Ám ảnh viêm mũi dị ứng

Nhiều đêm đang ngủ bật dậy vì nước mắt, nước mũi chảy ròng, những ngày hắt hơi liên tục, nghẹt mũi, không thở được, ngứa mắt, sưng mắt… là ám ảnh của người bệnh viêm mũi dị ứng.

5 giờ sáng, chị L.P.M. (38 tuổi, quận Phú Nhuận) bật dậy, nước mắt và nước mũi chảy ròng, hắt hơi liên tục, nghẹt mũi, cảm giác lạnh buốt ở mũi, đầu mũi đỏ ửng.

Khi ngồi văn phòng làm việc, khoảng 3-4 giờ chiều, chị hắt hơi liên tục, chảy nước mắt, nước mũi, đỏ mắt, nghẹt mũi, vừa giảm hiệu suất công việc vừa ảnh hưởng đến những đồng nghiệp xung quanh. Nghẹt mũi khiến chị không thở được, phải thở bằng miệng nên thêm bệnh viêm họng.

Nếu không điều trị đúng cách, bệnh có thể kéo dài và tiến triển nặng hơn, gây ra các biến chứng như viêm xoang cấp - mạn tính, polyp mũi xoang; đồng thời tốn kém chi phí, tiền bạc, chất lượng cuộc sống suy giảm.

Nếu không điều trị đúng cách, bệnh có thể kéo dài và tiến triển nặng hơn, gây ra các biến chứng như viêm xoang cấp - mạn tính, polyp mũi xoang; đồng thời tốn kém chi phí, tiền bạc, chất lượng cuộc sống suy giảm.

Tình trạng này kéo dài gần 2 tuần khiến chị mệt mỏi, mất tập trung, cạn kiệt năng lượng. “Tôi stress kéo dài, lo âu, thậm chí có giai đoạn trầm cảm vì bệnh theo tôi 20 năm nay rồi” chị M. nói.

Chị M. viêm mũi dị ứng mạn tính. Đợt này, chị tái phát trùng vào đợt chị bị đau dạ dày, đang uống thuốc điều trị theo toa bác sĩ. Mỗi lần triệu chứng viêm mũi dị ứng “bùng” lên, chị uống thuốc để giảm triệu chứng nhưng đợt này không giảm nên đến Trung tâm Tai Mũi Họng, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM khám.

Anh D.H. (40 tuổi, Việt kiều Mỹ) bị dị ứng phấn hoa. “Năm nay, tôi dị ứng nặng hơn vì phấn hoa nhiều hơn những năm trước. Tôi uống thuốc và khám bác sĩ gia đình nhưng vẫn chưa khỏi bệnh”, anh H. nói.

Anh H. cho biết, mỗi khi chuyển mùa hoặc đến mùa “trăm hoa đua nở” là anh H. viêm mũi dị ứng nặng, hạn chế ra ngoài để không tiếp xúc phấn hoa. Anh không thể tập trung công việc, hiệu quả công việc giảm.

Anh chảy nước mắt, nước mũi; ngứa mắt; hai mí mắt sưng; hắt hơi liên tục; khò khè, nghẹt mũi, ho. Anh uống thuốc giảm triệu chứng nhưng người lừ đừ, mệt mỏi. Tình trạng này kéo dài hơn một tháng.

Viêm mũi dị ứng là bệnh cơ địa, do bẩm sinh, có tính di truyền. Điều trị viêm mũi dị ứng là điều trị để giảm triệu chứng, hạn chế tái phát, ngăn ngừa biến chứng và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người bệnh, không phải điều trị để dứt điểm bệnh”, bác sĩ Như Duy nói.

Còn chị M. được bác sĩ Duy hút dịch nhầy, nội soi tai mũi họng và kê đơn thuốc kháng histamin, thuốc nhỏ mắt và thuốc xịt mũi để giảm ngứa và các triệu chứng khó chịu. Tái khám sau 2 tuần, tình trạng nghẹt mũi, hắt hơi, nghẹt mũi của chị cải thiện nhiều.

Theo Học viện Dị ứng, Hen suyễn và Miễn dịch học Hoa Kỳ (AAAAI) có khoảng 10-30% dân số thế giới mắc chứng viêm mũi dị ứng. Nghiên cứu dịch tễ học cho thấy tỷ lệ dị ứng đường hô hấp là 15–30%, trong đó tỷ lệ viêm mũi dị ứng tăng theo thời gian, độ nhạy cảm ở khu vực thành thị cao hơn nông thôn.

Bác sĩ Như Duy cho biết, bệnh cũng phụ thuộc vào nhiều yếu tố bên ngoài như ô nhiễm môi trường, thay đổi thời tiết, môi trường làm việc. Với người cơ địa dễ bị kích ứng nên chủ động tăng cường miễn dịch, bảo vệ cơ thể khỏi các yếu tố gây dị ứng.

Viêm mũi dị ứng do phản ứng của cơ thể khi gặp chất có thể gây dị ứng (dị nguyên) như: bụi, phấn hoa, hóa chất, bông, vải, sợi, lông thú cưng, ký sinh trùng, khói; một số thực phẩm (tôm, cua, ốc…) hoặc do thời tiết (lạnh, nóng đột ngột, ẩm ướt). Người bệnh thấy cay cay trong mũi, hắt hơi liên tục, ngứa mũi, cay mắt, đỏ mắt, chảy nước mắt, chảy nhiều nước mũi trong như nước lã, cảm giác rát bỏng ở vòm hầu họng.

