Ấm mãi tình đồng đội

- Tuần này, con có rảnh không?

- Dạ, con đang tính gọi cho bố đây. Cuối tuần con về chở bố đi ạ.

Như một việc thường niên, năm nào tới Ngày thương binh - liệt sĩ (27-7), bố cũng nhờ tôi chở qua Đồng Nai thăm chú Việt và viếng nghĩa trang, thắp nhang cho đồng đội cũ. Tôi luôn chủ động sắp xếp công việc dù có bận đến mấy. Bởi tôi biết, đối với bố, ngày này có ý nghĩa vô cùng quan trọng.

Bố tôi là thương binh. Ông bị mất một cánh tay và có vài mảnh đạn vẫn còn ghim trong cơ thể. Trí nhớ của ông không còn tốt, thỉnh thoảng trở trời là đầu đau như búa bổ. Chiến tranh đã để lại trên cơ thể bố những dấu tích không thể xóa nhòa.

Bố tôi sinh ra và lớn lên trong một làng nhỏ ở miền Trung, nơi mà từ bé, ông đã chứng kiến bao cảnh mất mát, lầm than. Khi vừa đủ tuổi nhập ngũ, bố tôi lên đường vào chiến trường miền Nam chiến đấu. Ông cùng đồng đội vào sinh ra tử, trải qua biết bao trận đánh ác liệt. Trong một trận càn quét, cả tiểu đội gần như bị xóa sổ, bố tôi bị thương rất nặng. Sau đó, bố được đưa về hậu phương để điều trị và hồi phục.

Dù mất một cánh tay và nhiều vết thương trên cơ thể nhưng bố tôi không bao giờ từ bỏ hy vọng và luôn giữ vững tinh thần lạc quan. Khi trở về cuộc sống đời thường, ông tiếp tục vươn lên, làm kinh tế, tham gia các hoạt động cộng đồng để giúp đỡ những người cũng bị ảnh hưởng bởi chiến tranh.

Bố tôi luôn nhấn mạnh tầm quan trọng của sự kiên trì và lòng quyết tâm. Bố thường kể cho chúng tôi nghe câu chuyện về lòng dũng cảm và tình bạn của những người đồng đội năm xưa cùng ông chiến đấu.

Bố và chú Việt là hai người may mắn sống sót sau trận càn quét xóa sổ gần một tiểu đội năm đó. Cả hai đều là thương binh hạng nặng và mất đi một phần cơ thể. Chú Việt phải cắt cụt hai chân, việc đi lại phụ thuộc vào chiếc xe lăn, vì thế bố tôi luôn là người đến thăm chú.

Nhờ sự quan tâm của Nhà nước, sau giải phóng, bố tôi và chú Việt đều được hỗ trợ để ổn định cuộc sống. Là lính Cụ Hồ nên cả hai đều siêng năng, làm kinh tế khá, giỏi; chú Việt mấy lần còn được lên tivi nhờ mô hình nông nghiệp mới thành công, là điển hình tiên tiến của huyện.

Năm nào bố con tôi ghé thăm cũng nhận được sự tiếp đón nồng hậu, ấm áp của gia đình chú. Cô Hòa, vợ chú Việt, luôn nấu thật nhiều món ngon, dân dã vì biết bố tôi và chú Việt kiểu gì cũng nhâm nhi tới tận tối mịt, khề khà ôn lại kỷ niệm lúc còn kề vai sát cánh chiến đấu trong rừng. Những câu chuyện của bố tôi và chú dường như không có hồi kết. Khi đã ngà ngà say, hai người lại ôm nhau khóc, cười...

Nhà chú luôn sẵn một phòng riêng cho bố con tôi ở lại qua đêm, nhưng tôi thường qua ngủ với Nam, con trai của chú. Chúng tôi biết nhau từ nhỏ nên khá thân. Còn lại bố và chú trong căn phòng treo những tấm huân chương kháng chiến hàn huyên, ôn lại kỷ niệm.

Sáng hôm sau, tôi chở bố và chú Việt ra nghĩa trang liệt sĩ. Hai người thắp những nén nhang thơm, nói vài câu bông đùa với đồng đội cũ rồi thỉnh thoảng đưa tay lau sạch tấm bia đã mờ, rưng rưng xúc động. Đôi mắt họ nhìn xa xăm như đang tưởng nhớ một điều thiêng liêng.

Tình bạn, tình đồng chí, đồng đội của những người lính Cụ Hồ từng sát cánh bên nhau vào sinh ra tử thật vĩ đại! Họ chia nhau từng củ sắn, củ khoai, nắm chặt tay nhau trong giây phút cuối cùng của cuộc đời. Đối với người ở lại, trong sâu thẳm trái tim, mãi nhớ về nhau, những người đồng đội ấy...

Bích Nguyệt

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/19/160487/am-mai-tinh-dong-doi