Ám ảnh loài cây 'quyên sinh' giữa đại ngàn

Giữa ngút ngàn xanh thẳm của rừng núi. Nơi những triền đồi mờ sương trải dài vô tận, có một loài cây dây leo mang vẻ đẹp mê hoặc với những phiến lá trơn bóng, hoa nở vàng óng, kiêu sa như từng chùm hoàng yến trong sương mai. Nhưng ẩn sau vẻ đẹp đó là một nỗi ám ảnh khôn nguôi. Cây lá ngón từ lâu vẫn được xem là loài cây độc nhất trên những cánh rừng Tây Bắc. Loài cây mang đến cái chết nhẹ như gió thoảng nhưng cũng đớn đau như từng mũi kim chọc vào ruột gan.

Lá ngón - loài cây mang vẻ đẹp chết chóc.

Lá ngón - loài cây mang vẻ đẹp chết chóc.

Đoạn trường thảo

Người Mường gọi nó là cây lá ngón, còn trong dân gian hay gọi nó là “đoạn trường thảo”. Vì nếu lỡ ăn phải loại “cỏ” này thì ruột gan sẽ đứt từng đoạn mà chết. Nỗi ám ảnh với loài cây này lớn đến nỗi, những đứa trẻ được sinh ra ở đất Mường từ thuở mới biết đi cũng đều được bố mẹ hay người già dắt tay đến tận bụi cây để học thuộc lòng: “Lá mọc đối, hình trứng thuôn dài, đầu nhọn, phía cuống nhọn, bóng nhẵn; hoa mọc thành chùm, cánh màu vàng. Quả là một nang. Không phải để hái”. Chỉ về phía bụi cây dây leo trước mặt, ông Bùi Văn Sứn ở xóm Khi, xã Yên Phú (tỉnh Phú Thọ) bảo: Chỉ cần ba lá là đủ tiễn một người về bên kia thế giới.

Cây lá ngón được xem là loài cây độc nhất trên những cánh rừng Tây Bắc.

Cây lá ngón được xem là loài cây độc nhất trên những cánh rừng Tây Bắc.

Vén đám lá cây dại ở ngay gần loài cây chết chóc là một loại cây nhiều người vẫn lấy về làm rau ăn, có hình thái giống cây lá ngón. Ông Bùi Văn Sứn chậm rãi nói: nếu không thuộc nằm lòng thì nhiều người có thể hái nhầm cả lá ngón về ăn. Bởi loài cây lá ngón nó giống rau Beo, rau Máu đến 90%. Nếu không tinh mắt là hái lẫn ngay.

Ít ai biết, trong lịch sử kháng chiến chống Pháp, lá ngón từng là “vũ khí” bí mật của du kích. Tại xã Quyết Thắng, người ta vẫn truyền miệng về trận đánh không súng đạn, không dao gươm nhưng đã tiêu diệt hơn 250 lính viễn chinh Pháp sau khi chúng bị lừa uống rượu cần trộn lá ngón. Độc tố len vào từng ngụm men, thấm vào huyết quản và cướp mạng lũ giặc tàn ác trong im lặng. Trong thời chiến, lá ngón “tham gia” đánh giặc, bảo vệ bản làng. Nhưng thời bình, nó trở nỗi ám ảnh. Những cây lá ngón len lỏi khắp các triền đồi mờ sương, cạnh nương rẫy, chờ những bước chân lạc lối.

Lá của cây lá ngón giống tới 90% một số loại rau đồng bào dân tộc thường ăn.

Lá của cây lá ngón giống tới 90% một số loại rau đồng bào dân tộc thường ăn.

Trong hành trình thực hiện bài viết này, từng bước chân chúng tôi đi qua những bản làng heo hút của núi rừng nơi vùng đất “bốn Mường”. Mỗi điểm dừng chân là câu chuyện đứt đoạn về những phận người tìm đến lá ngón như một lối thoát cuối cùng.

Câu chuyện tình buồn của đôi bạn trẻ Bùi Thị T. và Bùi Văn P. ở xã Nhân Nghĩa là một trong số đó. Vì bị gia đình phản đối, hai người dắt tay nhau vào rừng, cùng nhau ăn lá ngón quyên sinh với mong ước đời đời kiếp kiếp được ở bên nhau. Lúc người làng phát hiện thì đã muộn. Cả hai nằm cạnh nhau, đôi môi tím ngắt, ánh mắt vẫn nhìn về phía nhau như chưa thể rời xa.

Hay câu chuyện về cô sơn nữ đẹp người đẹp nết ở vùng Ngọc Sơn trong cơn tuyệt vọng vì người yêu không trở lại đã chọn kết thúc mọi nỗi đau bằng một nắm lá nhỏ. Cái chết của cô khiến cả bản trầm lặng suốt nhiều ngày, người ta né ánh mắt nhau mỗi khi đi ngang qua nơi cô nằm xuống. Bởi ai cũng sợ, biết đâu mình sẽ là người tiếp theo bước vào bi kịch.

Ám ảnh hơn là bi kịch của đôi với chồng trẻ từng gây rúng động dư luận xóm Phổn, xã Tân Pheo. Vào một ngày mưa cuối hạ. Trong khi đi rừng, người dân phát hiện thi thể đôi vợ chồng Lường Văn K. (SN 1989) và Xa Thị L. (SN 1991). Qua điều tra, lực lượng chức năng xác định nguyên nhân dẫn đến cái chết thương tâm là do mâu thuẫn vợ chồng. Người chồng sau khi sát hại vợ đã chọn lá ngón để kết thúc đời mình. Khi khám nghiệm, lá cây còn xanh vẫn vương trên môi, độc tố còn trong dạ dày chưa kịp tan hết.

