Ấm no Phiêng Thốc

Phiêng Thốc là bản nhỏ nằm lọt trong dãy núi của xã Sinh Long (Na Hang) chưa đầy 100 nóc nhà của người Mông và người Dao. Bao đời nay, dù phong tục tập quán khác nhau nhưng người dân luôn gắn bó, đoàn kết một lòng xây dựng cuộc sống no ấm. Không những thế, đảng viên ở đây luôn đi đầu phát triển các mô hình kinh tế mới, dẫn dắt bà con làm theo, xây dựng vùng quê này ngày càng trù phú.

Đảng viên đi trước

Ông Hoàng Văn Ngài, dân tộc Mông vừa là người có uy tín vừa là Phó Bí thư chi bộ. Dù đã trên 60 tuổi nhưng ông vẫn khỏe mạnh và nhanh nhẹn. Công việc gì của thôn cũng không thể thiếu ông. Ông là người đầu tiên trong thôn trồng cây vụ đông rồi vận động cả thôn làm theo. Trước đây, hầu như nhà nào cũng thả rông gia súc, gia cầm. Ngô, lúa chưa thu hoạch đã bị gia súc, gia cầm phá, nhiều đám ruộng, năng suất bị giảm. Cả thôn trước đây có khoảng 20 ha ruộng 2 vụ lúa bị bỏ hoang. Trước tình trạng đó, ông Ngài đã đưa ra các cuộc họp chi bộ về các giải pháp làm thế nào để vận động nhân dân không thả rông gia súc, gia cầm và trồng các loại rau màu vụ đông. Ông Ngài đã tiên phong làm tơi đất sau khi thu hoạch lúa để trồng các loại rau vụ đông trên diện tích 3 sào ruộng. Ông còn di chuyển chuồng trại chăn nuôi gần nhà lên nương để đảm bảo vệ sinh môi trường và thực hiện chăn nuôi trâu, bò, lợn đen nuôi nhốt. Ông bàn với thôn bổ sung quy ước không thả rông gia súc để nhân dân thực hiện. Ông bảo: “Mình nói gì với nhân dân thì mình phải thực hiện trước, nếu không ai nghe”.

Theo anh Triệu Văn Cán, Bí thư chi bộ, Trưởng thôn Phiêng Thốc, nhờ có ông Ngài mà 100% diện tích ruộng sau khi trồng lúa vụ hè thu bị bỏ hoang của thôn trước đây giờ đã phủ xanh bởi rau màu vụ đông. Phiêng Thốc là thôn đầu tiên ở Sinh Long trồng rau vụ đông. Người dân đã không còn thả rông gia súc, gia cầm nữa.

Ông Hoàng Văn Ngài, dân tộc Mông (người đứng giữa) chăm sóc rau vụ đông.

Kinh tế của thôn giờ có nhiều khởi sắc, nhất là chăn nuôi lợn đen và gia cầm. Người dân ở Phiêng Thốc ban đầu chỉ chăn nuôi lợn đen và gà, vịt phục vụ nhu cầu sinh hoạt của gia đình và người dân trong thôn, nhưng nay đã chăn nuôi quy mô lớn, phục vụ nhu cầu cả dưới xuôi.

Đảng viên Sùng Văn Sì, dân tộc Mông, năm nay chưa đến 30 tuổi nhưng đã là chủ của mô hình kinh tế chăn nuôi lợn đen và vịt mỗi năm cho thu lãi gần 100 triệu đồng. Với mong muốn xây dựng thương hiệu lợn đen Phiêng Thốc, anh Sì đã đầu tư chuồng trại, mỗi lứa anh nuôi từ 15 đến 30 con lợn đen và 200 con vịt. Anh còn vận động người dân trong thôn làm chuồng trại chăn nuôi quy củ để chăn nuôi lợn đen. Nghe theo anh Sì, ông Ngài và nhiều đảng viên khác, người dân ở Phiêng Thốc đã chuyển từ chăn nuôi quy mô nhỏ lẻ sang chăn nuôi hàng hóa, thu nhập từng bước nâng cao.

Mô hình nuôi lợn đen của đảng viên Sùng Văn Sì, thôn Phiêng Thốc.

Cuộc sống sung túc

Cả thôn giờ có gần 500 con lợn đen, trên 700 con gia cầm. Năm 2019, Phiêng Thốc được huyện triển khai thực hiện dự án nuôi lợn đen tại 5 hộ thí điểm từ nguồn vốn chương trình xây dựng nông thôn mới. Trong thôn có nhiều mô hình nuôi lợn đen quy mô từ 15 đến 45 con, nuôi gà thịt lên tới hàng trăm con.

Chị Hoàng Thị Nái, dân tộc Dao đã đầu tư chuồng trại, làm dịch vụ xay sát để mở rộng chăn nuôi. Hiện tại, đàn lợn của gia đình chị có 45 con và là hộ nuôi lợn đen nhiều nhất trong xã. Đàn lợn đen của gia đình chị tuy có quy mô lớn nhưng vẫn chăn nuôi hoàn toàn từ nguyên liệu tự nhiên như cám gạo, ngô. Vì vậy, lợn đen của gia đình chị rất đắt hàng, thường được các thương lái tận thành phố lên đặt hàng. Chị Nái cho biết, với giá bán lợn đen là 65 nghìn đồng/kg như hiện nay, ngày tết với giá 100 nghìn đồng/ kg, mỗi năm chị cũng thu vài chục triệu đồng.

Mô hình nuôi lợn đen của gia đình chị Hoàng Thị Nái, thôn Phiêng Thốc.

Rời nhà chị Nái, chúng tôi đến thăm mô hình chăn nuôi gà thịt thả vườn của gia đình anh Ngô Văn Năm, dân tộc Mông. Hiện nay, gia đình anh Năm đang nuôi trên 100 con gà đen thả vườn. Năm nay là năm đầu tiên, anh Năm cải tạo vườn làm khu chăn nuôi gà. Với cách chăn nuôi hoàn toàn tự nhiên, nguồn thức ăn tự nhiên, sản phẩm gà thịt thả vườn của gia đình anh Năm cũng được người dân địa phương và các xã lân cận biết đến. Ở Phiêng Thốc hiện cũng có gần 10 mô hình nuôi gà thả vườn, quy mô từ từ 30 đến 50 con.

Mô hình nuôi gà thịt thả vườn của anh Ngô Văn Năm, thôn Phiêng Thốc.

Theo anh Hoàng Văn Phin, Phó Chủ tịch UBND xã Sinh Long, Phiêng Thốc đang là thôn có nhiều tiềm năng để phát triển các nhãn hiệu sản phẩm hàng hóa. Thực hiện chương trình mỗi xã một sản phẩm, xã đăng ký với huyện 2 sản phẩm là chè Shan tuyết và lợn đen. Xã lấy thôn Phiêng Thốc làm thôn trung tâm để xây dựng các mô hình kinh tế theo hướng sản xuất hàng hóa như rau vụ đông, lợn đen và gà thịt. Bởi nơi đây, người Mông và người Dao có kỹ thuật nuôi lợn đen và gà thả vườn rất tốt. Tuy tỷ lệ hộ nghèo ở Phiêng Thốc vẫn còn cao, nhưng tiềm năng phát triển kinh tế nơi đây rất rõ nếu được quan tâm hơn nữa và được chuyển giao khoa học kỹ thuật.

Bài, ảnh: Thủy Châu

Nguồn Tuyên Quang: http://www.baotuyenquang.com.vn/phong-su/am-no-phieng-thoc-123565.html