Ẩm thực làm tăng sức hấp dẫn của du lịch Việt Nam

Bên cạnh giá trị về tài nguyên thiên nhiên và văn hóa, sự độc đáo, hấp dẫn của ẩm thực tại điểm đến cũng được xác định là một trong những yếu tố quan trọng tạo động lực thúc đẩy du lịch. Tuy nhiên, làm thế nào để phát huy hết tiềm năng, nâng tầm ẩm thực thành sản phẩm du lịch để cạnh tranh với thị trường quốc tế cũng như thu hút nhiều hơn khách quốc tế đến Việt Nam, thì vẫn còn nhiều vấn đề phải làm...

Chưa phát huy hết thế mạnh

Theo khảo sát của Tổ chức Du lịch ẩm thực thế giới (WFTA), có tới 81% số du khách quốc tế có nhu cầu tìm hiểu ẩm thực địa phương. Họ sẵn sàng dành trung bình 25-35% ngân sách cho các khoản chi tiêu liên quan đến thực phẩm và đồ uống trong hành trình du lịch. Điều này cho thấy, ẩm thực không còn chỉ đóng vai trò là yếu tố phục vụ nhu cầu ăn uống đơn thuần của du khách mà đã dần trở thành một trong những mục đích chính của các chuyến du lịch, chi phối mạnh mẽ tới quyết định lựa chọn điểm đến và kích thích khả năng chi tiêu của du khách.

Phở - món ăn Việt được du khách yêu thích nhất

Phở - món ăn Việt được du khách yêu thích nhất

Tổng thư ký Liên chi Hội Đầu bếp Việt Nam, Hiệp hội Du lịch Việt Nam Nguyễn Xuân Quỳnh cho biết: Ẩm thực là thế mạnh góp phần phát triển du lịch của nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có cả Việt Nam. Vì vậy, trong Chiến lược Phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030 cũng đã xác định du lịch ẩm thực là dòng sản phẩm quan trọng, góp phần nâng cao lợi thế cạnh tranh và thương hiệu du lịch Việt Nam. Và ẩm thực Việt Nam đã chứng minh sức hấp dẫn và lan tỏa giá trị trên toàn cầu với nhiều món ăn được công nhận, được trao nhiều giải thưởng, danh hiệu quốc tế uy tín.

Mới đây nhất, trong tháng 6 vừa qua, Tập đoàn Michelin công bố danh sách tuyển chọn đầu tiên các nhà hàng đạt chuẩn Michelin Guide Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, trong đó có 4 nhà hàng được nhận một Sao Michelin (3 nhà hàng ở Hà Nội và 1 nhà hàng ở thành phố Hồ Chí Minh) nhờ có chất lượng món ăn cao; 29 cơ sở ăn uống được thẩm định viên công nhận có món ăn đáng trải nghiệm với giải thưởng Bib Gourmand - hạng mục tôn vinh những nhà hàng phục vụ món ăn ngon với giá cả phải chăng; 70 nhà hàng được giải Michelin Selected. Hay nhiều món ăn nổi tiếng của Việt Nam như phở, bánh mì, bún chả, bánh cuốn… đã được tôn vinh trên nhiều kênh truyền thông quốc tế uy tín.

"Điều này càng khẳng định ẩm thực Việt chính là tài nguyên giúp làm tăng sức hấp dẫn của các điểm đến du lịch, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của quốc gia trên bản đồ du lịch thế giới" – ông Nguyễn Xuân Quỳnh khẳng định.

Nắm bắt lợi thế của ẩm thực trong việc quảng bá văn hóa, kích cầu du lịch, thu hút du khách, những năm gần đây, nhiều địa phương đã chú trọng đến việc phát triển ẩm thực, quy hoạch và xây dựng "bản đồ ẩm thực" để thu hút du khách. Ví dụ, thành phố Hải Phòng đã thành công với sản phẩm du lịch food tour, nhờ vào việc xây dựng bản đồ số về ẩm thực để du khách có thể dễ dàng trải nghiệm ngắn ngày. Tỉnh Thừa Thiên Huế cũng đưa ra nhiều trải nghiệm cho du khách thưởng ẩm thực cung đình.

Thành phố Hải Phòng đã thành công với sản phẩm du lịch food tour (ảnh minh họa)

Thành phố Hải Phòng đã thành công với sản phẩm du lịch food tour (ảnh minh họa)

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Xuân Quỳnh, mặc dù ẩm thực Việt có nhiều tiềm năng nhưng chưa được khai thác hiệu quả. Các sản phẩm du lịch ẩm thực hiện nay mới chỉ đáp ứng được phần nào nhu cầu của du khách và chủ yếu ở các thành phố lớn. Tại các địa phương đa phần các sản phẩm du lịch còn nhỏ lẻ, chưa có hệ thống... nên du khách cũng gặp nhiều khó khăn trong việc tìm kiếm. Hoạt động xúc tiến quảng bá chỉ mang tính tự phát, thiếu kế hoạch, chưa có chiến lược lâu dài.

