Ấm tình san sẻ ở bếp ăn '0 đồng'
Từ một bếp ăn nhỏ xuất phát bởi lòng từ tâm của cụ bà ở thị trấn Phú Mỹ (huyện Phú Tân), những suất ăn '0 đồng' đã tăng dần số lượng, có thêm người đồng hành, để định kỳ 4 ngày trong tháng luôn đỏ lửa phục vụ miễn phí cho người lao động nghèo.
“Trao yêu thương để nhận lại niềm vui” là tinh thần chung của các bà, các cô khi rủ nhau tổ chức bếp ăn này. Bà Đặng Thị Diễm Thúy (61 tuổi) là người khởi xướng thực hiện bếp ăn từ tháng 4/2024. Trước đó, thời điểm xảy ra dịch COVID-19, thấy nhiều hộ gặp khó khăn vì thiếu nguồn thực phẩm, hàng ngày bà Thúy tìm cách gửi tặng họ bánh mì, tàu hủ, trứng vịt… Bà còn liên hệ tận xưởng để lấy số lượng lớn, thông qua Ban Nhân dân khóm làm cầu nối gửi đến các hộ đang cần.
Trở lại nhịp sống bình thường, bà Thúy mang tâm nguyện duy trì việc nhỏ giúp lao động nghèo, nên tự nấu các món ăn tùy theo ngày để tặng miễn phí. Một góc bếp lặng lẽ riêng bà với những phần ăn nóng hổi tồn tại ngày qua ngày. Thấy vậy, các cô xung quanh đến góp sức, góp rau củ, không khí trở nên đông vui. Nồi nhỏ chuyển sang nồi lớn, phần ăn được chuẩn bị cũng nhiều hơn gấp 3 - 4 lần… Không cần hẹn, các thành viên tự giác nhớ định kỳ vào 2 dịp rằm trong tháng, vừa đến nấu “tiệc 0 đồng”, vừa tự nguyện góp thêm tiền mua nguyên liệu nhiều hơn.

“Các cô phân công đi chợ sớm để lựa rau củ tươi xanh. Nấu cho mọi người cũng y như nấu bữa cơm trong gia đình, phải ngon và bổ dưỡng, chứ đâu tùy tiện lựa đồ rẻ cho có. Tập hợp 2 tuần/lần, ai cũng vui vẻ, xúm xít bên nhau cùng làm, không gián đoạn kể cả ngày nghỉ lễ. Phát từng phần ăn đến tay bà con, thấy người ta vui mà trong lòng tôi cũng vui theo một cách khó tả. Tôi không mong muốn làm điều lớn lao, chỉ mong bếp ăn này duy trì lâu dài, vừa sức cho người tự nguyện đến làm, vừa ý nghĩa cho người lao động hoàn cảnh khó khăn đến nhận” - bà Thúy chia sẻ.
Trong những người đến nhận suất ăn, chúng tôi nhận ra ông Nguyễn Văn Sớt (thương binh 72%, ngụ thị trấn Phú Mỹ). Ông Sớt được địa phương quan tâm cất căn nhà Tình nghĩa cách đây 2 năm, nhưng cuộc sống vẫn còn nặng vai vì 3 người con đều bị bệnh, không thể lao động. Hàng ngày, ông mưu sinh bằng nghề bán vé số trên chiếc xe lăn, được nhiều người thương tình ủng hộ. Ghé qua bếp ăn “0 đồng”, không riêng ông Sớt, những người lao động nghèo hàng ngày bươn chải với việc làm thuê, bán dạo… đều được ân cần trao gửi phần ăn, kèm lời dặn “lần sau nhớ quay lại”.

Các món ăn được thay đổi liên tục, từ cháo, bánh canh, nui, bún, đến canh chua, bí hầm dừa… Mỗi đợt nhóm nấu 2 nồi lớn, chia sẵn 150 - 200 suất ăn. Vốn là những người nội trợ vun vén cho tổ ấm, các cô chăm chút từng việc nhỏ, nhắc nhở nhau đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, người này phụ giúp người kia để guồng việc trôi chảy, nhịp nhàng. Chị Phan Thị Huỳnh Hoa bày tỏ: “Ở đây ai cũng thích làm từ thiện, hễ giúp được việc gì có ích cho bà con thì mọi người đều muốn được góp phần công sức. Phần ăn tuy giá trị không lớn, nhưng với người nghèo thì đi kèm một bữa no lòng, còn có thêm tình cảm ấm áp sẻ chia của cộng đồng”.
Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ thị trấn Phú Mỹ Trần Thị Kim Tuyền thông tin, hoạt động ý nghĩa của nhóm phụ nữ đã được hội tổ chức thành mô hình với 15 thành viên tham gia. Bếp ăn “0 đồng” cùng chung tay giúp đỡ người nghèo, trong đó có nhiều phụ nữ; lan tỏa, tình yêu thương, tấm lòng nhân ái từ thiện đến với mọi người. Đồng thời, tập hợp chị em tôn giáo góp phần cùng cấp ủy, chính quyền thực hiện công tác an sinh xã hội. Để duy trì hiệu quả, Hội Liên hiệp Phụ nữ thị trấn chú trọng xã hội hóa, phát huy vai trò là cầu nối, huy động nguồn lực để bếp ăn ngày càng phong phú.
Nguồn An Giang: https://baoangiang.com.vn/am-tinh-san-se-o-bep-an-0-dong--a420573.html