Ám ảnh với 'Người hát' của Bùi Mai Hạnh
Tôi đọc những gì Bùi Mai Hạnh viết và cảm thấy tâm hồn mình cũng bừng sáng theo từng câu chữ của chị.

Vợ chồng nhà thơ Bùi Mai Hạnh - Gary
Tôi tin hơn, yêu hơn, lạc quan hơn về cuộc sống vốn đầy lo toan mà vô cùng tươi đẹp này khi trôi vào những trang chị viết. Và xác tín hơn về sự tồn tại của tình yêu vợ - chồng; cuốn sách của chị nhắc tôi tự nhìn lại câu ngạn ngữ "hôn nhân là nấm mồ của tình yêu" và đặt nhiều câu hỏi nghi vấn.
Tôi không phải là người mê thơ dù có đọc thơ (tôi đọc không nhiều thơ). Thơ ca cũng không quan hệ gì tới nghề nghiệp của tôi. Tôi chỉ là một người đọc bình thường như nhiều người đọc khác. Tôi cảm thơ theo cách riêng của tôi. Và có lẽ chưa cuốn thơ nào ám ảnh tôi như cuốn Người hát của chị Hạnh.
Có lẽ cần phải định nghĩa lại về THƠ khi bàn đến cuốn thơ Người hát. Không nhiều vần điệu, không theo một quy tắc, niêm luật nào như các thể thơ truyền thống (lục bát, thất ngôn tứ tuyệt...), chị Hạnh trải tâm hồn mình ra trang giấy bằng câu chữ, ngôn từ. Và dòng mạch cảm xúc lúc ào ạt, lúc từ tốn, lúc vui, lúc buồn, lúc hạnh phúc, khi đớn đau được chị diễn tả bằng câu chữ đó được gọi là THƠ. Chị Hạnh kể về cuộc đời mình, cuộc đời chồng mình, chị kể chuyện đời xung quanh mình bằng dòng chảy của mạch tư duy và cảm xúc ấy. Chúng không giống những gì mà chúng ta vẫn hình dung một cách thông thường về THƠ. Nhưng nó lại đầy "chất thơ" và rất "nên thơ". Những trang viết của chị là tâm hồn chị trải ra trên trang giấy theo cách riêng của chị, rất khác biệt và không trộn lẫn. Nó không giống THƠ theo logic hình thức nhưng lại rất THƠ theo logic biện chứng. Và xét đến cùng, chính cái logic biện chứng mới phản ánh bản chất của thế giới.

Bùi Mai Hạnh với tập thơ "Người hát"
Tôi nhớ Ocean Vương, tác giả cuốn sách Một thoáng ta rực rỡ ở nhân gian, đã viết rằng: "Ranh giới thể loại chỉ tồn tại khi trí tưởng tượng của chúng ta quá nhỏ bé". Bạn có thể gọi tên thể loại theo cách mà bạn muốn, bạn cảm và bạn thẩm thấu.
Chị Hạnh trải tâm hồn mình ra từng trang viết. Bạn đọc nó, những câu chữ ấy "va" vào tâm hồn bạn làm trào dâng những cung bậc cảm xúc trong tâm hồn bạn. Điều ấy mới thực là quan trọng. Và tôi yêu Người hát không phải là bởi tôi yêu thơ, mà là tôi yêu tâm hồn người viết ra những câu chữ ấy.
Trong rất nhiều xúc cảm của tôi về Người hát thì "chàng thơ", ông nông dân của Bùi Mai Hạnh là một tâm điểm. Gary chính là nguồn cảm hứng cho chị viết phần hai Người huýt sáo. Câu chuyện về Gary cũng được chị Hạnh chia sẻ chân thật, cảm động và đầy yêu thương qua từng trang viết. Chị kể chuyện, chị vẽ chân dung "chàng thơ" của chị bằng THƠ, rất thơ và đầy chất thơ.
Dòng họ nhà Gary là một trong những thế hệ người di cư đến Úc đầu tiên từ Scotland. "Chuyện dòng họ McLay" đã kể câu chuyện về tổ tiên 5 đời của Gary khi rời cố quốc để tìm tương lai ở vùng đất mới - nước Úc. Mẹ Gary thật mừng vì anh không phải theo cha làm cảnh sát - một nghề hiểm nguy phức tạp; mẹ anh cũng mừng vì anh không bị gửi đi chiến tranh ở Việt Nam; mẹ mừng vì anh vào đại học học được một nghề để mưu sinh; mừng vì cô con dâu Mai Hạnh "mang đứa con trai lưu lạc" của bà trở về bên mẹ. Tấm lòng của một người Mẹ Úc đã được "kể" thật chân thực mà chứa chan cảm xúc.
Gary đã được nhận một nền giáo dục gia đình thật căn cơ, bài bản. Mẹ dạy anh cầm kim khâu là một bài thơ cảm động và chạm đến thẳm sâu trái tim độc giả. Mẹ dạy anh từ những thứ nhỏ bé nhất để biết tự chăm sóc, tự phục vụ bản thân. Mẹ cũng dạy anh cách thưởng thức cuộc sống từ những điều bình dị, biết "uống rượu nhảy múa say sưa hết mình dịp lễ hội". Mẹ dạy anh yêu lao động, có lòng xót thương, không gian dối, biết tôn trọng người khác ý kiến. Và mẹ dạy cả nàng dâu Mai Hạnh: "Các con hãy lo cho mình, mẹ lo cho mẹ", "Đời không cho hoa thì ta ngắm lá".
Hình ảnh người đàn ông Gary ngồi khâu gấu quần, chiếc kim thì nhỏ trượt khỏi hai ngón tay đàn ông vụng về, Gary ngồi đơm lại cúc áo mới thật bình dị và đẹp làm sao. Sức lan tỏa và lay động của những hình ảnh này thật lớn lao. Đó chính là thước đo thành công của "nghề làm mẹ".
Với một nền giáo dục gia đình chỉn chu, căn cơ, lại là người hướng nội, Gary chúc mừng vợ vì có nhiều bạn thân. Tuy nhiên, anh hài lòng với mối quan hệ rất "hữu hạn" của mình: Bạn thân nhất của anh là vợ, bạn thân nhì là em trai, người thứ ba là em gái, thân thứ tư: không ai cả. Gary thấy đủ đầy trong tình bạn với người bạn đời. Anh làm bạn với sách vở, công việc, đồng nghiệp, thiên nhiên và với chính mình. Anh tự gieo gặt vui buồn và an nhiên tự tại với cuộc sống không nhiều quan hệ xã hội của mình. Chất lượng cuộc sống của bạn không phụ thuộc vào số lượng quan hệ xã hội mà bạn có, nó do nội lực của bạn quyết định phần lớn.