Cùng quan điểm, Phó Viện trưởng Viện Phát triển du lịch châu Á Tưởng Hữu Lộc cho biết, văn hóa ẩm thực là một trong những sức hút vô cùng lớn đối du lịch Việt Nam. Tuy nhiên các địa phương còn đang lúng túng trong việc phát huy ẩm thực địa phương. Hàng quán nổi tiếng ở tỉnh nào cũng có nhưng để trở thành một món ăn phổ biến và nổi tiếng trên thế giới thì hiện nay chúng ta vẫn chưa có động thái để thúc đẩy. Đây là một trong những vấn đề rất khó khi muốn phát triển về ẩm thực, chọn ẩm thực để thu hút khách du lịch.

Cần xây dựng câu chuyện ẩm thực độc đáo

Vậy nên, để biến ẩm thực trở thành một thế mạnh thu hút khách du lịch và thúc đẩy phát triển du lịch, ông Nguyễn Xuân Quỳnh cho rằng, cần phải coi ẩm thực chính là văn hóa để lồng ghép vào phát triển du lịch.

Ẩm thực truyền thống luôn hấp dẫn du khách tại các điểm đến du lịch (ảnh minh họa)

Ẩm thực truyền thống luôn hấp dẫn du khách tại các điểm đến du lịch (ảnh minh họa)

Ông Nguyễn Xuân Quỳnh chia sẻ: "Nếu tách rời ẩm thực và văn hóa hoặc chưa chú trọng đến sự phát triển của ẩm thực là một thiếu sót. Khi chúng ta biết kết hợp ẩm thực và văn hóa thì khi đó sản phẩm du lịch ẩm thực mới có giá trị và mới tạo được điểm nhấn. Chúng ta cần có một chương trình mang tầm cỡ quốc gia nếu muốn quảng bá về ẩm thực Việt Nam. Đặc biệt phải xác định được sản phẩm nào là sản phẩm cốt lõi để quảng cáo cho một giai đoạn. Ví dụ, khi chúng ta xác định ẩm thực là văn hóa và ẩm thực là một trong những mũi nhọn khác biệt của Việt Nam thì việc đầu tư, hình ảnh phải sâu rộng, không chỉ ở Việt Nam mà cả trên thế giới. Phải có những chương trình đặc biệt về ẩm thực để giới thiệu với bạn bè quốc tế, hay những chương trình giao lưu văn hóa ẩm thực với các nước.

Ngoài ra cần đặc biệt chú trọng đến đào tạo nghề bếp. Cần có những chính sách phù hợp để phát triển nghề bếp tương xứng với nhu cầu và yêu cầu của xã hội. Nên quan tâm về chất lượng đào tạo cũng như các chế độ về nghề để vinh danh nghề bếp trong một kỷ nguyên mới phát triển ẩm thực".

Còn theo Tổng Giám đốc Công ty Du lịch WonderTour Lê Công Năng, các địa phương cần có chiến lược phát triển du lịch ẩm thực một cách cụ thể, rõ ràng và dài hạn. Kế hoạch này cần phải bao gồm việc quy hoạch các khu vực ẩm thực, đào tạo nguồn nhân lực và đầu tư cơ sở hạ tầng. Bởi, đầu tư vào cơ sở hạ tầng và các dịch vụ liên quan sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho du khách trải nghiệm các dịch vụ. Các khu vực ẩm thực cũng cần đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, không gian thoải mái và hấp dẫn.

Du khách thích thú trải nghiệm ẩm thực Việt Nam (ảnh minh họa)

Du khách thích thú trải nghiệm ẩm thực Việt Nam (ảnh minh họa)

Cùng với đó, đẩy mạnh các chiến dịch quảng bá và tiếp thị du lịch ẩm thực thông qua các kênh truyền thông, sự kiện, hội chợ ẩm thực, và sử dụng các công nghệ hiện đại như mạng xã hội, ứng dụng du lịch để giới thiệu đặc sản và văn hóa ẩm thực đến với du khách quốc tế và trong nước. Đặc biệt, mỗi địa phương cần xác định và phát triển những món ăn đặc sản, câu chuyện ẩm thực độc đáo để làm điểm nhấn thu hút du khách. Sự khác biệt và độc đáo của mỗi địa phương sẽ là chìa khóa thu hút sự chú ý của du khách.

"Bằng cách thực hiện đồng bộ các biện pháp trên, Việt Nam có thể khai thác tối đa tiềm năng du lịch ẩm thực, biến ẩm thực thành lợi thế cạnh tranh hấp dẫn và thu hút du khách quốc tế" – ông Lê Công Năng nhấn mạnh./.

Thương Nguyễn

Nguồn Tổ Quốc: https://toquoc.vn/am-thuc-lam-tang-suc-hap-dan-cua-du-lich-viet-nam-20240730153821954.htm