Âm nhạc trị liệu đến với công chúng
Không bị chi phối bởi lời ca, khán giả thụ hưởng một không gian thuần âm nhạc để giúp người nghe tự chữa lành cho chính mình
Trong đêm nhạc "Bình yên" kỷ niệm 30 năm sáng tác của mình (diễn ra vào ngày 15-5 tại Nhà hát Hòa Bình, TP HCM), nhạc sĩ Quốc Bảo sẽ giới thiệu tác phẩm "Dreamer" - một định hướng sáng tác mới của anh trong thời gian tới. Đó là tác phẩm khí nhạc, được biểu diễn với tiết mục ballet solo của nghệ sĩ. Nhạc sĩ Quốc Bảo cho biết: "Tôi đã có 1.000 ca khúc và giờ đây tôi muốn làm mới chính mình bằng một định hướng khác. Một thể loại âm nhạc mang tính trị liệu, chữa lành nhiều hơn".
Dùng âm nhạc để chữa lành
Trong khi đó, nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung cũng chuẩn bị ra mắt album thuộc phong cách âm nhạc trị liệu với tên gọi "Heal me". Nói về sản phẩm này, nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung cho biết: "Từng trải qua sự kiệt quệ và bế tắc về tinh thần, bản thân tôi đã dùng âm nhạc để tự chữa cho mình. Vốn là người lạc quan, tích cực, tôi chưa bao giờ nghĩ bản thân lại gục ngã. Và lúc đó, tôi nhận ra âm nhạc thật kỳ diệu".
Khi nghệ sĩ Ngô Hồng Quang giới thiệu tác phẩm "Tình đàn", khán giả bất ngờ bởi sự kết hợp thú vị giữa các sắc màu âm nhạc trong sản phẩm. Đó là một album âm nhạc dân tộc mộc mạc, giản dị và rất thú vị. Nó được phối rất mới, gồm các nhạc cụ dân tộc: nhị, đàn môi, đàn tính, đàn bầu, vừa độc tấu vừa hòa tấu. "Tôi muốn trở về với những thứ nguyên bản, mộc mạc và hồn hậu nhất của âm nhạc, không phải với âm nhạc điện tử nữa. Đó cũng chính là hành trình trở về bản thể của chính mình, cội nguồn của mình" - nghệ sĩ Ngô Hồng Quang bày tỏ.
"Tình đàn" giống như một cuốn nhật ký ghi lại hành trình mang âm nhạc dân tộc Việt Nam vươn ra thế giới của Ngô Hồng Quang. Sự giao thoa và song hành của âm nhạc dân tộc cùng thanh âm đa dạng từ âm nhạc quốc tế, sự tương tác và môi trường âm nhạc không biên giới chính là nguồn cảm hứng vô tận nhạc sĩ muốn gửi đến khán giả.
Với khán giả nghe nhạc, những thanh âm trong album này đơn giản là tinh hoa âm nhạc các vùng miền mang đến cho người nghe những xúc cảm đặc biệt. Ở đó, sự thụ hưởng của người nghe không bị chi phối bởi lời ca nhưng cảm xúc thưởng thức lại trọn vẹn với một không gian âm nhạc đầy sắc thái.
Việc theo đuổi âm nhạc trị liệu cũng là định hướng của nhạc sĩ Võ Thiện Thanh từ nhiều năm trước. Những sản phẩm mang phong cách chill-out/Lounge Music của anh đã để lại những dấu ấn đặc biệt với khán giả yêu nhạc qua dự án "Trung Nguyên Lounge Music", mở đầu bằng bộ đôi album "Rừng xưa đã khép" và "Hòa âm của đại ngàn". Ngoài ra, 2 album trước đó là "Listen Or Walk" và "Nụ hôn của biển" cũng là điểm nhấn thú vị mang tên Võ Thiện Thanh trong phân khúc âm nhạc trị liệu này.
Lấy cảm hứng từ thiên nhiên
Mới đây nhất, trong sản phẩm "Khánh Linh’s Journey", một lần nữa nhạc sĩ Võ Thiện Thanh khiến người nghe nhạc thay đổi phần nào cách nhìn về âm nhạc hiện nay. Ở đó, giọng ca chỉ là một phần hỗ trợ cho thanh âm, sắc thái âm nhạc được giới thiệu với khán giả qua những tác phẩm âm nhạc. Một sản phẩm mang phong cách New Age, mang tính chất mô tả thiên nhiên hùng vĩ, sự thăng hoa của tâm hồn với tính chất của một dàn nhạc lớn.
"Trong một không gian rộng lớn mà không máy quay nào ghi lại được hết những gì qua âm thanh. Các giai điệu không những đẹp mà còn biến chuyển không ngừng. Tôi ý thức mình như một phần của dàn nhạc nhưng vẫn len lỏi được tính cá nhân hóa trong tất cả tác phẩm" - ca sĩ Khánh Linh chia sẻ về "Khánh Linh’s Journey".
Nhạc sĩ Võ Thiện Thanh nói thêm: "Để gọi tên dòng nhạc này thì đó chính là New Age. Một dòng nhạc chủ yếu lấy cảm hứng từ thiên nhiên, mô tả thiên nhiên. Chính vì xuất phát từ thiên nhiên nên nó mang lại lợi ích về mặt tâm hồn cho người nghe, giúp họ thư giãn, thư thái và có tác dụng chữa lành". New Age rất phong phú về phương tiện thể hiện, từ những nhạc cụ đơn lẻ cho tới cả dàn nhạc hoành tráng như Kitaro, Janni, Scret Garden... đến những phong cách âm nhạc cho thiền, nhạc điện tử như lounge, chill-out...
Thú vị về mặt âm nhạc là điều tất nhiên dù nhiều nhạc sĩ theo đuổi dòng nhạc này thừa nhận lượng khán giả hiện không nhiều. Nhạc sĩ Võ Thiện Thanh chia sẻ: "Tôi không chọn dòng nhạc này mà đơn giản là bị hút, bị cuốn theo. Ai theo nghiệp sáng tác lâu dài, đến một lúc cũng sẽ như vậy, vì chân trời rộng mở phía trước mời gọi".
Nghệ sĩ Ngô Hồng Quang thừa nhận anh thấy con đường mình đi gian nan và đơn độc nhưng khẳng định: "Tôi nghĩ quan trọng là mình tìm được con đường mình đi, hiểu mình là ai và mình muốn gì? Khi hiểu rõ điều đó thì mình cứ làm việc và sáng tạo, thực hiện những dự án, ý tưởng và tiếp tục cho hành trình âm nhạc đó… Chúng ta đang thiếu những người dám dấn thân và tôi muốn là người tiên phong. Dám bứt ra khỏi vùng an toàn thì âm nhạc mới đa dạng và phong phú được".
Vùng đất tiềm năng
Âm nhạc trị liệu là thứ rất cần trong tương lai và mang nhiều triển vọng bởi "cuộc sống ngày càng áp lực, con người rất cần thứ âm nhạc để xoa dịu và chữa lành tâm hồn. Tôi nghĩ đây là vùng đất tiềm năng để các nhạc sĩ dấn thân" - nhạc sĩ Võ Thiện Thanh đánh giá. Đó là lý do anh và nhiều nhạc sĩ khác đang theo đuổi và thực hiện nhiều dự án, trong đó có cả những buổi hòa nhạc giữa thiên nhiên, mang mọi người đến gần với thiên nhiên hơn.
Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/van-nghe/am-nhac-tri-lieu-den-voi-cong-chung-2021041921311325.htm