mitter, khả năng Alibaba bị phân tách là không lớn. "Trung Quốc sẽ thăm dò mọi động thái của chính quyền Tổng thống Biden trước khi đưa ra bất kỳ động thái nào (với những công ty công nghệ lớn trong nước như Alibaba)", ông nói.
Dịch vụ đám mây của Alibaba hoàn toàn có thể bị tẩy chay trên toàn cầu như 5G của Huawei
nhà phân tích Alex Capri thuộc tổ chức Hinrich Foundation
Dù vậy, việc nhà sáng lập Jack Ma "biến mất" trong suốt hơn hai tháng qua cho thấy Alibaba đang mắc kẹt trong quá nhiều rắc rối tại Trung Quốc. Ông Brock Silvers, Giám đốc Đầu tư Kaiyuan Capital, nhận định điều đó khiến niềm tin của giới đầu tư dành cho Alibaba sẽ ngày càng giảm sút trầm trọng.
"Đợt phát hành cổ phiếu ra công chúng lần đầu (IPO) của Ant Group chỉ còn là dĩ vãng xa xôi. Nhiều khả năng công ty này sẽ bị phân tách và bị siết chặt quản lý. Định giá của Ant Group sẽ giảm sút đáng kể”, chuyên gia Silvers đánh giá. Sau khi đợt IPO bị hủy, định giá của Ant Group bị xác định là giảm từ hơn 300 tỷ USD xuống dưới 150 tỷ USD.
Ngày 15/1, Financial Times đưa tin hàng loạt nhà đầu tư lớn của Ant Group đang vô cùng lo lắng. Các quỹ này đã đổ hàng tỷ USD vào Ant Group với hi vọng thắng lớn trong đợt IPO. Nhưng giờ, họ có thể thua lỗ nặng.
Trong khi đó, Alibaba cũng đang đối mặt với tương lai mờ mịt. "Số phận của Alibaba ra sao trong năm 2021 còn tùy thuộc vào việc tại sao tỷ phú Jack Ma im hơi lặng tiếng", chuyên gia Silvers khẳng định.