Ấm mãi tình đồng đội

Tại huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa, Ban liên lạc Tiểu đoàn Đặc công 30-871 vừa tổ chức kỷ niệm 53 năm Ngày nhập ngũ. Đây là hoạt động thiết thực góp phần thắt chặt tình đồng chí, đồng đội theo phương châm, giúp các hội viên sống vui, sống khỏe và nêu gương sáng cho các con, cháu...

Những vòng tay ôm thật chặt trong ngày gặp mặt kỷ niệm 53 năm Ngày nhập ngũ, làm dâng trào niềm hạnh phúc trong lòng các cựu chiến binh Tiểu đoàn huấn luyện Đặc công phiên hiệu 30, Binh chủng Đặc công. Cựu chiến binh (CCB) Vũ Xuân Túc, Trưởng ban Liên lạc Đặc công Đoàn 30-871 liên tỉnh chia sẻ: ''53 năm về trước, vào tháng 8-1971, chúng tôi gồm hơn 1.200 thanh niên của các tỉnh, thành phố Hà Tây, Hà Nội, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình và Thanh Hóa, tạm gác lại mọi ước mơ hoài bão, lý tưởng, khoác ba lô trên vai, lên đường nhập ngũ bảo vệ Tổ quốc.

Chúng tôi rất vinh dự, tự hào, khi được tuyển lựa vào Binh chủng Đặc công - một lực lượng tinh nhuệ của lực lượng vũ trang nhân dân. Chính về thế, cái tên Ban Liên lạc Đặc công Đoàn 30-871 là để nói về một điểm chung của các hội viên. Đoàn 30 là Tiểu đoàn huấn luyện Đặc công phiên hiệu 30. Còn 871 là lấy tắt số tháng 8-1971, thời điểm chúng tôi bắt đầu trở thành Bộ đội Cụ Hồ”.

Các hội viên trong ngày gặp mặt.

Các hội viên trong ngày gặp mặt.

Niềm vinh dự, tự hào cũng là nguồn sức mạnh tinh thần để các chàng trai trẻ cùng nhau vượt qua giai đoạn kỹ thuật chiến đấu đặc công có thể nói cực kỳ nghiệt ngã và gian khổ, thao trường, đồi Ngô, đồi không tên ở huyện Lục Nam, Lục Ngạn, Bắc Giang đầy nắng và gió. Bao nhiêu năm đã trôi qua, nhưng hình ảnh đồng đội thực hiện kỹ thuật khom, bò, trườn, vượt hào chông, vật hàng rào thép gai... vẫn in đậm trong các câu chuyện như mới xảy ra ngày hôm qua.

Sau khóa huấn luyện đầy thử thách với môi trường khắc nghiệt, những người đồng chí cùng nhập ngũ ngày nào bịn rịn chia tay nhau để tỏa đi khắp các chiến trường, được biên chế vào các đơn vị và tham gia các trận đánh lớn nhỏ. Nhiều đồng chí đã lập công lớn, được khen thưởng, nhưng cũng có hơn 400 đồng chí vĩnh viễn nằm lại trên các chiến trường và hàng trăm đồng chí để lại một phần xương máu tại mặt trận.

Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước, các thanh niên cùng nhập ngũ vào Tiểu đoàn 30-871, tuy làm nhiều công việc và định cư ở các miền quê khác nhau, nhưng những ký ức, kỷ niệm về tình đồng chí, đồng đội những ngày nào trên thao trường nắng lửa vẫn vẹn nguyên. Đây chính là sợi chỉ đỏ để kết nối họ từ khắp các mọi miền đất nước đến với nhau và thành lập Ban liên lạc Cựu chiến binh Đặc công Đoàn 30-871 vào tháng 8-2002.

Các hội viên dự gặp mặt kỷ niệm 53 năm Ngày nhập ngũ.

Các hội viên dự gặp mặt kỷ niệm 53 năm Ngày nhập ngũ.

Từ khi thành lập đến nay, Hội CCB Đặc công 30-871 luôn chú trọng hoạt động tình nghĩa và tri ân; đoàn kết tập hợp hội viên chấp hành nghiêm đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước, bảo vệ lợi ích chính đáng của hội viên; hỗ trợ giúp nhau xóa đói, giảm nghèo, tham gia hoạt động nghĩa tình đồng đội, giúp các hội viên sống vui, sống khỏe và nêu gương sáng cho các con cháu...

Theo đó, hằng năm, Ban liên lạc đều tổ chức cho các hội viên gặp mặt tham gia nhiều hoạt động ý nghĩa, như: Dâng hương và tham quan di tích lịch sử; tổ chức giao lưu “Uống nước nhớ nguồn”; ôn cố tri tân. Đồng thời, qua đó nắm tình hình hoàn cảnh gia đình các hội viên, hễ ai gặp khó khăn, Ban liên lạc đều chung sức đồng lòng để hỗ trợ, động viên đồng đội phát huy phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ vượt khó xây dựng gia đình ấm no hạnh phúc.

Ví như vừa rồi, sau khi biết tin hội viên Nguyễn Văn Tụng, 73 tuổi, ở Kim Bảng và hội viên Đỗ Văn Lăng ở Mỹ Lộc, Nam Định không may bị bệnh hiểm nghèo, Ban liên lạc đã phát động các hội viên ủng hộ kinh phí hỗ trợ các đồng chí chữa bệnh và hàng năm mỗi dịp lễ, Tết đều phân công hội viên đến thăm, hỏi động viên. Đặc biệt, Hội đã phối hợp cùng cấp ủy, chính quyền và nhân dân tìm kiếm, đón nhận nhiều hài cốt liệt sĩ về an táng tại các nghĩa trang quê nhà, trong đó có 11 hài cốt của cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 30.

CCB Cao Văn Thường, tỉnh Thái Nguyên cho biết: "Trên đường ra trận, tôi đã ghi chép nhật ký hằng ngày để lưu lại tất cả kỷ niệm, phòng khi có điều gì bất trắc thì nhờ đồng đội gửi về cho gia đình để người thân biết mình và đồng đội đã sống, chiến đấu và hy sinh ở đâu. Cuốn nhật ký cũng là cẩm nang để chúng tôi tìm kiếm, quy tập các đồng đội hy sinh về với quê hương, đất mẹ”.

Bài, ảnh: VIỆT HÀ

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/nuoi-duong-van-hoa-bo-doi-cu-ho/am-mai-tinh-dong-doi-789793