Ám ảnh nỗi đau từ lá ngón
Tại Nghệ An, ở các xã miền Tây, theo thống kê chưa đầy đủ của các huyện (chủ yếu là nắm thông tin qua các hội, đoàn thể cung cấp) cho thấy mỗi năm xảy ra không dưới 10 trường hợp tử vong do ăn lá ngón. Đối với người muốn tìm cái chết, lá ngón là sự giải thoát nhanh nhất, nhưng đối với người ở lại, lá ngón trở thành nỗi ám ảnh dai dẳng khôn nguôi…
Những cái chết không báo trước
Với chiếc điện thoại kết nối internet, chỉ cần gõ vào mục tìm kiếm "lá ngón ở Nghệ An" sẽ cho ra hàng loạt kết quả chỉ sau vài giây đồng hồ. Những dòng thông tin liên quan đập vào mắt người xem chủ yếu là những vụ việc người dân tìm đến cái chết bằng lá ngón với nhiều nguyên nhân khác nhau.
Dòng hiển thị mới đây nhất về thông tin "lá ngón" là vụ tự tử của 2 nữ sinh ở xã Tri Lễ, huyện Quế Phong.
Trước đó vào chiều 9/4, em Thò Y Nh. và em Và Y N. (13 tuổi, đều là học sinh lớp 7 và cùng trú tại bản Mường Lống, xã Tri Lễ) chơi đùa với một số em nhỏ khác trong bản. Trong lúc chơi đùa cùng nhau, Nh. và N. bực tức khi bị trêu chọc, nên 2 nữ sinh này rủ nhau ra bờ suối hái lá ngón ăn tự tử.
Tuy nhiên, sau khi ăn lá ngón xong, 1 trong 2 em sợ chết nên đã gọi điện thoại về cho người thân thông báo sự việc và nhờ đưa đi cấp cứu. Ngay sau đó, người thân tìm đến nơi và đưa cả 2 đi cấp cứu trong tình trạng đã kiệt sức. Tuy nhiên, khi tới bệnh viện, em Nh. đã tử vong, nữ sinh còn lại được cứu sống kịp thời.
Và trước đó, vào hồi 17h ngày 25/3, tại khu vực bản Tẳng Phăn, xã Na Ngoi, anh Thò Bá K. (SN 1994) đã có vợ và con trú tại bản Thẩm Hín, xã Nậm Càn (Kỳ Sơn) và chị Xồng Y T. (SN 2002), trú tại bản Phả Mựt, xã Nhôn Mai, huyện Tương Dương, hiện đang là học sinh, đã cùng ăn lá ngón tự tử. Hậu quả anh Thò Bá K. chết tại chỗ, còn chị Xồng Y T. nhiễm độc nặng, được đưa đi cấp cứu tại bệnh viện. Nguyên nhân khiến anh K. và chị T. cùng ăn lá ngón tự tử được người dân cho rằng do bị gia đình ngăn cản tình cảm nên quyết định tự tử.
Ở xã Bảo Nam (Kỳ Sơn), tháng 11/2019 cũng xảy ra trường hợp thiếu nữ ở bản Hín Pèn tử vong vì lá ngón do mâu thuẫn với chồng. Trước khi ăn lá ngón, cô gái còn chụp ảnh cùng lá ngón và gửi cho người thân trong gia đình.
Từ các vụ ăn lá ngón tự tử có thể thấy, hầu hết nạn nhân đều có tuổi đời rất trẻ, chưa đến mười tám, đôi mươi. Trước khi tìm đến cái chết bằng lá ngón, các nạn nhân thường không hề để lộ biểu hiện nào để người thân có thể phát hiện, ngăn chặn sự việc đau lòng xảy ra. Thậm chí nhiều người dân bày tỏ quan điểm cần phải loại bỏ cây lá ngón để không còn những sự việc đau lòng như vậy xảy ra nữa...
Nỗi đau người ở lại
Đối với một số địa bàn miền núi Nghệ An, những vụ việc tự tử bằng lá ngón không còn là chuyện lạ. Ông Vi Văn Cường - Chủ tịch UBND xã Tri Lễ (Quế Phong) cho biết: Chuyện ăn lá ngón tự tử vẫn thường xảy ra tại xã, mặc dù chính quyền địa phương và các ngành chức năng đã tuyên truyền khá nhiều. Từ đầu năm 2020 đến nay, trên địa bàn xã Tri Lễ đã có 6 trường hợp tự tử bằng lá ngón.
Mới đây nhất là trường hợp chị Và Y Dìa, sinh năm 2001, người dân tộc Mông. Chị Dìa quê ở bản Huồi Cọ, xã Nhôn Mai (Tương Dương), lấy chồng về bản Na Niếng, xã Tri Lễ. Khoảng tầm 14h ngày 10/5/2020, sau khi xảy ra tranh cãi với chồng, chị Y Dìa đã đi đến khu vực Sói Voi ở xã Nhôn Mai (Tương Dương) ăn lá ngón quyên sinh. Người nhà phát hiện và đưa đến Trạm Y tế Tri Lễ cấp cứu nhưng không thể cứu chữa vì Y Dìa ăn quá nhiều, đã tử vong trước đó.
