Âm nhạc và nghệ thuật ngoại giao mềm

Trong thế giới âm nhạc đầy mê hoặc, tôi tìm thấy niềm say sưa không ngừng nghỉ trong việc sưu tầm những đĩa hát cổ và các tác phẩm âm nhạc có giá trị lịch sử. Trong kho báu âm nhạc ấy, có một đĩa hát mà tôi trân trọng và tự hào nhất - 'Tiếng hát Việt Nam'. Album này, sản xuất bởi Trung tâm Âm nhạc Nhật Bản vào năm 1978, bao gồm 13 tác phẩm âm nhạc Việt Nam, được thể hiện qua giọng ca và nhạc cụ của các nghệ sĩ Việt Nam. Đây không chỉ là một tác phẩm nghệ thuật độc đáo mà còn là biểu tượng của nghệ thuật ngoại giao mềm dẻo, chân thành và thiện chí mà Việt Nam muốn gửi gắm đến bạn bè quốc tế.

Khi cầm trên tay chiếc đĩa hát này, tôi vô cùng ngỡ ngàng và xúc động. Tôi nhớ lại năm 1978, khi ấy, đất nước chúng ta vừa mới bước ra từ cuộc chiến tranh, mới chỉ thống nhất được ba năm và đang chịu sự cấm vận kinh tế từ Hoa Kỳ. Nhưng dù vậy, chúng ta đã vượt qua mọi rào cản, đem văn hóa nghệ thuật của mình đến với bạn bè khắp năm châu bốn biển, ngay cả khi thế giới còn chia thành hai phe Tư bản và Xã hội chủ nghĩa.

Đó là khi đoàn Ca múa nhạc của nước CHXHCN Việt Nam đã đến Nhật Bản, một quốc gia thuộc phe Tư bản, để thể hiện tình yêu hòa bình, tình yêu thương con người và tình hữu nghị, hợp tác qua những chương trình biểu diễn nghệ thuật đầy hấp dẫn. Sự nhiệt tình và cảm tình mà nhân dân Nhật Bản dành cho đoàn nghệ thuật Việt Nam đã thôi thúc một sáng kiến tuyệt vời: sản xuất bộ đĩa hát “Tiếng hát Việt Nam” như một dấu ấn của tình hữu nghị Nhật - Việt.

Qua 13 tác phẩm âm nhạc (8 dân ca, 5 ca khúc mới), Việt Nam chuyển đi thông điệp về vẻ đẹp tâm hồn, tính nhân văn, tinh thần kiên cường chiến đấu vì độc lập tự do nhưng luôn luôn khao khát hòa bình, hữu nghị và hợp tác với bè bạn khắp thế giới.

Các bản nhạc dân gian của các dân tộc Việt, H’Mông, H’rê, Ba Na… được biểu diễn bằng nhạc cụ dân tộc cho thấy các giá trị văn hóa truyền thống của người Việt cũng như của các dân tộc thiểu số luôn luôn hòa đồng, được bảo tồn và phát huy.

Qua 5 ca khúc và bức tranh vẽ ở bìa sau của Bao bì đĩa hát diễn tả cảnh mẹ Suốt chèo đò chở bộ đội qua sông dưới tầm bom đạn của không quân Mỹ, cho thấy người Việt Nam có tình yêu sâu sắc với quê hương, với con người, có tính lãng mạng và cũng rất thực tế.

Ca khúc "Suối Lê Nin" đã phác họa được bức tranh giản dị về lãnh tụ Hồ Chí Minh thời kỳ kháng chiến lãnh đạo cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc. Ca khúc “Giận mà thương” cho thấy tình cảm sâu nặng của đôi vợ chồng và cách ứng xử tinh tế của người vợ khi khuyên nhủ người chồng đừng làm việc sai trái. Ca khúc “Tình ca Tây Bắc” đầy ắp tính trữ tình lãng mạn, bay bổng, có thể khiến những người bạn Nhật cảm thấy ngạc nhiên, bởi trong chiến tranh tàn khốc như vậy mà người Việt Nam vẫn lạc quan, vẫn có tình yêu núi rừng, yêu thương nhau tha thiết trong niềm tin ở tương lai tươi sáng đến vậy:

“Rừng rừng hoa với chim ca vui tưng bừng

Suối nước trong xanh soi bóng em và bóng anh

Bên nhau cùng sống vui êm đềm cùng núi rừng

Đất nước hòa bình hạnh phúc ta như mùa xuân”

