Ấm tình quân dân trên Cao nguyên đá
Đến Cao nguyên đá Đồng Văn với hành trình 'Quân đội chung tay vì người nghèo ' trong cái lạnh của vùng biên giới, chúng tôi được đồng bào các dân tộc sưởi ấm bằng những cái bắt tay thật chặt, bằng những câu chuyện mộc mạc mà ấm lòng. Mỗi chuyến công tác nơi vùng sâu, vùng xa luôn để lại trong ký ức cán bộ, chiến sỹ LLVT Hà Giang những kỷ niệm khó quên. Dẫu khó khăn, vất vả nhưng với sức trẻ, lòng nhiệt huyết của những người lính 'Bộ đội Cụ Hồ' đã giúp người dân vơi đi lo âu, sự đau đớn vì bệnh tật. Để rồi phút chia tay với bao lưu luyến, bịn rịn...
Gần đến xã Lũng Phìn (Đồng Văn) đường càng khó đi. Những con đường quanh co, khúc khửu dường như đã làm mọi người thấm mệt, nhưng xe vừa dừng trước cửa Trung tâm Y tế xã Lũng Phìn, các bác sỹ Viện Quân y 103 và Bộ CHQS tỉnh đã tất bật vận chuyển, sắp đặt trang thiết bị để triển khai ngay các phòng khám bệnh và phát thuốc. Trên sân Trung tâm Y tế xã, hầu hết các cụ già thuộc diện chính sách đã được con cháu đưa đến khám bệnh. Tại phòng chờ, Thiếu tá, bác sỹ Đỗ Phương Nam, Chủ nhiệm Quân y, Bộ CHQS tỉnh dành chút thời gian nghe mọi người ngồi trò chuyện, kể về bệnh tật của mình.
Lễ phát động hành trình “Quân đội chung tay vì người nghèo” được tổ chức trang trọng mang đậm tình quân dân. Bộ CHQS tỉnh và chi nhánh Viettel Hà Giang mang đến cho bà con 2 xã Lũng Phìn và Sủng Trái (Đồng Văn) 80 suất quà là những chiếc chăn bông để giữ ấm trong những ngày giá rét. Cầm trên tay phần quà của mình, ông Vàng Xuấn Thàng ở thôn Tráng Chá Phìn, xã Lũng Phìn, xúc động: “Tấm lòng của bộ đội dành cho bà con vùng cao là rất quý, rất đáng trân trọng, nó giúp cho bà con giữ được ấm trong mùa Đông lạnh giá trên Cao nguyên đá này”.
Ngay sau lễ phát động, các bác sỹ nhanh chóng bắt tay vào việc khám bệnh và phát thuốc cho người dân. Dẫu lần đầu được đến Hà Giang, nhưng Thiếu tá, bác sỹ Nguyễn Thanh Tùng, Phó Chủ nhiệm Khoa Phổi, Trung tâm Nội hô hấp (Bệnh viện 103) rất tận tình khám bệnh và tư vấn sức khỏe cho người dân, như đang chăm sóc người thân của chính mình. Bên ngoài bàn khám, ngồi đợi đến lượt mình, mấy bác, mấy cụ cứ gật gù rỉ tai nhau tỏ vẻ khen ngợi tinh thần phục vụ của các bác sỹ.
Ở phòng bên, dù rất đông các cụ ngồi chờ, nhưng Đại úy, bác sỹ Nguyễn Văn Khánh, Bệnh xá 40 (Bộ CHQS tỉnh) vẫn cẩn trọng lần lượt thăm khám, hướng dẫn tỉ mỉ về cách sử dụng thuốc, phương pháp điều trị. Lời nói nhẹ nhàng và sự ân cần giúp những người đến khám bệnh cảm giác gần gũi, thoải mái.
Bà Thò Thị Mái (68 tuổi), thôn Há Pia, xã Sủng Trái, cầm đơn thuốc bước ra khỏi phòng trong tâm trạng phấn khởi: “Tôi bị viêm xoang gần 20 năm nay rồi, mỗi lần thay đổi thời tiết đau nhức vùng mặt và trán, khó chịu lắm chú ạ. Cũng tại tôi, mỗi lần đau quá mới đi mua thuốc uống, có khi chưa hết thuốc thấy đỡ rồi lại thôi. Bởi vậy bệnh cứ ngày một nặng hơn. Lần này tôi sẽ quyết tâm làm theo lời các bác sĩ bộ đội”. Nói đến đó bà nở nụ cười rất tươi, rồi rảo bước đi sang phòng cấp thuốc.
Trong số gần 800 người được khám bệnh, cấp thuốc miễn phí, có 8 cụ bị bệnh nặng, không thể đến trạm xá nên Chủ nhiệm Quân y, bác sỹ Đỗ Phương Nam đã trực tiếp đến từng nhà khám, chữa bệnh cho từng người.
Nghe kể qua về bệnh tình của bà Thào Thị Dính, thôn Cờ Láng, xã Lũng Phìn, bác sĩ Nam lấy ống nghe theo dõi nhịp thở của bà cụ. Sau khi đã thăm khám xong, bác sĩ Nam nói về nguyên nhân gây bệnh, đồng thời đưa cho con gái cụ Dính một bọc thuốc và cẩn thận dặn dò cách sử dụng từng loại theo đơn thuốc đã ghi sẵn. Nghe bác sĩ phân tích bệnh tình và cách điều trị, người nhà cụ Dính như trút được phần nào những lo âu.
Quan sát cử chỉ ân cần thăm khám của bác sĩ Nam, bà Sùng Nỏ Già đứng bên cứ tấm tắc: “Đúng là bộ đội khéo thật. Ông nhà tôi tham gia cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới, bị ảnh hưởng của chiến tranh nên cứ trái gió trở trời lại đau đầu là chửi bới, đánh đuổi vợ con. Mỗi lúc như vậy, tôi và các con khổ lắm, vậy mà hôm nay bác sĩ bộ đội đã làm dịu được cơn đau đầu của ông ấy”.
Chứng kiến sự nhiệt tình, hăng hái của các bác sỹ Viện Quân y 103 và Bộ CHQS tỉnh đến khám bệnh, tư vấn sức khỏe và cấp thuốc miễn phí cho các đối tượng chính sách, người có công với cách mạng và người dân của địa phương mình, ông Lầu Mí Sắt, Bí thư Đảng ủy xã Lũng Phìn, xúc động nói: “Xã chúng tôi là một trong những địa phương khó khăn nhất của huyện Đồng Văn, thu nhập chính của người dân chủ yếu là nhờ vào nông nghiệp, trình độ dân trí thấp nên ý thức phòng ngừa bệnh tật và chăm sóc sức khỏe còn hạn chế. Lần này được các y, bác sĩ bộ đội đến khám, chữa bệnh, cấp thuốc và hướng dẫn chắc chắn ý thức bảo vệ sức khỏe của người dân sẽ cao hơn”.
Tạm biệt Lũng Phìn, tạm biệt Cao nguyên đá hoang sơ và thơ mộng, Đoàn công tác trở lại với công việc hàng ngày. Dù đã thấm mệt sau khoảng thời gian dài làm việc cật lực nhưng trên gương mặt mỗi người vẫn rạng ngời niềm vui vì họ đã có thêm một kỷ niệm đáng nhớ từ chuyến hành trình “Quân đội chung tay vì người nghèo” đầy ý nghĩa.
Bài, ảnh: Quốc Hoàn