Ấm tình những chiếc bánh chưng trong mùa lũ

Những ngày qua, hình ảnh người dân xuyên đêm gói bánh chưng cứu trợ người dân vùng ngập lụt trở nên rất quen thuộc. Bánh chưng lúc này không còn là biểu tượng của ngày Tết nữa, mà nó gợi cho mỗi người về hình ảnh 'lá lành đùm lá rách' và những mong ước đồng bào vùng lũ sẽ sớm sum họp, trở lại cuộc sống ấm cúng bên gia đình như xưa.

Vừa thấy anh Nguyễn Hùng Sơn (quận Tây Hồ) đi làm về, vợ anh nói ngay: “Sáng mai mình đi từ thiện Thái Nguyên nhé”. Anh lo lắng: “Em vừa ốm, còn mới ra viện 1 ngày thôi đấy”. Vợ anh bảo: “Kệ, em quyết rồi. Không đi bây giờ thì bao giờ đi? Nhiều người khổ lắm”.

“Thế hàng hóa chuẩn bị sao rồi?”. “Dự kiến 1.000 bánh chưng và 500 bánh tẻ”. “Hả? Ai có thể gói cho em một ngày được số lượng này?”. “Cho anh nghĩ hết mùa lũ này cũng không ra đâu. Em vừa lên facebook cũng xin được mấy chục triệu rồi, nếu thiếu bao nhiêu em sẽ bù”.

Hình ảnh người dân vùng lũ bóc bánh chưng ăn khiến nhiều người không khỏi xúc động.

Hình ảnh người dân vùng lũ bóc bánh chưng ăn khiến nhiều người không khỏi xúc động.

Chiều muộn hai vợ chồng anh Sơn đến chùa Đình Quán (quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) đã thấy gần 100 phật tử đang ngồi gói bánh. Có rất nhiều cháu học sinh đạp xe 4,5 cây số đến và sẽ thức trắng đêm luộc bánh với mong muốn những chiếc bánh sẽ đến tay bà con vùng lũ sớm nhất...

8h sáng 11/9, 3 xe xuất phát ở Hà Nội cùng thầy chùa Đình Quán đi Thái Nguyên đem theo 1.600 chiếc bánh chưng và 600 bánh tẻ, gần 400 bánh mì, hơn 1.000 chai nước, hơn 1.000 hộp sữa, đèn pin, sạc dự phòng, men tiêu hóa, thuốc berberin, áo phao…

Nơi đoàn từ thiện đến là xóm Cậy, xã Huống Thượng, thành phố Thái Nguyên. Đã 4 ngày qua 360 hộ với hơn 1.000 nhân khẩu ở đây không nước sạch, không điện, chỉ có mênh mông nước lũ và nhiều cái bụng trống không.

Nâng niu chiếc bánh chưng trong mùa lũ.

Nâng niu chiếc bánh chưng trong mùa lũ.

Nhìn những chiếc bánh còn nóng được mọi người đón nhận, có người bóc ăn ngon lành tại chỗ mà khóe mắt anh Sơn cùng những người ở đoàn từ thiện thấy cay cay.

“Mà phải công nhận đi cứu trợ thời điểm này đem theo bánh chưng, bánh mì, nước uống, sữa và đèn pin là thiết thực nhất”, anh Sơn nói.

Thời gian vừa qua, ở rất nhiều nơi trên khắp Thủ đô Hà Nội, các tổ chức, đoàn thể, nhiều hộ dân,… đã thức trắng đêm để gói bánh chưng gửi tới đồng bào vùng lũ. Trong lúc mất điện, mất nước, thì những chiếc bánh chưng được luộc dền có thể để được cả tuần, nếu kịp hút chân không thì có thể để đến hơn 15 ngày. Đến được tay bà con vùng lũ sẽ không bị ôi, thiu, cũng không bị dính nước.

Anh Nguyễn Hùng Sơn (công tác tại Báo Lao động Thủ đô) cùng đoàn thiện nguyện mang bánh chưng lên vùng lũ Thái Nguyên.

Anh Nguyễn Hùng Sơn (công tác tại Báo Lao động Thủ đô) cùng đoàn thiện nguyện mang bánh chưng lên vùng lũ Thái Nguyên.

Thật tuyệt vời khi chiếc bánh chưng mà nhiều người nghĩ nó chỉ có tác dụng khi Tết đến, xuân về, thì nay đã trở thành nhu yếu phẩm thiết thực cho bà con vùng lũ.

Nhận thấy sự tiện dụng của bánh chưng khi cứu trợ, các cấp Hội phụ nữ Thủ đô cũng chung tay thực hiện. Sau 1 ngày phát động, Hội Liên hiệp Phụ nữ quận Cầu Giấy đã nhận được 3.700 bánh chưng. Ngay sau đó, bánh đã được vận chuyển tới các địa điểm cứu trợ của tại: Tuyên Quang, Cao Bằng, Hà Giang và huyện Ứng Hòa (Hà Nội).

Còn Hội phụ nữ huyện Phú Xuyên bên cạnh việc chuẩn bị những suất cơm nóng cứu trợ bà con vùng lũ, cũng gói 1.500 chiếc bánh chưng để hỗ trợ người dân bị ngập lụt ở xã Sơn Hà, Phú Minh.

Hội phụ nữ Ba Vì cũng nhanh chóng “xuyên đêm” để gói bánh, luộc bánh. Các chị phụ nữ chia sẻ, bánh chưng phải gói kỹ, luộc kỹ thì không bị lại gạo, mới để được lâu cho nên phải huy động 9 đơn vị gồm hội viên và bà con gói nhanh để thời gian luộc được lâu hơn.

Có lẽ, chỉ trong khó khăn, chúng ta mới nhận ra thức quà truyền thống này không chỉ để dành cho những dịp đoàn viên, mà còn là thức quà gửi gắm tinh thần đoàn kết, yêu thương của người dân Thủ đô nói riêng và dân tộc Việt Nam nói chung với tinh thần “lá lành đùm lá rách”.

Hình ảnh "xuyên đêm" gói bánh chưng ở Hà Nội:

Gần 100 phật tử gói bánh chưng ở chùa Đình Quán.

Gần 100 phật tử gói bánh chưng ở chùa Đình Quán.

Hội phụ nữ huyện Ba Vì có 9 điểm gói bánh chưng.

Hội phụ nữ huyện Ba Vì có 9 điểm gói bánh chưng.

Hội phụ nữ huyện Phú Xuyên gói 1.500 chiếc bánh chưng để hỗ trợ người dân bị ngập lụt ở các xã.

Hội phụ nữ huyện Phú Xuyên gói 1.500 chiếc bánh chưng để hỗ trợ người dân bị ngập lụt ở các xã.

Hội Liên hiệp Phụ nữ quận Cầu Giấy vận chuyển 3.700 chiếc bánh chưng tới các địa điểm cứu trợ của tại Tuyên Quang, Cao Bằng, Hà Giang và huyện Ứng Hòa (Hà Nội).

Hội Liên hiệp Phụ nữ quận Cầu Giấy vận chuyển 3.700 chiếc bánh chưng tới các địa điểm cứu trợ của tại Tuyên Quang, Cao Bằng, Hà Giang và huyện Ứng Hòa (Hà Nội).

Bảo Thoa

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/am-tinh-nhung-chiec-banh-chung-trong-mua-lu-177333.html