Ca khúc "Làng tôi" tạo nên bức tranh làng quê Việt Nam bình yên bị giặc ngoại xâm tàn phá và nhân dân đồng lòng kháng chiến bảo vệ tổ quốc, kiên cường, bền bỉ qua hai cuộc kháng chiến. đi đến thắng lợi cuối cùng. Trong hoàn cảnh chiến tranh, gian khổ như thế, mà người Việt Nam luôn luôn lạc quan, luôn luôn khao khát và tin tưởng ngày hòa bình sẽ tới với đất nước thân yêu của mình. Trong những bài ca trong đĩa hát này, hai từ “hòa bình” được nhắc tới một cách trìu mến, đặc biệt là ở ca khúc “Mẹ yêu con”:

“Kháng chiến đã giành đất nước về cho đời

Bóng đất nước hình như bóng dáng con tôi

Ôm con ra mái hiên nhìn đàn chim rộn ràng hót

Giữa mùa xuân mừng con sẽ góp phần

Tương lai con đẹp lắm

Mẹ ngắm con cười

A á ru hời ơ hời ru

Miệng con chúm chím xinh xinh

Như đài hoa đang hé trên cành

Khát nắng sớm và sương lành

Lá thắm rung cánh tay ôm ấp lấy hòa bình

A á ru hời ơi hời ru”

Đây là một bài ca đẹp và cảm động, là một lời nguyện cầu cho hòa bình trên thế giới, là một lời tri ân đến những người đã hy sinh vì đất nước và một niềm tin vững chắc vào tương lai tươi sáng của đất nước..

Đĩa hát “Tiếng hát Việt Nam” không chỉ là một tác phẩm nghệ thuật mà còn là một tấm gương để noi theo, cho thấy nghệ thuật không chỉ để thưởng thức mà còn để giao lưu, truyền đạt thông điệp nhân văn, góp phần xây dựng một thế giới hòa bình, hợp tác và phát triển. Đồng thời, nó cũng là minh chứng cho truyền thống văn hóa lâu đời, tinh thần dân tộc cao cả và đường lối ngoại giao mềm dẻo, chân thành của Việt Nam.

Trở lại với các bạn Nhật, sau đĩa hát này, các bạn còn xuất bản hai đĩa hát nữa, đó là đĩa thứ hai của bộ “Tiếng hát Việt Nam” với tên gọi “Tiếng hát những đêm không ngủ”, và đĩa hát riêng giọng hát Khánh Ly.

Đến đây, tôi muốn nhắc lại rằng nhân dân Nhật Bản rất yêu quý âm nhạc Việt Nam. Từ thời chiến tranh, người Nhật đã dịch "Diễm xưa" của Trịnh Công Sơn sang tiếng Nhật và ca sĩ người Nhật đã biểu diễn rất thành công ca khúc này.

Sự kiện tiếp đón đoàn nghệ thuật Việt Nam và sản xuất, phổ cập đĩa hát Việt Nam là minh chứng tiếp theo cho tình yêu ấy của các bạn Nhật dành cho Việt Nam. Có thể khẳng định rằng, chính nghệ thuật ca hát nói riêng và văn hóa nói chung, đã góp phần quan trọng kết nối nhân dân hai nước Việt - Nhật trong mối tình hữu nghị thắm thiết. Cho nên, sự kiện Việt Nam và Nhật bản vừa nâng cấp quan hệ ngoại giao lên "Đối tác Chiến lược toàn diện vì hòa bình và thịnh vượng tại châu Á và trên thế giới'' là một kết quả tất yếu.

Đây là một kỳ tích nghệ thuật và ngoại giao, cho thấy Việt Nam không chỉ là một quốc gia anh hùng, kiên cường, mà còn là một quốc gia hòa bình, hữu nghị, luôn mở rộng vòng tay với bạn bè quốc tế. Việt Nam đã chứng minh rằng, dù trong hoàn cảnh khó khăn nhất, vẫn có thể sáng tạo ra những tác phẩm nghệ thuật xuất sắc, góp phần làm giàu cho kho tàng văn hóa nhân loại và qua đó tăng cường hiểu biết, hữu nghị, cùng kiến tạo một nền hòa bình vững chắc cho nhân loại.

PVL - 04/01/2024 (Bài đã đăng trên báo Văn nghệ, số 21, ngày 25 tháng 5 năm 2024)

Phạm Việt Long

Nguồn VHPT: https://vanhoavaphattrien.vn/am-nhac-va-nghe-thuat-ngoai-giao-mem-a25091.html