Âm vang hủ tiếu gõ Sài Gòn

Đối với người làm việc ban đêm, thức khuya như sinh viên ôn bài, những chị công nhân quét rác đêm, cả những nhà văn, nhà báo đang gò lưng nhả chữ... thường đói bụng, nhưng lại ngại ra đường tìm cái gì đó 'bỏ bụng', đành ngồi nhà, bó gối chịu trận trong tâm trạng thấp thỏm, nghe bụng dạ 'đánh lô tô' liên hồi. Trong những con hẻm, đường ngang, ngõ tắt chằng chịt khá đặc trưng của các khu dân cư lao động Sài Gòn, đêm đêm tôi vẫn nhớ âm vang nhịp gõ lách cách đều đều báo hiệu có một xe hủ tiếu gõ đang đi vào xóm, đánh thức cơn đói lòng của những người thức khuya.

Tiếng gõ lách cách, giòn tan, mới đầu nghe rất xa vọng lại từ đầu hẻm, rồi âm thanh quen thuộc này rõ dần. Nó phát ra từ hai đoạn tre dẹp, lên nước bóng ngời, được một đứa trẻ chừng 12-13 tuổi liên tiếp đánh vào nhau tạo thành thứ âm điệu vui tai, rộn rã thay cho lời rao giới thiệu một món ăn đêm cực kỳ nhạy bén thị trường, mọi lúc mọi nơi, nóng hổi, có hiệu quả "cứu đói" ngay lập tức, nếu không muốn nói được xếp vào hàng siêu tốc. Một món ăn khuya hàng rong lưu động, giá rất rẻ, được mang đến tận nhà mà không tính thêm khoản phí dịch vụ nào. Đôi khi chẳng cần khách lên tiếng hoặc mở cửa chính, chỉ cần ló mặt qua khung cửa sổ ra hiệu một ngón tay, chú nhóc hiểu ý, gật đầu rồi quay bước, tiếng gõ lách cách tiếp tục ngược ra đầu hẻm.

Một lúc sau, cũng chú bé ấy bưng trở vào giao tận tay khách tô hủ tiếu nóng hổi. Trên mặt tô hủ tiếu chỉ có hai, ba lát thịt mỏng dính, nước lõng bõng, có cái muỗng trên để miếng chanh, vài lát ớt đỏ, gác lên miệng tô là đôi đũa tre. Chú bé quay bước, tiếng gõ lách cách giòn giã lại theo bước chú bé đi lần vào con hẻm sâu. Khi quay trở ra, chú bé ghé lại nhà khách, lấy tô và nhận 2 ngàn đồng (giá thời giữa thập niên 80 của thế kỷ trước). Sau đó, tô hủ tiếu gõ ấy đã lên 10 ngàn đồng, nếu kêu tô đặc biệt có thêm ít lát thịt mỏng thì giá là 15 ngàn đồng. Bây giờ theo thời giá, tô hủ tiếu gõ loại thường đã tăng gấp đôi: 20 ngàn đồng.

Chú bé ấy là nhân viên bưng bê kiêm tiếp thị của một xe hủ tiếu gõ. Đẩy xe là một người đàn ông từ phục trang cho đến vóc dáng đều phong trần, nói giọng miền ngoài như Quảng Nam, Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Bình Định... Ông chủ xe hủ tiếu gõ là thành viên của một xóm cư dân từ những vùng quê xa xôi, hoàn cảnh nghèo, không nghề nghiệp ổn định hoặc không có ruộng vườn, chỉ đi làm mướn, đành rời quê vào Sài Gòn bán hủ tiếu gõ kiếm sống cho gia đình và nuôi con cái ăn học.

Xóm hàng rong hủ tiếu gõ gồm nhiều thành viên cùng quê cư ngụ. Họ là bà con, hàng xóm..., người trước rủ người sau vào Sài Gòn thuê nhà trọ ở theo nhóm để hướng dẫn nghề, giúp đỡ nhau trong kế mưu sinh. Những xóm hủ tiếu gõ ở rải rác từ các quận 3, Gò Vấp, Bình Thạnh, Tân Bình, Bình Tân..., nhưng nhiều nhất là ở quận Tân Bình. Ban ngày, họ ngủ tới trưa, đầu giờ chiều mới lục đục thức dậy, chuẩn bị nguyên liệu, đồ nghề nấu hủ tiếu, chiều xuống thì đẩy xe đi vào các xóm. Một xe hủ tiếu gõ thường có 3 người: ông chủ đẩy xe kiêm đầu bếp và 2 "đệ tử" vừa gõ nhịp lách cách rao hàng kiêm bưng bê. Xe hủ tiếu gõ hoạt động đến 0 giờ, thậm chí đến 2-3 giờ sáng hôm sau, trừ những hôm may mắn bán hết hàng thì về sớm.