Ban ngày xuất hiện nhiều, đặc biệt là vào lúc sáng sớm vừa ngủ dậy, nhưng tối đến lại dịu đi và kéo dài vài ba ngày đến vài tuần. Khi bệnh trở thành mạn tính, người bệnh nghẹt mũi gần như thường xuyên, ù tai, nhức đầu, rối loạn khứu giác, ngủ ngáy, thở bằng miệng gây viêm họng, viêm phế quản, dị ứng phế quản và rất có thể hen suyễn.

Bệnh không gây nguy hiểm, không đe dọa tính mạng người bệnh nhưng gây khó chịu đáng kể, suy giảm chất lượng người bệnh, ảnh hưởng hiệu suất làm việc, học tập, sinh hoạt. Nhiều trường hợp rối loạn lo âu, trầm cảm vì sự khó chịu của bệnh.

“Có nhiều người bệnh dị ứng với gạo, dị ứng đậu phụ - nghe lạ như vậy nhưng vẫn có”, bác sĩ Duy nói. Một số người bệnh muốn biết chính xác chất gây dị ứng cho cơ thể thì có thể xét nghiệm 60 dị nguyên.

Đây là xét nghiệm sử dụng 60 mẫu dị nguyên có sẵn để xác định nguyên nhân gây dị ứng trong cơ thể, từ đó giúp người bệnh phòng ngừa, hạn chế tiếp xúc chất gây dị ứng, giảm tái phát bệnh.

Thạc sĩ bác sĩ CKII Nguyễn Như Duy, Trung tâm Tai Mũi Họng, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM cho biết, Bệnh viện thường xuyên tiếp nhận nhiều Việt kiều về nước đến khám vì dị ứng phấn hoa nặng ở nước ngoài; mỗi mùa hoa là một mùa ác mộng của họ.

Người bệnh biết rõ cơ địa dị ứng phấn hoa, sẵn đợt về nước đến khám, kiểm tra sức khỏe mũi họng có gặp các bệnh mũi họng khác ngoài dị ứng không. Vì một số người bệnh viêm mũi dị ứng kéo dài nhiều năm gây thoái hóa, phù nề niêm mạc mũi, phì đại cuốn mũi.

Trường hợp nếu bác sỹ phát hiện polyp mũi hay có bất thường về giải phẫu như lệch vách ngăn khiến viêm mũi dị ứng nặng hơn thì sẽ cân nhắc chỉ định phẫu thuật.

Trường hợp anh H., bác sỹ Như Duy nội soi tai mũi họng, không phát hiện bất thường cấu trúc giải phẫu mũi họng. Đợt này cũng không phải đợt anh H. tái phát viêm mũi dị ứng nên bác sĩ tư vấn, hướng dẫn cách chăm sóc mũi họng, sinh hoạt và dinh dưỡng để anh H. ngăn ngừa nhất có thể viêm mũi dị ứng tái phát khi trở lại Mỹ, giảm triệu chứng dị ứng phấn hoa.

Bác sỹ Duy hướng dẫn, với người viêm mũi dị ứng, khi các triệu chứng tái phát thì nên rửa mũi bằng nước muối sinh lý mỗi ngày 1-2 lần, uống thuốc giảm dị ứng; nếu dịch nhầy trong mũi nhiều thì phải bơm rửa mũi. Nếu uống thuốc, vệ sinh mũi họng từ 5-7 ngày mà không giảm triệu chứng thì phải đi khám bác sĩ chuyên khoa tai mũi họng; lưu ý không lạm dụng thuốc nhỏ mũi co mạch để giảm nghẹt mũi tức thì.

Nếu triệu chứng viêm mũi dị ứng “bùng” lên nhiều thì nên đi khám ngay; đồng thời tăng cường sức đề kháng, ăn uống nghỉ ngơi khoa học, giữ cho cơ thể không stress căng thẳng, tập thể dục nhẹ nhàng. Nếu viêm mũi dị ứng bội nhiễm (đã biến chứng bội nhiễm vi trùng) thì người bệnh phải dùng kháng sinh, kháng nguyên theo chỉ định của bác sỹ.

Nếu không điều trị đúng cách, bệnh có thể kéo dài và tiến triển nặng hơn, gây ra các biến chứng như viêm xoang cấp - mạn tính, polyp mũi xoang; đồng thời tốn kém chi phí, tiền bạc, chất lượng cuộc sống suy giảm.

Bác sỹ Duy khuyến cáo, với người viêm mũi dị ứng nên tránh tiếp xúc với tác nhân gây dị ứng. Nếu dị ứng phấn hoa thì hạn chế ra ngoài khi lượng phấn hoa nhiều trong không khí (5h – 10h sáng), đóng cửa sổ, nên sử dụng máy lọc không khí.

Vệ sinh nhà cửa thường xuyên, giữ nhà cửa khô ráo, đeo khẩu trang khi ra ngoài, hạn chế đến nơi khói bụi, hạn chế tiếp xúc thú cưng nếu dị ứng lông thú cưng. Vệ sinh tai mũi họng hàng ngày, ăn uống lành mạnh, tránh đồ uống có cồn, nên tập thể dục đều đặn để tăng cường hệ miễn dịch, ngủ đủ giấc (7-8 giờ/đêm), tránh căng thẳng

D.Ngân

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/am-anh-viem-mui-di-ung-d220731.html