Ấm áp nghĩa tình 'Căn nhà hậu phương'
Nhận được tin gia đình vừa được Ban CHQS huyện Long Thành (Đồng Nai) phối hợp với Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện trao tặng 'Căn nhà hậu phương', chiến sĩ Nguyễn Trương Minh Thông, đang huấn luyện tại Tiểu đoàn 1, Lữ đoàn 96 (Binh chủng Pháo binh) vui mừng báo cho hai người em trai cùng là chiến sĩ Tiểu đoàn 1.
Trong niềm phấn khởi dâng trào, cả 3 anh em bày tỏ quyết tâm học tập, rèn luyện thật tốt để không phụ niềm tin và sự giúp đỡ của cơ quan quân sự và các ban, ngành địa phương. Đây là kết quả của mô hình “Căn nhà hậu phương” được Ban CHQS huyện Long Thành và Ban CHQS các huyện, thành phố, thị xã thuộc tỉnh Đồng Nai thực hiện hiệu quả trong thời gian qua.
Nói về mô hình này, Thượng tá Nguyễn Tống Quế, Phó chủ nhiệm Chính trị Bộ CHQS tỉnh Đồng Nai cho biết: Mấy năm trước, một số địa phương trong đó có huyện Định Quán gặp nhiều khó khăn trong công tác tuyển chọn, gọi công dân nhập ngũ. Một trong những nguyên nhân là nhiều hộ gia đình ở vùng sâu, vùng xa, thuộc diện hộ nghèo có con trai đến tuổi thực hiện nghĩa vụ quân sự, nhưng khó khăn về nhà ở. Trong khi đó, thanh niên các hộ này là lao động chính, chỗ dựa của cả gia đình nên trước khi lên đường nhập ngũ, anh em thường lo lắng, trăn trở, có ý định thoái thác, gây phức tạp trong công tác tuyển quân. Trước tình hình đó, Ban CHQS huyện Định Quán đề xuất thực hiện mô hình xây dựng “Căn nhà hậu phương” tặng các hộ gia đình có con chuẩn bị nhập ngũ, hoặc đang phục vụ tại ngũ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.
Mỗi “Căn nhà hậu phương” được hỗ trợ khoảng 70 triệu đồng trở lên cùng nhân công xây dựng và một số vật dụng thiết yếu do Ban CHQS huyện phối hợp vận động nhà hảo tâm tài trợ. Giá trị tuy không lớn nhưng đó là tấm lòng, tình cảm của hậu phương kịp thời động viên vật chất, tinh thần để thanh niên yên tâm lên đường nhập ngũ. Theo Thượng tá Nguyễn Ích Hiệp, Chính trị viên Ban CHQS huyện Long Thành, quy trình thực hiện mô hình chặt chẽ từ việc tuyên truyền, vận động kinh phí, vật chất, vật liệu của các doanh nghiệp, nhà hảo tâm đến công tác phối hợp với cấp ủy, chính quyền các xã, thị trấn xét chọn công khai, tiến hành khởi công, xây dựng, khánh thành và tổ chức trao tặng trang trọng, mang ý nghĩa chính trị xã hội sâu sắc.
Ý nghĩa của mô hình chính là sự tác động tích cực đến tâm lý của thanh niên và gia đình, góp phần quan trọng hoàn thành nhiệm vụ tuyển chọn, gọi công dân nhập ngũ của địa phương. Nhờ đó, quy trình, chất lượng công tác tuyển quân của đơn vị có nhiều chuyển biến tiến bộ, hoàn thành chỉ tiêu, đúng luật định, khắc phục hiện tượng thoái thác, xin tạm hoãn nghĩa vụ quân sự hằng năm.
Từ căn nhà đầu tiên, đến nay, nhiều huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đã áp dụng phù hợp với đặc điểm, khả năng và thực tế địa bàn, lan tỏa ý nghĩa của mô hình, nhận được sự ủng hộ của chính quyền và nhân dân địa phương. Theo Đại tá Bùi Văn Sỹ, Phó chính ủy Bộ CHQS tỉnh Đồng Nai, mô hình “Căn nhà hậu phương” là cách làm sáng tạo, thiết thực, ý nghĩa, không chỉ thực hiện tốt chính sách hậu phương Quân đội mà còn động viên cán bộ, chiến sĩ yên tâm phấn đấu rèn luyện, công tác, cổ vũ thanh niên địa phương hăng hái tham gia thực hiện nghĩa vụ quân sự bảo vệ Tổ quốc.
Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/chinh-sach/am-ap-nghia-tinh-can-nha-hau-phuong-728361