*

* *

Nghề bán hủ tiếu gõ Sài Gòn ngày nay xuất phát từ miền Trung, tạo nên một phong cách ẩm thực bình dân nhưng ý nghĩa văn hóa lại rất "bác học". Người bắt chước nghề, phát triển hủ tiếu gõ đầu tiên ở Sài Gòn có lẽ là anh Triêm, quê ở thôn Mỹ Trang (xã Phú Cường, huyện Đức Phổ, Quảng Ngãi). Anh Triêm sau khi rời quê vào Sài Gòn thử nghiệm nghề bán hủ tiếu gõ thành công nên về làng rủ bạn bè, hàng xóm, bà con thân thuộc vào phát triển nghề này. Giai đoạn nhiều năm về trước, thôn Mỹ Trang có nhiều người vào Sài Gòn bán hủ tiếu gõ nhất, có nhà đi gần hết, chỉ còn người già ở lại.

Trước khi có những người bán hủ tiếu gõ vượt qua số phận hẩm hiu thì hầu hết các ông chủ xe hủ tiếu gõ miền Trung trên đất Sài Gòn đều trải qua những ngày nắng mưa cơ cực, thật sự lam lũ với nghề, thậm chí tủi thân, khổ nhục trước sự cạnh tranh khắc nghiệt của thị trường ẩm thực phức tạp. Người ta đã từng tung tin rằng hủ tiếu gõ Sài Gòn nấu nước lèo bằng... nước cống và trùn chỉ. Cơn bão tin đồn quái ác này làm cho nghề bán hủ tiếu gõ có một dạo điêu đứng. Lần khác, không biết nguyên cớ nào, người ta lại tung tin đồn hủ tiếu gõ nấu nước lèo bằng thịt... chuột cống (!?). Dư luận đã dấy lên sự bất bình, lo ngại, bày tỏ sự kinh sợ hủ tiếu gõ. Nhưng may mắn thay, báo chí lại chứng minh được rằng hủ tiếu gõ vẫn "trong sạch" trong phong cách ẩm thực bình dân. Và thế là đêm đêm, tiếng nhịp gõ lách cách quen tai của những chú bé nhân viên tiếp thị xe hủ tiếu gõ quen thuộc vẫn đi vào xóm.

Sài Gòn có cơ man các món ăn sang trọng, nhưng hủ tiếu gõ là phong cách ẩm thực đặc trưng của người xa xứ: công nhân, sinh viên, học sinh, người lao động đủ mọi ngành nghề ở các nơi tụ về sinh sống. Chỉ một món tiền nhỏ giữa thời vật giá gia tăng, nhưng tô hủ tiếu gõ khiêm tốn có thể "cứu đói" tức thời cho người thức khuya chắc chắn đã thành dấu ấn kỷ niệm của biết bao người khi nhớ về Sài Gòn, dù mai này họ có đi bất cứ nơi đâu hoặc ở đâu.

Với sự phát triển của xã hội, ngày nay người ta có thể đặt món ăn ưa thích bằng công nghệ 4.0 trên mạng và được shipper giao tới tận nhà thì những xe hủ tiếu gõ một thời chiếm lĩnh thị trường ẩm thực bình dân đã trở thành dĩ vãng. Còn chăng là âm vang của tiếng gõ nhịp lốc cốc, lách cách đặc trưng của kiểu tiếp thị món ăn này vào tận các ngõ ngách những con hẻm chằng chịt vẫn còn hằn sâu trong ký ức của người Sài Gòn thuở xưa mà vẫn chưa xa.

TỪ KẾ TƯỜNG

Nguồn CA TP.HCM: http://congan.com.vn/doi-song/nhip-song/am-vang-hu-tieu-go-sai-gon_145684.html