Alo cử tri: Hà Nội nóng tình trạng sử dụng trái phép đất công, đất nông nghiệp

Theo quy định của Luật Đất đai, việc sử dụng đất công, đất nông nghiệp trái mục đích như xây dựng nhà ở, nhà máy, khu thương mại là các hành vi bị nghiêm cấm. Tuy nhiên, tại thành phố Hà Nội thời gian gần đây, tình trạng lấn chiếm đất công, đất nông nghiệp để xây dựng và kinh doanh trái phép vẫn đang diễn ra và có dấu hiệu gia tăng. Điều này đang đặt ra nhiều thách thức cho các cơ quan quản lý, nhất là ở khu vực ngoại thành.

Khu vực giáp ranh giữa 3 xã Việt Hùng, Dục Tú, Cổ Loa, huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội vốn dĩ là đất công, đất nông nghiệp, nhưng thời gian vừa qua đã xuất hiện tổ hợp các công trình như nhà tạm, bể bơi, khu vui chơi, tiểu cảnh.

Đại diện UBND xã Việt Hùng thừa nhận, các công trình tại khu vực này không được cấp phép xây dựng. Với diện tích hơn 42.000m2 đất nông nghiệp, tuy nhiên, dự án lại có tính chất vì cộng đồng, chẳng hạn như mỗi năm chủ đầu tư dành 400 vé bơi và dạy bơi miễn phí cho trẻ em trên địa bàn, nên chính quyền địa phương chưa xử lý.

Tương tự, tại phường Việt Hưng, quận Long Biên, thành phố Hà Nội, khu đất công rộng hơn 8.200m2 đang bị phân lô, mọc lên hàng chục kiot cửa hàng. Nằm tại vị trí đẹp, có khả năng sinh lời cao, nên luôn có sự nhộn nhịp các hoạt động kinh doanh và thu hút nhiều nhà đầu tư tìm đến: Từ làm quảng cáo, đến các cửa hàng sửa chữa và buôn bán ô tô.

Theo khảo sát của phóng viên, trên địa bàn thành phố Hà Nội có hàng nghìn công trình vi phạm trật tự xây dựng, tập trung ở các quận huyện như Hoàng Mai, Đông Anh, quận Long Biên… Kinh doanh thời vụ, không được đầu tư đồng bộ nên cả khuôn viên nhếch nhác, mất vệ sinh và tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ...

Theo luật sư, Luật Đất đai đã quy định rõ việc sử dụng đất không đúng mục đích được giao, được cho thuê, nếu vi phạm kéo dài mà không được khắc phục sẽ bị Nhà nước thu hồi đất.

Mời quý vị theo dõi nội dung chi tiết!

Hoàng Tùng

Nguồn Quốc Hội TV: https://quochoitv.vn/alo-cu-tri-ha-noi-nong-tinh-trang-su-dung-trai-phep-dat-cong-dat-nong-nghiep-239947.htm