“Những cái chết vì lá ngón luôn để lại nỗi ám ảnh nặng nề nhất. Bởi trước khi chết, người bị ngộ độc lá ngón phải trải qua cảm giác đau đớn tột cùng. Từng khúc ruột, từng mạch máu, từng tế bào như bị xé toạc”, anh bạn tôi - trung tá Nguyễn Ngọc Hưng, cán bộ Phòng Kỹ thuật hình sự Công an tỉnh chia sẻ.

Một lá nhỏ làm đớn đau hơn cả ngàn vết thương

Không phải cái chết nào cũng do cố ý. Nhiều trường hợp là do sự nhầm lẫn đáng sợ. Như gia đình ông Bùi Văn Tình ở xóm Mè, xã Mường Hoa suýt nữa gặp đại họa chỉ vì hái nhầm lá ngón lẫn trong nắm rau dại. Ông và con trai sau bữa ăn bắt đầu hoa mắt, chân tay lạnh toát, tim đập rối loạn. May nhờ phát hiện sớm và được cấp cứu kịp thời nên 2 bố con thoát khỏi lưỡi hái tử thần trong gang tấc. Còn với bác sĩ Phạm Thị Tuyết, Giám đốc Trung tâm Y tế khu vực Đà Bắc thì vẫn mãi ám ảnh về cái chết đau đớn của 2 mẹ con chị bạn đồng nghiệp khi hái nhầm lá ngón về nấu canh. Dù nhà chỉ cách bệnh viện vài bước chân, nhưng khi đưa đến nơi hai người đã không còn thở.

Một điểm nguy hiểm là cây lá ngón mọc hoang ở khắp nơi từ bìa rừng đến bờ rào quanh nhà, lẫn trong hàng rào cây bụi.

Một điểm nguy hiểm là cây lá ngón mọc hoang ở khắp nơi từ bìa rừng đến bờ rào quanh nhà, lẫn trong hàng rào cây bụi.

Cây lá ngón còn gọi là “cây rút ruột” có tên khoa học Gelsemium elegans thuộc họ mã tiền, chứa độc tố cực mạnh là alkaloid. Chất này gây ức chế thần kinh, co giật, suy hô hấp, loạn nhịp tim và tử vong chỉ sau 1 đến 2 giờ nếu không cấp cứu kịp thời.

Theo bác sĩ Hoàng Công Tình, Trưởng khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Đa khoa Hòa Bình: Người dân hay nghĩ lá ngón giết người nhanh. Nhưng thực tế là độc tố của nó làm nạn nhân chết nhanh hơn mọi người vẫn tưởng. Đáng sợ hơn là những người chết vì ngộ độc lá ngón đều có một cái chết đau đớn. Nạn nhân sẽ tỉnh táo trong vài chục phút đầu, sau đó toàn bộ cơ bắp liệt dần, tim đập loạn, rồi ngừng hẳn. Họ chết trong nhận thức rõ ràng về cái chết đang đến gần.

Hoa lá ngón độc đến nỗi không có bất cứ loài ong, bướm nào đến gần để hút mật.

Hoa lá ngón độc đến nỗi không có bất cứ loài ong, bướm nào đến gần để hút mật.

Một điểm nguy hiểm của lá ngón là nó mọc hoang khắp nơi. Ở khu vực vùng cao, cây lá ngón mọc từ bìa rừng đến bờ rào quanh nhà, lẫn trong hàng rào cây bụi. Khi ra hoa, cánh vàng rực rỡ như loài hoa Hoàng Yến kiêu sa. Nhưng loài hoa này độc đến nỗi không có bất cứ một loại ong, bướm nào dám lại gần để hút mật...

Anh Bùi Văn Hiệu ở xóm Trung Quèn, xã Yên Phú kể: Trước từng có người liều lĩnh, thử ngậm 1 lá xem loài cây này độc đến mức nào. Nhưng mới chỉ ngậm ít giây, lập tức cả khoang miệng đã bỏng rát, đau đớn khó chịu trong nhiều ngày đúng cảm giác bị trúng độc.

Các y, bác sỹ khoa hồi sức tích cực Bệnh viện đa khoa Hòa Bình hướng dẫn người bị ngộ độc cây lá ngón cách chăm sóc sức khỏe sau khi được điều trị tại bệnh viện

Các y, bác sỹ khoa hồi sức tích cực Bệnh viện đa khoa Hòa Bình hướng dẫn người bị ngộ độc cây lá ngón cách chăm sóc sức khỏe sau khi được điều trị tại bệnh viện

Theo bác sĩ chuyên khia I Phạm Thị Tuyết, Giám đốc TTYT khu vực Đà Bắc thì loại cây này được phân bố rộng rãi, có thể bắt gặp ở nhiều nơi như ở rừng hoặc xung quanh nhà. Thời gian qua, cơ quan y tế địa phương đã tăng cường đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến để người dân nhận biết để nhổ bỏ hoặc tránh xa loại cây cực độc này. Tuy nhiên, nhận thức của một số người dân còn hạn chế. Trong hàng chục năm trở lại đây, hầu như năm nào trung tâm y tế khu vực Đà Bắc cũng ghi nhận trường hợp tử vong do ngộ độc lá ngón.

Ở xứ Mường, người ta không nhìn lá ngón bằng con mắt của sự hiếu kỳ mà nhìn nó bằng nỗi sợ. Nhưng rừng vẫn xanh, lá ngón vẫn mọc. Và cuộc đời vẫn tiếp tục. Chỉ ước mong đừng có thêm ai đó phải chọn con đường quyên sinh lạnh lẽo. Bởi một nắm lá nhỏ mà đau đớn hơn cả ngàn vết thương.

Mạnh Hùng

Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn/am-anh-loai-cay-quyen-sinh-giua-dai-ngan-236486.htm