Ấm lòng vùng đất thép

Những ngày tháng 4 lịch sử, Củ Chi - vùng đất anh hùng từng nhuốm màu khói lửa đang sáng lên hành động ấm áp, nghĩa tình. Chương trình khám bệnh quân-dân y do Tổng cục II (Bộ Quốc phòng) phối hợp Bộ Tư lệnh Thành phố Hồ Chí Minh và chính quyền xã Phú Hòa Đông tổ chức mang lại niềm xúc động cho người dân; đặc biệt với các thương binh, bệnh binh, Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, người có công với cách mạng.

Bác sĩ quân y Phạm Văn Dũng (Cục 12) khám chữa bệnh cho người có công. (Ảnh ANH THẾ)

Bác sĩ quân y Phạm Văn Dũng (Cục 12) khám chữa bệnh cho người có công. (Ảnh ANH THẾ)

Từ sớm tinh mơ, các cụ ông, cụ bà, các thương binh, bệnh binh-những nhân chứng sống của một thời khói lửa đã lặng lẽ có mặt; tay chống gậy, chân bước chậm nhưng ánh mắt ai cũng ánh lên niềm vui. Những người lính trẻ hôm nay trong sắc áo xanh quân y ân cần dìu các bậc cao niên vào khu vực khám bệnh. Mỗi bước chân, cái nắm tay đều tràn đầy sự trân trọng sâu sắc với thế hệ đi trước.

Ông Hồ Kinh Kha, thương binh hạng 2, tuổi ngoài bảy mươi, tai đã lãng xúc động nói: “Mấy chục năm rồi, sức khỏe tôi yếu dần. Hôm nay được bộ đội về tận nơi thăm khám, tôi mừng lắm. Mấy chú rất chu đáo, hỏi han kỹ càng từng bệnh. Tấm lòng này đáng quý vô cùng”. Ngồi chờ bên cạnh, ông Nguyễn Văn Mẫn, thương binh hạng 3, ánh mắt xa xăm khi nhắc về những cơn đau dai dẳng do mảnh đạn còn sót lại trong đầu: “Có lúc đau như muốn phát điên... Nhưng hôm nay, tôi không cảm thấy cô đơn nữa. Được bác sĩ về tận nơi khám, hỏi han, tôi thấy nhẹ lòng và ấm áp”.

Trong dòng người thăm khám, có cả bà Nguyễn Thị Hồng đã 77 tuổi, từng hoạt động binh vận, nuôi giấu cán bộ dưới hầm bí mật. Dù mang trong mình bệnh tim, mắt mờ, hay vấp ngã, nhưng nhắc đến quá khứ bà như trẻ lại: “Ngày ấy tôi chẳng biết sợ là gì. Làm cách mạng mà, ba mẹ mình còn không biết, chỉ sợ nếu bị lộ cả nhà sẽ chết. Giờ nghĩ lại, tôi thấy hào hùng lắm!”. Hiện mỗi ngày bà Hồng phải uống tám viên thuốc để duy trì sự sống. “Nhưng nhờ có sự quan tâm của địa phương, tôi thấy mình không bị bỏ lại phía sau”, bà nghẹn ngào.

Không chỉ thăm khám, các bác sĩ quân y còn tận tình tư vấn chế độ ăn uống, chăm sóc sức khỏe tuổi già. Họ lắng nghe từng triệu chứng, nắm rõ từng bệnh sử để không chỉ kê đơn mà còn mang đến sự thấu hiểu và sẻ chia. Bác sĩ Nguyễn Đức Thư, quân y Cục 12 tâm sự: “Chúng tôi dậy từ 5 giờ sáng để kịp đến với bà con. Nhìn những ánh mắt tin tưởng và nụ cười mãn nguyện của các cụ, chúng tôi càng thêm vững tin vào sứ mệnh của mình”. Bác sĩ Phạm Văn Dũng, cũng là quân y của Cục 12 cho biết: “Nhiều cụ bị đái tháo đường, huyết áp cao, thoái hóa khớp… Có cụ bệnh đã biến chứng mờ mắt, tê bì. Chúng tôi khám rất kỹ và hướng dẫn lên tuyến trên nếu cần. Quan trọng là tạo sự thân thiện, gần gũi như người nhà để mọi người yên tâm chữa bệnh”.

Những lời cảm ơn, cái bắt tay siết chặt và ánh mắt rưng rưng của người dân khi khám bệnh xong đã nói thay nhiều điều. Nghĩa tình quân dân được vun đắp, lan tỏa từ chính những việc làm bình dị mà ý nghĩa.

Vùng đất Củ Chi từng một thời là “đất thép thành đồng”, nay tiếp tục ghi dấu bằng tình người và sự tri ân. Những người lính hôm nay vẫn âm thầm hoạt động trên mặt trận gìn giữ sức khỏe, bình an cho người dân.

CHI MAI

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/am-long-vung-dat-thep-post873307.html