Ẩm thực Việt: Từ vay mượn món Tây, bánh mì Việt thành đặc sản vươn tầm quốc tế
Không phải Vietnamese baguette hay Vietnamese sandwich, món ăn này được thế giới ưu ái gọi hẳn bằng một cái tên riêng, đó là: Banh Mi.
Nền ẩm thực Việt không chỉ nổi tiếng với phở, những năm trở lại đây, bánh mì ngày càng được truyền thông quốc tế khen ngợi. Cùng với sự phổ biến ấy, bánh mì đã được đưa hẳn vào từ điển Oxford. Không phải Vietnamese baguette, cũng không phải Vietnamese sandwich, món ăn này được ưu ái gọi hẳn bằng một cái tên riêng, đó là: Banh Mi.
Cùng điểm qua 8 cột mốc quan trọng nhất, kể từ khi món bánh mì chính thức trở thành "đặc sản Việt Nam" cho đến thời điểm nổi tiếng thế giới như hiện tại nhé!
Bánh mì kiểu Pháp du nhập vào Việt Nam thường được biết đến là một món Tây với bánh baguette kẹp bơ, mứt, thịt nguội hoặc chấm súp.
Bằng sự sáng tạo riêng, năm 1958, tiệm bánh mì Hòa Mã ra đời với món bánh khác lạ: mang bánh mì kiểu Pháp đi "kẹp đủ thứ" với pate, thịt, chà bông, rau dưa chua… Bánh mì dần chinh phục người dân Việt Nam. Và từ đó, những chiếc xe đẩy giản dị bán bánh mì kẹp trở nên phổ biến.
Nhờ sự ra đời của lò nướng kín của Nhật, chúng ta đã chính thức tạo ra bánh mì Việt. Trong khi bánh mì baguette kiểu Pháp có phần ruột đặc, vỏ dày và hơi mềm thì nhờ chiếc lò nướng này, hơi nước bên trong được giữ lại với nhiệt độ cực cao, những chiếc bánh mì đã trở nên giòn rụm, rỗng ruột và xốp hơn. Đó chính là đặc điểm không thể nhầm lẫn làm nên thương hiệu của bánh mì Việt.
Năm 1975, khi một bộ phận người Việt di cư sang bờ Tây nước Mỹ đã tạo nên cộng đồng người Việt tại đây. Ở đó, những người con đất Việt đã đưa món bánh mì đến rộng rãi hơn với người Mỹ, rồi tiếp tục lan rộng sang các quốc gia khác như Anh, Pháp, Đức, Úc...
Trong năm 2009 này, vị đầu bếp huyền thoại Anthony Bourdain đã có chuyến ghé thăm Việt Nam. Tại Hội An, ông đã thử ăn bánh mì Phượng và thật kỳ diệu, món bánh này đã chinh phục cố đầu bếp. Anthony Bourdain đã ca ngợi rằng đây là "loại bánh ngon nhất thế giới".
Chiếc bánh mì Việt đồng thời cũng xuất hiện trên kênh No Reservation của ông, tạo nên một "cơn sốt". Rất nhiều người đã thi nhau du lịch tới Hội An để ăn thử món bánh mì này. Nhờ đó, bánh mì Việt lại có thêm một cột mốc quan trọng, đánh dấu sự mở rộng hơn nữa trên thế giới.
Đây được xem như một trong những cột mốc quan trọng nhất trong hành trình bánh mì Việt Nam chinh phục thế giới. Đó chính là sự kiện món ăn này của chúng ta vinh hạnh được thêm vào từ điển Oxford, xác nhận là một danh từ riêng: "Bánh mì"- (banh mi /ˈbɑːn miː/). Không phải "vay mượn" từ bất kì đâu, bánh mì đã khẳng định chủ quyền rằng mình chính xác là một món ăn đến từ Việt Nam.
Không quá lạ với "diễn biến" này, bởi ngay sau khi xuất hiện trong từ điển tiếng Anh uy tín nhất thế giới, bánh mì ngay lập tức đã xuất hiện dồn dập trên rất nhiều trang thông tin lớn. Từ năm 2012 trở đi, món bánh mì của chúng ta "càn quét" nhiều trang thông tin nổi tiếng:
Báo The Guardian gọi bánh mì là "món sandwich ngon nhất thế giới".
Tạp chí National Geographic bình chọn bánh mì Việt là một trong 11 món ăn đường phố ngon nhất thế giới.
Đứng đầu danh sách 12 món ăn đường phố do tạp chí du lịch Mỹ Conde’ Nast Traveler bầu chọn.
Lọt vào top 20 món ăn đường phố ngon nhất thế giới của Huffington Post.
Không thể đứng ngoài cơn sốt, tập đoàn Yum! Brands - chủ của chuỗi cửa hàng KFC và Pizza Hut phải vào cuộc. Cụ thể, Banh Shop ra đời như chuỗi cửa hàng độc quyền của hãng, chỉ phục vụ bánh mì Việt. Cũng từ đây, các cửa tiệm bánh mì Việt ra đời ngày càng nhiều ở khắp nơi trên thế giới.
James Bread là một trong những giải thưởng ẩm thực vô cùng danh giá và nổi danh trên thế giới có uy tín gần 70 năm. James Bread hướng tới những món ăn có kỹ nghệ nấu nướng thượng thừa, độc đáo cùng chất lượng năm sao.
Vào tháng 5/2018, tiệm bánh mì Việt Nam đầu tiên là tiệm bánh Đông Phương (Dong Phuong Bakery) của một gia đình Việt ở New Orleans, bang Louisiana (Mỹ) đã nhận được giải thưởng này. Với giải thưởng danh giá này, bánh mì Việt đã bước thêm một bước nữa, thoát khỏi cái mác "món ăn đường phố", được thừa nhận về độ tinh tế trong chế biến cũng như hương vị.