"Vợ chồng chị Dìa mới có 1 con nhỏ chưa đầy 1 tuổi. Rồi đây, đứa trẻ sẽ sống ra sao khi thiếu thốn tình thương và sự chăm sóc của người mẹ? Rồi hai bên gia đình thông gia hụt hẫng, sinh ra mâu thuẫn nhau. Dù cho mâu thuẫn có được hóa giải, thì khoảng trống trong lòng những người ở lại vẫn còn mãi mãi" - Ông Cường nói với giọng buồn buồn.
Còn theo chị Vi Thị Oanh - Chủ tịch Hội LHPN xã Na Ngoi (Kỳ Sơn) thì trên địa bàn xã, mỗi năm xảy ra 1 - 2 trường hợp ăn lá ngón tự tử, nhất là vài năm về trước và chủ yếu rơi vào học sinh lớp 8, lớp 9. Người chết thì thiệt thòi cuộc đời, nhưng những người thân còn sống thì gánh chịu đau khổ, ám ảnh suốt đời.
Như trường hợp bà Vi Thị Hương, dì ruột của chị Oanh. Bà Hương có 4 người con, 3 trai, 1 gái. Cô con gái là người luôn gần gũi với mẹ, hai mẹ con bà Hương rất quấn quýt nhau. Song cách đây mấy năm, bỗng nhiên bà Hương nhận được hung tin con gái mình tử vong do cô vào rừng hái lá ngón ăn.
Tin như sét đánh ngang tai, bà Hương buồn rầu, khóc cạn nước mắt, vật vã vì thương nhớ con gái. "Sao con lại ăn lá ngón, mẹ đau lòng lắm". Đến nay, đã mấy năm trôi qua, người mẹ ấy ngày ngày vẫn thường ngồi thẫn thờ bên bậc cửa, thương nhớ đứa con gái duy nhất, rồi sinh ra bệnh tật, ốm đau, sức khỏe ngày càng giảm sút. Chị Oanh cho hay.
Làm thế nào giảm thiểu những cái chết không đáng có?
Ở các địa bàn vùng cao Nghệ An, luôn luôn tồn tại một cuộc chiến giữa những người luôn xem nhẹ cái chết và những người đi tuyên truyền ngăn chặn tình trạng tự tử bằng lá ngón. Chính quyền thì nỗ lực tuyên truyền, ngăn chặn, còn người dân, hễ buồn lại tìm đến lá ngón, như một sự lựa chọn cuối cùng và duy nhất, vòng luẩn quẩn ấy cứ mãi xoay tròn không có hồi kết.
Để hạn chế, ngăn chặn mối họa này, cấp ủy, chính quyền và đoàn thể các địa phương đã trăn trở tìm giải pháp. Nhiều địa phương đã và đang quyết tâm thực hiện "cuộc chiến" loại bỏ thứ cây chết chóc ấy ra khỏi đời sống đồng bào dân tộc thiểu số, đặc biệt là ở các xã biên giới. Như ở huyện Kỳ Sơn, phong trào nhổ bỏ cây lá ngón được thực hiện ở nhiều xã, bản biên giới và được người dân rất đồng tình ủng hộ, hăng hái tham gia.
"Tuy rằng đây không phải là biện pháp tối ưu, nhưng khi xung quanh khu vực sinh sống của bà con không còn cây lá ngón cũng giúp ích rất lớn trong việc ngăn chặn những cái chết từ thứ lá kịch độc này" - Chị Vũ Thị Huyền, Chủ tịch Hội LHPN huyện Kỳ Sơn khẳng định.
Ngoài Kỳ Sơn, một trong những địa bàn có nhiều trường hợp người dân tự tìm đến cái chết bằng lá ngón là huyện Quế Phong, trong đó có địa bàn xã biên giới Tri Lễ.
Do đó, công tác tuyên truyền và thực hiện nhổ cây lá ngón luôn được chú trọng, là một trong các nội dung Đảng ủy xã yêu cầu ban quản lý bản và các đoàn thể nơi đây triển khai hàng tháng.
Bên cạnh đó, xã cũng phối hợp với lực lượng Bộ đội Biên phòng để một mặt tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân, mặt khác huy động sự giúp đỡ kịp thời của các chiến sỹ quân hàm xanh trong phát hiện, cấp cứu các trường hợp ngộ độc do ăn lá ngón.
Tuy nhiên, gốc rễ, căn nguyên của tình trạng tự tử bằng lá ngón là vấn đề tư tưởng cố hữu còn tồn tại trong cộng đồng - đó là dùng cái chết bằng lá ngón để giải thoát hay như tâm lý bắt chước người lớn ăn lá ngón để tìm đến cái chết khi có khúc mắc trong cuộc sống ở bộ phận thanh thiếu niên.
Bởi thế, để "cuộc chiến" này phát huy hiệu quả, cần có sự chung tay, vào cuộc của cả cộng đồng, cả hệ thống chính trị trong công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cũng như xây dựng môi trường sống gần gũi, sẻ chia, quan tâm lẫn nhau bắt đầu từ mỗi thành viên trong gia đình, sau đó là cộng đồng xã hội.
Nguồn ANTG: http://antg.cand.com.vn/phong-su/am-anh-noi-dau-tu-la-ngon-595959/