Vợ chồng nhà thơ Bùi Mai Hạnh - Gary
Quan niệm của Gary về sự giàu có trong bài Làm giàu đáng không em? thật sự đáng cho mỗi chúng ta suy ngẫm. Tôi nghĩ đây không chỉ là quan niệm sống của cá nhân anh mà là một triết lý sống nhân văn. Anh chọn hạnh phúc, anh chọn thời gian cho gia đình, sức khỏe và tình yêu thay vì chọn làm người giàu có với rất nhiều sì- trét, với rất nhiều tâm sức phải bỏ ra để "quản lý sự thừa thãi" và các hệ lụy tiêu cực khác của người giàu. "Không muốn giàu là một lựa chọn" của Gary để hướng tới một cuộc sống cân bằng và hài hòa. Tôi cũng chưa tìm hiểu định nghĩa thế nào là GIÀU theo tiêu chuẩn Úc. Nhưng "không giàu" như Gary mà đưa vợ đi vòng quanh nước Úc mấy tháng trời trên chiếc moto home thì khối người trong đó có tôi thầm mơ ước từ lâu.
Gary, một người đàn ông được giáo dục căn cơ, bài bản làm độc giả không khỏi bất ngờ và rưng rưng trong đoạn đối thoại được Mai Hạnh miêu tả:
ngày của cha tôi nói với chồng:
"cám ơn anh, người cha dượng tử tế của con em"
chồng tôi bất ngờ phản đối:
"không, em nói sai rồi
anh không phải là cha dượng,
anh là một người cha"
Đỉnh cao của nhân văn. Đoạn đối thoại xóa đi biết bao định kiến và củng cố niềm tin vào những gì đẹp đẽ, thánh thiện của cuộc sống này. Cám ơn Gary, cám ơn chị Hạnh.
Với con thì như vậy, Gary chỉ là cha thôi, không phải là cha dượng. Với vợ thì sao?
Sao anh không giữ em? là một bài không thể tuyệt hơn về người bạn đời Gary của Mai Hạnh. Trước khi họ là vợ chồng, họ là những người bạn. Sẻ chia và thấu hiểu. Bởi với Gary, thế giới này được vận hành bằng tình yêu thương và lời thứ tha. Và với Gary, cái thế giới anh đang sống chính là một thiên đường trên mặt đất. Thế giới này đẹp hơn cả thế giới "đón anh chào đời" (sau khi anh về cõi khác mà người ta vẫn gọi là thiên đường).
Với một tâm thức sống như thế, Gary làm mọi việc với tình yêu. Anh huýt sáo khi làm mọi việc. "Anh vừa giặt đồ lót của vợ vừa huýt sáo" là một câu thơ hay nhất trong những câu thơ hay. Gary "tự hào là người bình thường", lương thiện, có được niềm tin yêu của mọi người.
và điều khiến anh thật hạnh phúc, sau rất nhiều trả giá mê lầm
là được bước vào tuổi bảy mươi với trái tim mười bảy
sau giấc ngủ trẻ thơ, anh thấy mình thức dậy
tự hào là người chồng khỏe mạnh Để Yêu Em
Vui với niềm vui của chị, niềm hạnh phúc của chị có hiệu ứng "lây lan". Mong rằng những hình ảnh bình dị đẹp đẽ về cuộc sống của chị và ông nông dân tiếp tục lan tỏa để thế gian này thêm đẹp đẽ và bình an.
Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/am-anh-voi-nguoi-hat-cua-bui-mai-hanh-20250417212419435.htm